Trong bối cảnh kinh tế 2013 dự báo tiếp tục có những khó khăn, song nhiều doanh nghiệp dệt may hiện đã có đơn hàng đến hết quý I/2013.

Các doanh nghiệp đang bắt đầu một mùa sản xuất mới. Tuy nhiên, với mục tiêu xuất khẩu năm 2013 từ 18,5 - 19 tỉ USD, ngành dệt may vẫn phải lo lắng nhiều về phương diện thị trường, về nguồn hàng, khách hàng và khả năng chiếm lĩnh các thị trường đó.

Theo Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), đến thời điểm hiện tại ngành dệt may vẫn đang đi đúng hướng và tiếp tục củng cố vị trí cạnh tranh trên cơ sở nâng cao năng suất lao động, sản xuất những mặt hàng có yêu cầu về kỹ thuật, chất lượng khá và cao, tận dụng khả năng linh hoạt cao trong việc đáp ứng các đơn hàng quy mô nhỏ và vừa, thời gian giao hàng tương đối gấp để hình thành lên các đặc thù thị trường ngách của dệt may Việt Nam.

Năm 2013, các thị trường xuất khẩu chủ lực của ngành vẫn là Mỹ, Nhật Bản và EU, bởi các thị trường mới tuy rất nhiều nhưng quy mô lại rất nhỏ, mỗi năm cũng chỉ xuất khẩu được 30-50 triệu USD, ảnh hưởng không nhiều. Chẳng hạn, thị trường Liên Xô cũ như: Nga, Bê-la-rút, Ucraina…, các nước Đông Âu cũ hay thị trường châu Phi, Trung Cận Đông... cũng tăng trưởng khá, nhưng tỉ trọng chưa cao so với ba thị trường trọng yếu nói trên. Đáng chú ý, hai năm qua, chúng ta đã phát triển thêm thị trường mới là Hàn Quốc và thị trường này đóng góp trên 1 tỉ USD. Riêng năm 2012, ngành dệt may có 4 thị trường đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỉ USD, gồm Mỹ: 7 tỉ USD, EU: 2,6 tỉ USD, Nhật Bản: 2,1 tỉ USD và Hàn Quốc: 1,1 tỉ USD. Điều này cho thấy ngành dệt may Việt Nam ngày càng có uy tín và tính cạnh tranh cao trên thị trường thế giới.

Chiến lược của Vinatex trong năm 2013 là đảm bảo tiêu chí: Tăng trưởng nhanh - Hiệu quả cao - Sử dụng vốn hợp lý - Không sai sót. Theo đó, tập trung vào đầu tư bổ sung, tăng hiệu quả theo hướng kết nối chuỗi; thống kê, phân tích, đánh giá nguồn lực của các doanh nghiệp dệt may trong nước và khả năng cạnh tranh với nhóm doanh nghiệp FDI, với các nước trong khu vực. Bên cạnh đó, ngành tiếp tục tăng năng lực đầu tư trên cơ sở đã có khách hàng hiệu quả, sau đó mới tính đến phát triển bền vững thị trường và khách hàng mới. Ngoài ra, ngành dệt may đang định hướng đầu tư tập trung vào những lĩnh vực cốt lõi, như sợi, may gắn với dệt và nhuộm dựa trên cơ sở phát triển những mặt hàng mang lại hiệu suất cao là veston, sơ-mi, áo thun, polo shirt. Với nguồn vốn hiện có và tận dụng tối đa nguồn tín dụng lãi suất thấp, Tập đoàn sẽ chọn hướng đầu tư Nhà máy dệt len, Nhà máy nhuộm yarn-dyed, trung tâm dệt kim ở miền Bắc và miền Nam, cùng với tiếp tục phát triển vùng nguyên liệu để phát triển ngành dệt may bền vững và hiệu quả ./.

Nguồn: Vinanet