Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cho biết, năm 2012, hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp dệt may Việt Nam đã bị ảnh hưởng mạnh bởi tác động của khủng hoảng kinh tế, đặc biệt là đối với thị trường châu Âu- thị trường trọng điểm của ngành dệt may. Mặc dù đã cuối quý III/2012 nhưng đơn hàng của các doanh nghiệp dệt may vẫn chưa ổn định, lượng đơn đặt hàng của các thành viên trong hiệp hội quý IV/2012 ước giảm 10% so với cùng kỳ năm 2011.

Theo ông Phạm Xuân Hồng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, tình trạng sụt giảm đơn hàng rơi nhiều vào khối doanh nghiệp vừa và nhỏ và chủ yếu các doanh nghiệp nhận may gia công. Đơn hàng phần lớn tập trung vào các doanh nghiệp lớn nhưng số lượng cũng rất “nhỏ giọt”. Đặc biệt, do khó khăn về kinh tế, người dân châu Âu cắt giảm chi tiêu khiến sức mua giảm, kéo theo số đơn đặt hàng dệt may giảm theo. Đến nay, trung bình mỗi tháng, số lượng đơn hàng giảm 10 - 20% so với cùng kì năm 2011. Những khó khăn về thị trường tiêu thụ khiến nhiều lúc, các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam phải chấp nhận hòa vốn, thậm chí lỗ để giữ chân lao động, nhất là ở một số doanh nghiệp cần lao động có tay nghề. Ngưng sản xuất tức là đồng nghĩa với việc doanh nghiệp mất lao động. Bên cạnh đó, các nước nhập khẩu còn tăng cường áp dụng chính sách rào cản thương mại, hạn chế nhập khẩu thông qua việc gia tăng những đòi hỏi khắt khe về an toàn chất lượng, áp dụng hệ thống kiểm soát hóa chất có trong các sản phẩm khi xuất khẩu. Các doanh nghiệp quy mô nhỏ khó có thể đáp ứng những tiêu chuẩn về trách nhiệm xã hội mà các nhà nhập khẩu đưa ra.

Theo các doanh nghiệp dệt may tại Hà Nội, đơn hàng sản xuất, xuất khẩu đi các thị trường lớn như Mỹ, EU hiện nay đều giảm khoảng từ 20 - 25% so với cùng kỳ năm 2011, doanh nghiệp rơi vào thế bị động trong kế hoạch sản xuất. Mặc dù đã ở thời điểm cuối quý III nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn loay hoay tìm đơn hàng cho quý IV. Giám đốc một công ty may mặc lớn tại Hưng Yên cho biết, hiện tại, đơn hàng sản xuất trong tháng 10, tháng 11 còn thiếu, doanh nghiệp phải xoay sở để bù đắp lượng hàng thiếu hụt. Nếu không đạt được kế hoạch sản xuất thì đời sống của hơn 2.000 lao động chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng. Ngoài ra, những khó khăn về tiếp cận nguồn vốn, thiếu nguyên liệu sản xuất, chi phí đầu vào tăng cao, đặc biệt giá xăng dầu tăng vừa qua cũng khiến chi phí đầu vào tăng. Đây là những trở ngại lớn đối với sản xuất và xuất khẩu của ngành dệt may.

Tuy nhiên, với nỗ lực tự vươn lên, cùng với những giải pháp kịp thời nên hoạt động sản xuất kinh doanh của Tập đoàn dệt may tính chung 8 tháng đầu năm 2012 vẫn tăng từ 6 đến 10%; trong đó giá trị sản xuất công nghiệp tăng 7%, doanh thu và kim ngạch xuất khẩu tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái. Ông Lê Tiến Trường, Phó Tổng giám đốc thường trực Tập đoàn Dệt may Việt Nam cho biết: nhiều khả năng "đáy" của việc thiếu đơn hàng sẽ kết thúc vào cuối năm 2012. Thực tế hiện nay, nhu cầu về hàng may mặc trên thị trường thế giới vẫn có, chuẩn bị cho mùa mua sắm, nghỉ lễ cuối năm, kỳ vọng tiêu thụ hàng may mặc tại các thị trường lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản sẽ được kích thích và lượng hàng cho người dân mua sắm sẽ được tăng thêm. Như vậy, đơn hàng sản xuất sẽ có nhiều hơn trong những tháng tới nhưng để đẩy mạnh xuất khẩu hàng dệt may, giải pháp đầu tiên các doanh nghiệp cần quan tâm vẫn là công tác thị trường. Cũng theo ông Lê Tiến Trường, bên cạnh những thị trường truyền thống cần mở rộng thêm những thị trường mới, thị trường ngách để tìm nguồn thu mới thúc đẩy xuất khẩu. C ác chương trình xúc tiến thương mại cũng cần phải làm tốt hơn nữa, công tác tìm kiếm bạn hàng, chuẩn bị thông tin của các doanh nghiệp để tiếp cận thị trường đạt hiệu quả cao. Theo tính toán, năm 2012 nếu không có những biến động lớn ở các thị trường chính cũng như sự thay đổi về giá nguyên liệu, khả năng cả năm xuất khẩu dệt may có thể duy trì được mức tăng trưởng từ 12-14% với kim ngạch khoảng từ 18,2 - 18,5 tỷ USD./.

 (TTXVN)

Nguồn: Thông tấn xã Việt Nam