(VINANET)- Theo nguồn TTXVN, Ai Cập luôn giữ một vị trí quan trọng trong chính sách đối ngoại của Việt Nam. Hai nước đã thiết lập quan hệ ngoại giao cấp đại sứ vào năm 1963 trước khi mở đại sứ quán ở mỗi nước một năm sau đó.

Trong nửa thế kỷ qua, quan hệ giữa hai nước đã đạt được những thành quả rất lớn. Đặc biệt, từ năm 1991 tới nay, quan hệ giữa hai nước đã bước vào giai đoạn mới và phát triển trên tất cả các lĩnh vực, từ chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, khoa học kỹ thuật, giáo dục đào tạo, du lịch và đầu tư.

 Hai bên đã ký kết rất nhiều văn bản và hiệp định hợp tác, đồng thời đã thành lập Ủy ban liên chính phủ nhằm thúc đẩy quan hệ giữa song phương.

Quan hệ kinh tế thương mại và đầu tư giữa hai nước đã có bước phát triển mạnh mẽ. Năm 2012, kim ngạch thương mại hai chiều đạt 304,6 triệu USD, đưa Ai Cập trở thành thị trường lớn thứ hai của Việt Nam ở khu vực Trung Đông-Bắc Phi. Theo số liệu thống kê sơ bộ của TCHQ Việt Nam, 7 tháng đầu năm 2013, Việt Nam đã xuất khẩu 139,6 triệu USD sang thị trường này, giảm 31,25% so với cùng kỳ năm trước. Các mặt hàng chính Việt Nam xuất khẩu sang Ai Cập là thủy sản, hạt tiêu, xơ sợi dệt, phương tiện vận tải và phụ tùng, cà phê, dệt may, sắt thép các loại. Hàng thủy sản chiếm tỷ trọng lớn trong tổng kim ngạch, chiếm 27,3% đạt kim ngạch 38,2 triệu USD; đứng thứ hai là mặt hàng hạt tiêu đạt 21,6 triệu USD và xơ sợi dệt đạt kim ngạch 17 triệu USD….

Tuy nhiên, các mặt hàng xuất khẩu sang thị trường Ai Cập trong 7 tháng đầu năm nay còn hạn chế, so với 7 tháng đầu năm 2012 thì hầu hết các mặt hàng xuất khẩu đều giảm về kim ngạch, duy nhất chỉ có mặt hàng sắt thép là tăng trưởng, tăng 50,65%.

Thống kê hàng hóa xuất khẩu sang Ai Cập 7 tháng 2013

ĐVT: USD
 
KNXK 7T/2013
KNXK 7T/2012
% so sánh
Tổng KN
139.668.038
203.163.085
-31,25
Hàng thủy sản
38.242.142
50.643.072
-24,49
hạt tiêu
21.613.287
25.310.823
-14,61
xơ sợi dệt các loại
17.021.039
21.906.423
-22,30
phương tiện vận tải và phụ tùng
8.219.759
11.460.307
-28,28
máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác
7.389.116
17.999.339
-58,95
cà phê
4.662.831
13.154.728
-64,55
hàng dệt may
3.734.247
4.916.034
-24,04
sắt thép các loại
1.246.254
827.267
50,65

(Nguồn số liệu: Thống kê sơ bộ TCHQ)

Trên cơ sở Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư, phía Ai Cập đã trao đổi với Việt Nam những biện pháp nhằm thúc đẩy đầu tư giữa hai nước trong các lĩnh vực dầu khí và thông tin viễn thông.

Về nông nghiệp, hai bên đã ký văn bản hợp tác giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn của Việt Nam và Bộ Nông nghiệp và Khai hoang của Ai Cập liên quan đến nuôi trồng thủy sản, chế biến nông sản, sản xuất thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, hợp tác trong khuôn khổ 2+1 (hợp tác giữa Việt Nam và Ai Cập với một nước thứ ba).

Theo đại sứ thương mại Việt Nam tại Ai Cập – Đào Thành Chung, trên cơ sở mối quan hệ đoàn kết, hợp tác toàn diện giữa hai nước trong thời gian qua, có thể khẳng định cơ hội và tiềm năng hợp tác giữa hai nước còn rất lớn.

Đại sứ tin tưởng rằng trong thời gian tới, quan hệ giữa hai nước sẽ phát triển toàn diện, đi vào chiều sâu và hợp tác có hiệu quả trên tất cả các lĩnh vực, đồng thời hy vọng Ai Cập sẽ nhanh chóng vượt qua các khó khăn, thử thách và sớm khôi phục ổn định để tiến hành những cải cách kinh tế và cải thiện đời sống của nhân dân.

Nguồn: Vinanet