Triển vọng hợp tác giữa Việt Nam - Kazakhstan khá sáng sủa, khi Hiệp định FTA giữa Việt Nam và Liên minh thuế quan Nga – Belarus – Kazakhstan chính thức có hiệu lực.
Hiệp định FTA giữa Việt Nam với Liên minh thuế quan, mà Kazakhstan là thành viên sẽ mở ra một “cánh cửa” mới cho hợp tác toàn diện giữa hai bên trên tất cả các lĩnh vực. Mặt khác, bối cảnh quốc tế và khu vực có nhiều thay đổi sẽ tác động mạnh mẽ tới sự phát triển của mỗi nước.
Kazakhstan - Phát triển nhanh chóng
Kazakhstan - quốc gia ở trung tâm lục địa Âu-Á có diện tích lớn đứng thứ 9 trên thế giới, có đường biên giới với Nga và Trung Quốc. Tại cuộc tọa đàm “Kazakhstan trong giai đoạn hiện nay” do Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức, ông Beketzhan Zhumakanov – Đại sứ Kazakhstan tại Việt Nam cho biết: “Trong vòng 2 thập kỷ Kazakhstan đã xây dựng thành công mô hình ổn định chính trị và hòa hợp dân tộc trên cơ sở phát triển mạnh về kinh tế. Chất lượng cuộc sống được nâng cao, thu nhập của người dân tăng hàng chục lần”.
Với nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, Kazakhstan đứng đầu thế giới về trữ lượng kẽm, vonfram và barit; thứ hai về trữ lượng bạc, chì, urani và crom; đứng thứ ba về đồng và florit; thứ sáu - về vàng. Kazakhstan còn đứng thứ 9 thế giới về trữ lượng dầu đã được phát hiện, thứ 8 về trữ lượng than đá.
Kazakhstan hiện có quan hệ thương mại với 194 nước và vùng lãnh thổ. Năm 2012, tổng kim ngạch ngoại thương đạt hơn 136,8 tỷ USD (xuất khẩu đạt hơn 92,3 tỷ USD, nhập khẩu – 44,5 tỷ USD). Các nước đối tác hàng đầu là Trung Quốc ( 23,98 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 17,5% tổng kim ngạch) thứ hai là Nga (23,86 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 17,4% tổng kim ngạch). Nếu tính theo khối nước thì EU là đối tác đứng đầu (53,8 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 39,3% tổng kim ngạch), các nước SNG chiếm vị trí thứ hai (34,7 tỷ USD và 25,4%).
Kazakhstan đã tham gia Liên minh thuế quan gồm Nga, Belarus, Kazakhstan (hoạt động từ 6/7/2010), Không gian kinh tế thống nhất giữa 3 nước (từ 1/1/2012) cho phép tự do trao đổi hàng hóa, dịch vụ, đầu tư và lao động phù hợp với chính sách kinh tế vĩ mô của cả Nga, Belarus và Kazakhstan.
Nhiều cơ hội hợp tác
GS.TS. Nguyễn Quang Thuấn, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (VASS) cho biết, Việt Nam và Kazakhstan đã ký kết nhiều Hiệp định về kinh tế, thương mại, khuyến khích bảo hộ đầu tư và một số Bản ghi nhớ, Thỏa thuận hợp tác. Hợp tác thương mại hai chiều tương đương khoảng 100 triệu USD/năm.
Hợp tác kinh tế song phương hiện nay được thực hiện chủ yếu dưới hình thức thương mại và đầu tư với giá trị còn chưa cao. Kết quả đạt được hoàn toàn chưa tương xứng với tiềm năng cũng như các mối quan hệ chính trị và những nỗ lực của lãnh đạo hai bên trong việc củng cố mối quan hệ hợp tác kinh tế song phương. Để tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động hợp tác, hai bên đã ký kết Kế hoạch hành động chung giữa Việt Nam và Kazakhstan giai đoạn 2011-2013 trong đó nêu rõ mục tiêu củng cố hợp tác chính trị và kinh tế - thương mại giữa hai bên. Theo kết quả thực hiện giai đoạn 2011-2013, kim ngạch thương mại song phương có xu hướng tăng với tốc độ trung bình 85%/năm.
Về du lịch, đã có đường bay thẳng giữa hai thành phố Almaty và TP.Hồ Chí Minh, tạo điều kiện cho việc phát triển du lịch.
Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam sang Kazakhstan là chè, dược phẩm, máy móc thiết bị ngành công nghiệp thực phẩm, máy tính và linh kiện máy tính , giày dép và hải sản... Ngược lại, Việt Nam nhập khẩu từ Kazakhstan amiăng, sắt thép và nhiều loại thiết bị giao thông vận tải.. .
Về đầu tư song phương, tính đến đầu năm 2013, khối lượng đầu tư thực tế của Việt Nam vào Kazakhstan là 1,6 triệu USD, còn đầu tư từ Kazakhstan chỉ đạt 0,2 triệu USD. Điều này đòi hỏi giới lãnh đạo cũng như doanh nghiệp hai nước chú trọng hơn nữa tới thị trường hai bên và cần có những nỗ lực trong việc nâng hợp tác kinh tế song phương lên mức mới về chất.
Có thể nhìn thấy trong lĩnh vực kinh tế, cả hai nước đều có những tiềm năng lớn để đẩy mạnh hợp tác song phương. Nền kinh tế hai nước mang tính chất bổ sung lẫn nhau. Trong thương mại, Việt Nam có thể đáp ứng được nhu cầu của Kazakhstan về các sản phẩm nông nghiệp nhiệt đới, hải sản, may mặc, giày dép, dược phẩm và y tế, thiết bị điện, máy tính và linh kiện máy tính… Nền kinh tế Kazakhstan thiên về xuất khẩu nguyên liệu và có thể cung cấp cho Việt Nam kim loại, da nguyên liệu, lông thú và các sản phẩm từ lông thú, hóa chất, cao su, máy móc thiết bị cho ngành công nghiệp khai khoáng… Những mặt hàng nêu trên là những mặt hàng mà Việt Nam có nhu cầu trong khi Kazakhstan lại có lợi thế so sánh.
Ông Đoàn Duy Khương – Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam VCCI cho biết: “Việt Nam nằm trong Top 30 quốc gia có kim ngạch xuất khẩu cao nhất thế giới. Tuy nhiên, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước còn khiêm tốn, chỉ đạt mức hai con số tính theo đơn vị triệu USD, vẫn chưa tương xứng với tiềm năng thực tế của hai nước”.
Đại sứ Beketzhan Zhumakanov cho biết: “Chúng tôi cũng sẵn sàng hợp tác chặt chẽ với Việt Nam trong các tổ chức quốc tế. Chúng ta cùng nhận thấy sự cần thiết phải xây dựng một hệ thống quốc tế đa cực, có quan điểm gần gũi về phần lớn các vấn đề then chốt của tình hình quốc tế hiện nay”.
Nguồn:thuongmai.vn