Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), năm 2012 là một năm đầy khó khăn cho các DN dệt may Việt Nam, trong đó khó khăn lớn nhất là về thị trường xuất khẩu (XK).
Hầu hết các DN đều thiếu đơn hàng, đặc biệt vào các giai đoạn thấp điểm, nhiều DN phải thu hẹp quy mô sản xuất, giảm bớt giờ làm thậm chí phải đóng cửa. Tuy nhiên, trong năm 2013, với những chuyển biến tích cực hơn về tình hình kinh tế thế giới, các thị trường XK chính của ngành dệt may cũng hứa hẹn sẽ có nhiều triển vọng
Theo đó, trong năm 2013 tình hình kinh tế Mỹ được dự báo có triển vọng hơn. Do vậy, tổng nhập khẩu (NK) hàng dệt may vào Mỹ dự kiến sẽ tăng khoảng 3% so với năm 2012.
Năm 2012, kim ngạch XK dệt may vào thị trường Mỹ đạt mức tăng trưởng ấn tượng với gần 9% trong khi kim ngạch XK của tất cả các nước cạnh tranh trực tiếp đều giảm. Hiện Việt Nam duy trì là nhà cung cấp đứng thứ 3 vào Mỹ về khối lượng và đứng thứ 2 về giá trị, với thị phần năm 2012 chiếm khoảng 7,5%, tăng so với 7,1% so với năm 2011.
Trong hai 2 năm trở lại đây (2011-2012) người tiêu dùng Canada khá dè dặt trong chi tiêu mặt hàng may mặc. Tuy nhiên kim ngạch XK hàng dệt may Việt Nam sang thị trường Canada năm 2012 vẫn tăng trưởng 17,8% so với năm 2011.
Theo Vitas, dù thị phần của Việt Nam sang thị trường Canada còn khiêm tốn nhưng tốc độ XK dệt may của Việt Nam sang thị trường này nhanh hơn nhiều so với các nước cạnh tranh khác cho thấy sự chiếm lĩnh thị trường ngày càng rộng của các DN dệt may Việt Nam.
Năm 2012, kim ngạch XK dệt may sang thị trường Nhật Bản đạt hơn 2 tỉ USD tăng 17% so với năm 2011. Các mặt hàng có thế mạnh XK sang thị trường Nhật Bản như áo sơ mi, áo jacket, quần áo trẻ em, áo thun, quần jean… vẫn đạt được mức tăng trưởng khả quan do các DN đã nâng cao chất lượng, sự tinh xảo trong các sản phẩm may mặc đồng thời đảm bảo được các quy định khắt khe về nhãn mác cũng như thành phần sợi vải, cách thức giặt và các tiện ích khi sử dụng…
Theo Vitas, với đà tăng trưởng hiện nay của Nhật Bản và sự sụt giảm của thị trường EU, dự báo hàng dệt may vào Nhật bản trong năm 2013 sẽ vượt qua cả thị trường EU hiện đang chiếm gần 14% thị phần hàng dệt may Việt Nam. Ngoài ra với việc tiếp tục hưởng lợi từ các hiệp định kinh tế song phương và đà tăng trưởng XK năm 2013, dự báo XK dệt may sang Nhật Bản 2013 sẽ tiếp tục tăng trưởng tốt, ước đạt 2,375 triệu USD, tăng 18% so với năm 2012. Trong đó, các chủng loại các mặt hàng dệt may có thế mạnh vẫn tiếp tục tăng cả lượng và trị giá.
Năm 2012, thị trường EU có mức sụt giảm nghiêm trọng về doanh số bán lẻ, trong đó kim ngạch XK NK hàng dệt may vào thị trường này giảm khoảng 8% so với năm 2011. Tất cả các thị trường NK chính của EU đều có sự suy giảm so với năm trước.
Kim ngạch XK hàng dệt may của Việt nam và EU trong năm 2012 cũng giảm 13,51% so với năm 2011. Mặc dù vậy, trong những tháng cuối năm 2012, hoạt động XK dệt may của Việt Nam sang thị trường EU đã có dấu hiệu hồi phục.
Dự báo trong năm 2013, đà suy giảm của kim ngạch XK dệt may Việt Nam vào EU sẽ chậm lại với mức giảm gần 3% so với năm 2012. Trong đó thị trường Đức vẫn là thị trường XK lớn của Việt Nam trong khối EU. Năm 2012 mặc dù tình hình khủng hoảng nợ công vẫn lan rộng nhưng kim ngạch XK dệt may của Việt Nam sang Đức vẫn tăng khoảng 8% so với với năm 2011.
Hiện Việt Nam là một trong hai quốc gia đứng đầu về kim ngạch NK hàng dệt may vào thị trường Hàn Quốc. Năm 2012, kim ngạch XK hàng dệt may sang thị trường này ước đạt gần 1,3 tỉ USD tăng 11,5% với năm 2011.
Mặc dù tốc độ tăng trưởng kim ngạch XK hàng dệt may Việt Nam sang Hàn Quốc năm 2012 thấp hơn so với các năm trước nhưng xét trong tình hình chung của kinh tế thế giới thì đây là tín hiệu khả quan về năng lực và cạnh tranh của Việt Nam với thế giới. Dự báo kim ngạch XK dệt may sang Hàn Quốc năm 2013 đạt 1,5 tỉ USD tăng 15% so với năm 2012
Ông Lê Tiến Trường, Phó chủ tịch Vitas cho biết, kim ngạch XK của ngành dệt may năm 2013 dự kiến sẽ đạt khoảng 19 tỉ USD, tăng khoảng 12% so với năm 2012.
Để đạt được mục tiêu này trong thời gian tới, thông qua việc gia tăng đàm phán, thúc đẩy kí kết, xúc tiến thương mại…ngành dệt may sẽ tiếp tục củng cố và khai thác các thị trường chính như ASEAN, Bắc Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Tây Âu thông qua các Hiệp định thương mại tự do đồng thời mở rộng thị trường sang các nước SNG, châu Phi và Nam Mỹ.