Ngày 22/4, Tổng công ty Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đã chính thức công bố sản phẩm phân bón DAP đầu tiên được sản xuất tại nhà máy DAP Đình Vũ Hải Phòng.

Phân DAP được sản xuất thành công tại Việt Nam đã thúc đẩy nông nghiệp trong nước phát triển, giảm thiểu nhập khẩu phân bón, tiết kiệm được ngoại tệ, tận dụng nguồn tài nguyên trong nước và tạo điều kiện cho hơn 600 công nhân. Hiện nhà máy có thể đáp ứng gần 50% nhu cầu tiêu thụ phân bón DAP trong nước, mang lại doanh thu đạt khoảng 330 triệu USD và sẽ giảm được hơn 200 triệu USD nhập khẩu phân bón mỗi năm.

Vụ Kế hoạch (Bộ NN&PTNT) cho biết, nguồn phân bón cho vụ hè thu năm nay vẫn được bảo đảm với giá ổn định. Theo tính toán, vụ hè thu năm 2009 cả nước cần khoảng 400 nghìn tấn phân u-rre, trong đó miền Bắc 30 nghìn tấn, miền Trung 80 nghìn tấn và Nam Bộ 290 nghìn tấn. Vụ Kế hoạch cho biết, nguồn phân bón cho vụ hè thu năm nay tương đối dồi dào. Tổng cộng nguồn cung do tồn kho và của các nhà máy sản xuất phân đạm, cộng với nhập khẩu vào khoảng 440 nghìn tấn. Riêng lượng phân u-rê tồn kho của Phú Mỹ hiện nay là 95 nghìn tấn, trong đó từ nguồn sản xuất là 35 nghìn tấn, nguồn nhập khẩu 60 nghìn tấn. Tuy nhiên, do giá phân bón nhập khẩu liên tục biến động theo hướng tiếp tục giảm, gây lỗ cho việc nhập khẩu, nên các doanh nghiệp kinh doanh phân bón phải cân nhắc trong việc nhập khẩu.

Vì vậy, để đảm bảo đủ phân bón cho sản xuất nông nghiệp, Bộ NN&PTNT đề nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các Ngân hàng thương mại quan tâm giải quyết ngoại tệ cho các doanh nghiệp nhập khẩu phân bón; không duy trì điều kiện hạn ngạch và giấy phép xuất khẩu phân bón. Bộ NN&PTNT phối hợp chặt chẽ cùng Bộ Công Thương nắm sát diễn biến thị trường để chỉ đạo các doanh nghiệp nhập khẩu phân bón kịp thời, đáp ứng nhu cầu sản xuất vụ hè thu.

Bộ Công Thương chỉ đạo các nhà máy sản xuất phân bón trong nước nâng sản lượng để bảo đảm cung ứng cho nông dân. Trước mắt, cần chỉ đạo các Nhà máy  Phân đạm Phú Mỹ, Hà Bắc đẩy nhanh tiến độ sản xuất phân ure để phục vụ sản xuất vụ hè thu; duy trì lượng tồn kho phân đạm Phú Mỹ ở mức tối thiểu khoảng 70 nghìn tấn ure để ổn định thị trường. Đồng thời cho phép Công ty Phân đạm và hoá chất dầu khí tham gia nhập khẩu phân bón để cân đối giá bán phân đạm trong nước.

Bộ NN&PTNT sẽ khuyến cáo nông dân tăng cường việc đầu tư phân bón tổng hợp NPK, phân hữu cơ, hữu cơ vi sinh, hữu cơ sinh học, bảo đảm hiệu quả cho sản xuất nông nghiệp. Các bộ , ngành, địa phương chỉ đạo các doanh nghiệp trực thuộc tổ chức hệ thống phân phối phân bón để bán thẳng cho nông dân, hạn chế trung gian lợi dụng ép giá; tăng cường kiểm tra chất lượng phân bón, đồng thời kiểm soát giá bán lẻ phân bón, bảo đảm hợp lý cho nông dân.

Cùng với việc điều chỉnh thuế suất thuế nhập khẩu thép hợp kim, thuế suất thuế nhập khẩu thức ăn chăn nuôi, dầu diezen, một số mặt hàng phân bón cũng nằm trong nhóm mặt hàng được điều chỉnh tăng thuế nhập khẩu. Theo đó, tại Thông tư số 76/2009/TT-BTC, ngày 13/04/2009,  Bộ Tài chính đã hướng dẫn việc điều chỉnh mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đối với một số mặt hàng phân bón trong Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi.   
Cụ thể, thuế suất thuế nhập khẩu phân khoáng hoặc phân hóa học, có chứa phosphat, loại dùng làm thức ăn chăn nuôi; phân khoáng hoặc phân hoá học có chứa ba nguyên tố là nitơ, phospho, kali, ở dạng viên hoặc các dạng tương tự hoặc đóng trong bao bì, đồng loạt tăng từ 5% lên 6,5%.       

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký, áp dụng đối với các tờ khai hải quan hàng hóa nhập khẩu đăng ký với cơ quan Hải quan kể từ ngày 20/04/2009.   

Giá phân bón tại một số thị trường trong tuần

Đơn vị: đ/kg

Địa phương

Phân Ure

Phân DAP (Trung Quốc)

Bạc Liêu

 

640.000 (-10.000) (50 kg/bao)

Cà Mau

6.000

10.800

Lâm Đồng

 

9.000

Hà Nội

7.000

12.000

Đồng Nai

 

8.700

Trà Vinh

 

12.000

Nguồn: Vinanet