Nhập khẩu đồ chơi vào Hoa Kỳ chịu sự điều tiết của các luật sau:
-Luật Liên bang về các chất nguy hiểm (Federal Hazardous Substance Acts) và các sửa đổi của luật này.
-Luật Bảo vệ Trẻ em và An toàn Đồ chơi 1969 (Child Protection and Toy Safety Act of 1969); và
-Luật An toàn Sản phẩm Tiêu dùng (CPSA).
Các cơ quan quản lý an toàn đồ chơi gồm:
-Uỷ ban An toàn Sản phẩm Tiêu dùng (CPSC) đối với các loại đồ chơi thông thường;
-Cục An toàn Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) đối với các loại đồ chơi phát xạ;
-Uỷ ban Viễn thông Liên bang (FCC) đối với các loại đồ chơi có sóng radio.
Các cơ quan giám sát nhập khẩu và lưu thông đồ chơi gồm:
-Cục Hải quan và bảo vệ Biên giới Hoa Kỳ sẽ là cơ quan đầu tiên kiểm tra sự tuân thủ pháp luật của các sản phẩm đồ chơi nhập khẩu.
-CPSC là cơ quan liên bang chịu trách nhiệm chính trong việc giám sát và thi hành luật liên quan đến đồ chơi trên cơ sở luật CPSA đã được đề cập ở trên.
-Ngoài ra, đối với một số loại đồ chơi, có thể có FDA hoặc FCC cùng phối hợp quản lý.
CPSC tổ chức các đội giám định hiện trường để giám sát thị trường đối với cả các loại đồ chơi sản xuất trong nước và nhập khẩu từ nước ngoài mà có thể gây nguy hiểm do điện, nhiệt, cơ , hoá học, hay do dễ cháy.
Nội dung giám sát của CPSC là ban hành những quy định, tiêu chí và biện pháp thử nhiệm đồ chơi về:
-Sơn và các nguyên liệu phủ bề mặt tương tự;
-Các loại núm vú giả và xúc xắc;
-Mức độ âm thanh của các đồ chơi có nắp đậy;
-Các đồ chơi nhiệt-điện;
-Các bộ phận hoá học;
-Các cạnh và điểm sắc nhọn;
-Các bộ phận nhỏ, có thể nuốt hay hít vào;
-Thử nghiệm trong điều kiện sử dụng bình thường và sử dụng quá mức;
-Độ bắt cháy;
-Các nguyên liệu mỹ thuật.
Các nhà sản xuất có thể tìm hiểu và cập nhật thông tin liên quan đến an toàn đồ chơi tại trang web của Hiệp hội đồ chơi Hoa Kỳ www.toy-tia.org và trang web của CPSC: www.cpsc.gov/cpscpub/pubs/toys_sfy.html
Yêu cầu chi tiết đối với nhập khẩu đồ chơi:
Các yêu cầu được chia thành các nhóm chính sau: yêu cầu về chứng từ; yêu cầu về tiêu chuẩn an toàn và nhãn hàng; yêu cầu chung và yêu cầu về bản quyền và thương hiệu.
Các yêu cầu liên quan đến chứng từ chủ yếu liên quan đến thủ tục khai báo nhập khẩu.
Những yêu cầu về an toàn: Theo Luật An toàn Sản phẩm Tiêu dùng, tất cả các loại đồ chơi phải tuân thủ các tiêu chuẩn an toàn. Có một số loại đồ chơi trẻ em nguy hiểm đến mức bị cấm nhập khẩu hoàn toàn như mũi tên, phi tiêu... Các loại đồ chơi có thể gây nguy hiểm nhưng chưa đến mức bị cấm hoàn toàn phải đảm bảo các tiêu chuẩn an toàn qui định cụ thể đối với từng loại.
Để đề phòng nguy hiểm có thể xảy ra đối với trẻ em khi sử dụng đồ chơi, các luật liên quan có hướng dẫn kỹ lưỡng các biện pháp thử nghiệm an toàn đối với các loại đồ chơi có thể gây nguy hiểm. Những yêu cầu về an toàn và biện pháp thử nghiệm cũng rất khác nhau tuỳ theo bản chất của đồ chơi và nhóm tuổi trẻ em sử dụng đồ chơi.
Đồ chơi được chia thành các nhóm tuổi sử dụng như sau: đồ chơi dành cho trẻ em từ 18 tháng tuổi trở xuống, từ 18 đến 36 tháng tuổi, và từ 36 đến 96 tháng tuối. Nếu nhà sản xuất không chỉ rõ là đồ chơi dành cho nhóm tuổi nào thì các đồ chơi đó sẽ chịu sự thử nghiệm chặt chẽ nhất gồm có tất cả các quy trình cho mọi lứa tuổi.
Về tính chất nguy hiểm, đồ chơi được chia thành các loại: đồ chơi có thể gây nguy hiểm mang tính cơ học, đồ chơi điện hay các sản phẩm có thể gây nguy hiểm về điện, và đồ chơi có thể nguy hiểm về nhiệt.

Những yêu cầu về nhãn hàng

Nhãn hàng phải rõ ràng, nổi bật để dễ nhìn thấy, và phù hợp với việc mua bán, lưu giữ, và sử dụng của từng loại sản phẩm. Ngôn ngữ sử dụng trên nhãn hàng bắt buộc phải bằng tiếng Anh (các ngôn ngữ khác có thể được ghi kèm nếu thấy cần thiết). Các lời cảnh báo nguy hiểm phải rõ ràng, phải đặ trên chính đồ chơi, và không thể giặt tẩy sạch bằng bất cứ cách nào. Hàng sản xuất ở nước ngoài không có nhãn phù hợp với qui định của Hoa Kỳ sẽ không được nhập khẩu.
Theo yêu cầu của FDA, tất cả các thiết bị điện có khả năng phát xạ mà đã có tiêu chuẩn của liên bang thì phải có chứng thực sản phẩm đáp ứng các tiêu chuẩn đó. Nhà sản xuất phải gắn nhãn trên từng sản phẩm nói rõ sản phẩm tuân thủ tiêu chuẩn đang áp dụng. Các sản phẩm có sóng radio thuộc quyền quản lý của Uỷ ban Viễn thông Liên bang phải tuân thủ các qui định riêng của Uỷ ban về nhãn hàng.
Nhãn hàng phải cảnh báo về khả năng gây nguy hiểm của đồ chơi: Ví dụ: Hộp đựng vú giả dùng cho trẻ em bătá buộc phải có dòng chữ: “Cảnh báo: Không buộc vú giả vòng quanh cổ trẻ em vì rất nguy hiểm. “Cảnh báo này cũng phải có trên từng bao bì đóng gói của từng chiếc vú giả; Nắp súng bằng giấy và nhựa dự định để dùng trong súng trò chơi phải có dòng chữ sau trên thùng carton và trong tài liệu sử dụng kèm theo: “Cảnh báo: Bắn không gần dưới 1 foot (33 cm) và không sử dụng trong nhà”; Các đồ chơi bằng điện phải có dòng chữ “Chú ý: đồ chơi điện, không dùng cho trẻ em dưới.... tuổi”. Đối với đồ chơi nguy hiểm về nhiệt, cần phải ghi rõ: “Nóng – không chạm vào”.

Những quy định về bản quyền và thương hiệu

Một số sản phẩm như trò chơi video hay đồ chơi có thương hiệu có thể phải tuân thủ các qui định về thương hiệu và đăng ký bản quyền. Chi nhánh quyền sở hữu trí tuệ (IPR) của cơ quan Hải quan Hoa Kỳ chịu trách nhiệm thực thi luật này. Các nhà nhập khẩu phải xuất trình giấy uỷ quyền còn hiệu lực của người sở hữu bản quyền hay thương hiệu. Những sản phẩm vi phạm về bản quyền và thương hiệu sẽ bị phạt rất nặng và tịch thu.

Yêu cầu lưu giữ chứng từ

Các nhà nhập khẩu đồ chơi phải chịu trách nhiệm về mức độ tuân thủ luật của hàng nhập khẩu và phải lưu giữ trong 3 năm sau khi nhập khẩu các chứng từ sau:
-Quy cách phẩm chất của nguyên liệu và sản phẩm;
-Kết quả thử nghiệm đã tiến hành;
-Các chứng từ bán và phân phối hàng.
Các chứng từ này phải được xuất trình cho các nhân viên của CPSC hoặc người được CPSC chỉ định trong thời gian hợp lý khi có yêu cầu để kiểm tra.
 

Nguồn: Vinanet