Anh Lê Thành Sơn - trưởng phòng kinh doanh Công ty Sản xuất Giấy Anh Phú ở Khu công nghiệp Quế Võ, Bắc Ninh cho biết: Nguyên liệu giấy để sản xuất đang trong cảnh “cực hiếm”. Trước đây, tổng công suất sản xuất của Anh Phú là 10 tấn giấy/ngày, nhưng nay do thiếu nguyên liệu, phải sản xuất cầm chừng, công suất giảm chỉ còn 4-5 tấn/ngày.
Giá nguyên liệu đã tăng khoảng 10%, hiện công ty sẵn sàng mua 100, thậm chí 300 tấn giấy của Bãi Bằng, Việt - Nhật nhưng họ không có để bán, giấy nguyên liệu ở thị trường ngoài Bắc đang thiếu đến 50% so với nhu cầu.
Bằng chứng đưa ra là riêng mặt hàng giấy vệ sinh cao cấp, nếu trước đây, Công ty Anh Phú thường phải tổ chức bán hàng, marketing sản phẩm thì nay, do nhu cầu tăng cao, hàng ra đến đâu các đầu mối tự động đánh xe đến lấy, đặt hàng hết đến đấy.
Thực tế trên không chỉ riêng Công ty Anh Phú mà là tình hình chung của các DN sản xuất giấy vệ sinh cao cấp nội địa cũng như DN có vốn nước ngoài tại VN .
Mặc dù không cho rằng thị trường đang có sự khan hàng nhưng đại diện Công ty Văn phòng phẩm Hồng Hà với ưu thế của một nhà sản xuất giấy tập, giấy vở học sinh lớn cũng thừa nhận bị ảnh hưởng ít nhiều bởi hàng đặt nhưng không thể có ngay mà phải chờ đợi.
Sản xuất bình thường, nhập khẩu tăng kỷ lục
Về phần mình, đại diện hai DN giấy lớn trong nước là Công ty Giấy Bãi Bằng và Giấy Tân Mai lại phủ định việc khan hiếm bởi họ vẫn sản xuất, cung cấp bình thường ra thị trường.
Theo Công ty Giấy Tân Mai: Giấy tập để in, viết, giấy in báo của Tân Mai vẫn được sản xuất hết công suất, tiêu thụ ổn định, không giữ lại trong kho. Riêng giấy in báo, với lượng cung ứng 4.000 tấn/tháng ra thị trường, hiện đã vượt công suất máy là 10%/năm, ở mức tối đa.
Nguồn cung giấy của hai công ty lớn không giảm sút, nhưng điều đáng quan tâm ở đây là lượng giấy nhập khẩu trong quý I vừa qua cũng tăng rất mạnh.
Theo ông Vũ Ngọc Bảo - Tổng Thư ký Hiệp hội Giấy và Bột giấy VN, hiện lượng giấy nhập khẩu phải chiếm đến 55% nhu cầu của thị trường bởi trong hoàn cảnh giá nguyên vật liệu đầu vào (than, điện, bột giấy, hoá chất) tăng cao, hiệu quả sản xuất của DN giảm, chỉ cung ứng được 45% (trong khi năm ngoái, tỷ lệ giấy sản xuất trong nước và giấy nhập khẩu là 50 -50).
Chỉ riêng giấy in báo, Hiệp hội cho hay, tổng lượng nhập khẩu 3 tháng đầu năm đã tăng 60% so với cùng kỳ năm 2007, được đánh giá là “mức tăng quá lớn”.
Tuy nhiên, thống kê này của Hiệp hội vẫn có phần khiêm tốn hơn nhiều con số về mức tăng nhập khẩu mà Công ty Giấy Tân Mai đưa ra.
Cụ thể, 18.000 tấn giấy in báo được nhiều đơn vị nhập về trong quý I vừa qua, so với quý IV năm 2007, đã tăng trên 40%; so với mức 9.900 tấn của quý I năm 2007, đã tăng 181%.
Điều nghịch lý là, lượng tiêu thụ giấy in báo trong nước thời gian qua lại không tăng tương ứng số lượng nhập khẩu trên.
Nguồn tin tại Công ty Giấy Tân Mai phân tích: Thứ nhất, thời gian qua lượng đầu báo mới ra chỉ ở con số rất nhỏ. Thứ hai là nếu trước kia, các nhật báo lớn đều dùng giấy định lượng 48,8, giờ họ đã giảm xuống 45. Có nghĩa là, giá giấy lên cao, dùng định lượng ít hơn, chiều dài giấy sẽ lớn hơn, in được nhiều hơn. Do đó không ảnh hưởng đến lượng cung cấp.
Sản lượng nhập khẩu giấy nói chung của quý I được đánh giá là cao nhất từ trước đến nay trong khi ngoài giấy in báo, lượng tiêu thụ các loại giấy in, viết thời điểm lúc đó chưa tăng, nếu không nói là chậm bởi nhu cầu sách, vở cho năm học mới là chưa có và thường phải đến tháng 4, 5, các DN sản xuất tập, vở học sinh mới bắt đầu thu mua nguyên liệu.
Đầu cơ giấy, chờ giá?
Đầu vào lớn, đầu ra được duy trì ở mức thấp, vậy lượng giấy đó đi đâu? Phải chăng thị trường đang bị chi phối bởi một số đối tượng đầu cơ?
Tổng Thư ký Hiệp hội Giấy và Bột giấy cho biết: Nguyên nhân vì sao thì chúng tôi không đủ điều kiện tìm hiểu. Đầu cơ rất nguy hiểm nhưng việc đi triệt những đối tượng đầu cơ tích trữ không phải chức năng, thuộc phạm vi theo dõi của chúng tôi.
Cho rằng “chẳng ai lại ôm, giữ giấy”, ông Phạm Văn Vương - Chủ tịch Hợp tác xã Việt - Nhật, nhà sản xuất giấy tại Phong Khê, Bắc Ninh, lý giải: lượng nhập về tăng cao là do đơn vị nhập khẩu “lách” luật, “lậu” về số lượng lớn đối với loại giấy cao cấp mà DN trong nước chưa sản xuất được.
Theo ông Vương, thuế suất nhập khẩu đối với các mặt hàng mà trong nước chưa sản xuất được bao giờ cũng nhẹ hơn những mặt hàng mà trong nước đã sản xuất được. Trong khi đó, loại giấy cao cấp nhập khẩu có chất lượng hơn hẳn, nhu cầu thực trong nước là có.
Được biết, giá giấy Indonesia nhập về trong tháng 3 vào khoảng 650 USD/tấn, nếu so sánh với mức giá hiện tại là 780 USD/tấn (trong đó các chi phí kho bãi, lãi suất ngân hàng, vận chuyển chiếm khoảng 20 USD/tấn), như vậy đã chênh lệch khoảng trên 100 USD/tấn giấy.
Chưa kể, giá giấy nhập về tháng 4 tiếp tục tăng, giá bán ra trong tháng 5, 6, theo dự đoán của giới sản xuất, kinh doanh, có thể lên tới trên 800 USD/tấn.
Trước việc cắt giảm sản lượng giấy in báo trên toàn thế giới, nguồn cung giấy vở từ Trung Quốc hạn chế do chính sách cải cách và phát triển ngành giấy, cắt giảm những nhà máy gây ô nhiễm của nước này… giá giấy trên thế giới từ cuối năm 2007 đã tăng hằng tháng.
Không khan hiếm nhưng giá thành cao khiến DN phải đắn đo hơn trong việc nhập hàng. Với các DN sản xuất quy mô nhỏ lẻ trong nước lúc này lại càng khó khăn hơn.
Còn đối với một số nhà nhập khẩu, mức chênh lệch tới hơn trăm đô la/tấn giữa lúc thấp điểm và lúc cao điểm thu mua nguyên liệu sản xuất với sức tiêu thụ có thể lên đến hàng nghìn tấn/tháng đợt này - rõ ràng là một nguồn lợi nhuận khổng lồ mà họ khó lòng bỏ qua.

(VNN)

 

Nguồn: Internet