Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) đang kiến nghị Chính phủ cho phép các doanh nghiệp (DN) trong ngành được miễn giảm thuế GTGT trong vòng 3 - 6 tháng, đồng thời, tăng tỷ lệ hoàn thuế này đối với hàng hóa của DN xuất khẩu (XK) từ 10% lên 15%, nhằm kích cầu tiêu thụ sản phẩm xuất khẩu lẫn nội địa.

Ngoài ra, việc đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) thành công, hàng dệt may của Việt Nam sẽ có cơ hội mở rộng thị trường hơn, đặc biệt là thị trường Mỹ (có thể được giảm thuế từ 16 đến 18%, thậm chí có những mặt hàng sẽ được hưởng thuế suất 0%).

Theo Vitas, một trong những nguyên nhân dễ thấy đó là thị trường đang dần bị thu hẹp. Mỹ luôn được các doanh nghiệp dệt may nhắm tới bởi là thị trường lớn nhất, chiếm 1/2 tổng giá trị xuất khẩu, nhưng đến thời điểm này cũng được nhận định tiềm ẩn nhiều rủi ro. Cùng chính sách thắt chặt tiền tệ sau khi bỏ trần nợ công, tăng trưởng kinh tế nước này không có dấu hiệu khởi sắc, đẩy nhiều doanh nghiệp xuất khẩu trong nước trước nguy cơ mất dần đơn hàng từ khách hàng truyền thống, ngay cả đơn hàng đã ký cũng có thể bị giảm sản lượng.

Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp ngành dệt may than phiền: Với tình hình giá cả tiếp tục tăng như hiện nay, phần lớn doanh thu của doanh nghiệp phải chi cho việc nhập nguyên phụ liệu và các chi phí đầu vào. Vì thế, dù giá gia công đã được điều chỉnh tăng song vẫn không thể bù lại với mức tăng của đầu vào.

Mặt khác, trong cơ cấu giá thành may gia công, lương công nhân chiếm tới 65%, chính sách mới về điều chỉnh tiền lương bắt đầu tháng 10 tới cũng đang tạo nhiều áp lực cho doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp lớn có hàng nghìn lao động. Ngoài việc phải đối mặt với những khó khăn nội tại, một số yếu tố mới phát sinh tại một số thị trường chính cũng đang khiến cho các doanh nghiệp dệt may lo lắng về sự ổn định của đơn hàng trong những tháng cuối năm.

Bộ Công Thương cho biết, 8 tháng qua, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may đạt 9,72 tỷ USD, tăng 7% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, cùng với tỷ lệ tăng trưởng trên, theo Vitas hiện các doanh nghiệp ngành dệt may, nhất là những doanh nghiệp vừa và nhỏ rất khó khăn trong việc thu xếp vốn và tìm kiếm đơn hàng để phát triển sản xuất.

Bà Đặng Phương Dung, Tổng Thư ký Vitas cho rằng: Mặc dù được đánh giá là lĩnh vực đi đầu trong XK song theo đánh giá của Bộ Công Thương, những khó khăn mà ngành dệt may đang gặp phải là không có đơn hàng, thu nhập giảm, người lao động thường bỏ việc để kiếm việc khác có thu nhập tốt hơn, hay khó khăn về thủ tục tạm nhập tái xuất...

Để giảm rủi ro ở mức thấp nhất trong việc biến động nguồn cung lao động, Hiệp hội Dệt May đang kêu gọi các doanh nghiệp tăng cường ổn định nguồn lao động bằng các chính sách lương bổng phù hợp và duy trì tối đa các chính sách phúc lợi. Đồng thời phía doanh nghiệp thì vẫn đang mong chờ Nhà nước đưa ra những giải pháp tháo gỡ khó khăn thiết thực nhất./.

(HQ)

Nguồn: Hải quan Việt Nam