Thị trường dệt may của Việt Nam quý IV/2012 đã có tín hiệu tốt hơn. Đáng chú ý là hầu hết các đơn vị lớn có thương hiệu đã đủ đơn hàng, nhiều đơn vị có đơn hàng đến quý I/2013. Tuy nhiên, để đảm bảo mục tiêu xuất khẩu dệt may của Việt Nam năm 2012 đạt 17-17,5 tỷ USD và phấn đấu đạt 20 tỷ USD năm 2013 thì ngành dệt may vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn và cần nỗ lực của toàn ngành.
Thống kê cho thấy, tính đến hết tháng 9 Vinatex thực hiện tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may đạt 12,6 tỷ USD, tiếp tục dẫn đầu xuất khẩu của cả nước, tăng 7,4% so với cùng kỳ năm. Cùng với đó, các thị trường lớn đều có tốc độ tăng trưởng cao hơn rất nhiều so với kim ngạch nhập khẩu chung. Điều đó chứng tỏ, Việt Nam không những giữ được mức độ tăng trưởng mà còn cải thiện thị phần trong điều kiện kinh tế thế giới và tổng cầu hàng hóa dệt may có xu hướng chững lại. Đáng mừng hơn là ở thời điểm hiện tại hàng tồn kho không chỉ đang ở mức tương đương năm cũ mà còn không xuất hiện hiện tượng tồn kho xấu. Đây là kết quả của sự nỗ lực kiểm soát tồn kho lưu thông tại các địa điểm bán thông qua hệ thống đánh giá tồn kho chung để có thể dịch chuyển giữa các điểm, và đây cũng là yếu tố quan trọng nhất giúp giảm hàng tồn kho từ 20 – 30%. Nếu làm tốt hơn nữa thì tồn kho của Tập đoàn sẽ tiếp tục giảm xuống khoảng 40 – 50%./.
Mặc dù quý II/2012 là thời kỳ khó khăn nhất đối với doanh nghiệp dệt may bởi không ít doanh nghiệp không có đơn hàng, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ ở địa phương, không là thành viên của Hiệp hội. Tuy nhiên, đến quý III, thị trường dệt may đã cải thiện, tốc độ tăng trưởng cao hơn và đến quý IV, thị trường đã có tín hiệu tốt. Đặc biệt, cũng trong quý IV này, từ ngày 4 đến 6/11/2012, Việt Nam sẽ là quốc gia chủ nhà của Hội nghị thường niên toàn cầu về sợi và dệt vải năm 2012. Đây là cơ hội quý báu để doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận với các thông tin, phân tích và dự báo cập nhật về thị trường dệt sợi toàn cầu cũng như mở rộng quan hệ giao thương, quảng bá hình ảnh, xúc tiến thương mại và đầu tư với các nhà dệt sợi hàng đầu thế giới.