(VINANET) - Với quy mô thị trường 1,1 tỷ người, có nhu cầu nhập khẩu phần lớn các mặt hàng tiêu dùng, lương thực, thực phẩm, châu Phi đang được xem là một thị trường lớn và nhiều tiềm năng đối với các DN xuất khẩu của Việt Nam.

Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường Trung Đông, Châu Phi, Tây Á và Nam Á (Bộ Công Thương) cho biết, kinh tế của các nước châu Phi tăng trưởng tương đối nhanh trong thời gian vừa qua. Một số nước có tiềm lực kinh tế khá lớn, nguồn dự trữ ngoại tệ cao nhờ vào việc xuất khẩu dầu mỏ, khoáng sản.

Nền kinh tế thị trường tự do đã thiết lập hoàn toàn hoặc một phần lớn tại tất cả các nước châu Phi (41/55 nước ở châu Phi là thành viên WTO). Nhiều nước đang tiến hành dỡ bỏ dần hàng rào phi thuế quan, giảm thuế nhập khẩu, nới lỏng kiểm soát đối với vật giá trong nước.

Vì vậy, cùng với chủ trương đẩy mạnh quan hệ phát triển hợp tác với các nước châu Phi của Chính phủ, hàng hóa của Việt Nam đã có chỗ đứng và tương đối phù hợp với yêu cầu và thị hiếu của người dân châu lục này.

Các mặt hàng doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sang thị trường này chủ yếu là gạo, điện thoại, cà phê, hạt tiêu, thủy sản, máy vi tính, dệt may, dược phẩm và linh kiện điện tử. Trong đó, gạo và thủy sản là mặt hàng mà sức mua của thị trường châu Phi còn rất lớn.

Ngược lại, Việt Nam cũng nhập khẩu nhiều hàng hóa từ thị trường châu Phi, trong số đó Nam Phi là một trong những thị trường tiềm năng cho các doanh nghiệp Việt.

Theo số liệu thống kê của TCHQ Việt Nam, 6 tháng đầu năm 2014, Việt Nam đã nhập khẩu 76,2 triệu USD từ thị trường Nam Phi, tăng 19,37% so với cùng kỳ năm trước. Các mặt hàng Việt Nam nhập khẩu từ thị trường này là phế liệu sắt thép, kim loại, chất dẻo nguyên liệu, rau quả, gỗ và sản phẩm…. trong đó mặt hàng phế liệu sắt thép chiếm thị phần lớn, chiếm 32,4%, tương đương với 24,7 triệu USD, tăng 7,18%. Đứng thứ hai về kim ngạch là kim loại với 16,9 triệu USD, tăng 32,03%...

Nhìn chung, 6 tháng đầu năm nay, nhập khẩu hàng hóa từ thị trường Nam Phi đều tăng trưởng ở hầu khắp các mặt hàng, đáng chú ý nhập khẩu hàng rau quả tuy kim ngạch chỉ đạt 3,3 triệu USD, nhưng lại có tốc độ tăng trưởng mạnh, tăng 994,72%.

Đặc biệt, so với cùng kỳ năm trước, Việt Nam nhập khẩu từ thị trường Nam Phi có thêm mặt hàng đá quý, kim loại và sản phẩm với kim ngạch 40,9 nghìn USD.

Thống kê của TCHQ về tình hình nhập khẩu từ thị trường Nam Phi 6 tháng 2014 – ĐVT: USD

 
KNNK 6T/2014
KNNK 6T/2013
% so sánh
Tổng KN
76.264.476
63.888.933
19,37
phế liệu sắt thép
24.750.534
23.092.157
7,18
kim loại thường khác
16.912.003
12.808.893
32,03
chất dẻo nguyên liệu
5.634.925
1.863.991
202,30
sản phẩm hóa chất
4.794.171
3.286.435
45,88
hàng rau quả
3.338.954
305.005
994,72
sắt thép các loại
2.038.476
1.208.455
68,68
máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác
1.692.574
3.533.950
-52,11
gỗ và sản phẩm gỗ
1.674.726
1.143.215
46,49
hóa chất
1.156.346
3.971.705
-70,89

Theo kinh nghiệm được chia sẻ từ các DN đã đầu tư, xuất khẩu tại thị trường châu Phi cho thấy, bên cạnh những chính sách ưu đãi và các cơ chế mở của nền kinh tế thì khi xâm nhập vào thị trường châu Phi, các doanh nghiệp Việt Nam cần nắm bắt những thách thức, rào cản để xác lập được chiến lược kinh doanh cho phù hợp.

Hiện tại những nước là thị trường tiềm năng như Nam Phi, Nigeria… cũng áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại (chống bán phá giá, thuế tự vệ…) và có những rào cản về kỹ thuật nghiêm ngặt như một số sản phẩm phải theo tiêu chuẩn của nước nhập khẩu, yêu cầu giấy chứng nhận Halal đối với thực phẩm nhập khẩu... hay bộ chứng từ gửi hàng xuất khẩu phải được cơ quan đại diện ngoại giao nước mua đóng ở nước bán chứng thực lãnh sự hóa.

Đặc biệt, các nước ở châu Phi thanh toán thường sử dụng hình thức D/P (chuyển tiền, đặt cọc) thay cho việc sử dụng L/C. Vì vậy, với các hình thức thanh toán trên các DN Việt cũng phải có các biện pháp phòng tránh rủi ro trong những trường hợp lừa đảo, gian lận thương mại từ các nước Tây Phi.

Đó là, đối với thanh toán D/P, DN Việt Nam cần đưa ra các mức % đặt cọc (thường là từ 30% trở lên) để đảm bảo an toàn cho các đơn hàng. Đặc biệt, không nên sử dụng hình thức thanh toán D/A (nhờ thu chấp nhận chứng từ) hay chuyển tiền bằng Westen Union cho việc thanh toán.

Bên cạnh đó, do thời gian vận chuyển hàng hóa từ Việt Nam sang Châu Phi thường mất từ 1-1,5 tháng/chuyến, các DN nên kết hợp hình thức xuất khẩu và nhập khẩu để giảm cước tàu. Có thể liên kết nhiều DN Việt với nhau để xem xét sử dụng hình thức hàng đổi hàng. Ví dụ gạo, sản phẩm may mặc, da giày của Việt Nam lấy bông, gỗ của châu Phi…

NG.Hương

Nguồn: Vinanet/chinhphu.vn

Nguồn: Vinanet