Hơn 20 nhà sản xuất, xuất khẩu của Ấn Độ trong lĩnh vực vải, sợi cotton, sợi pha, vải denim, quần jeans các loại vừa có buổi gặp gỡ, trao đổi trực tiếp với các doanh nghiệp (DN) ngành dệt may Việt Nam trong chương trình “Giao lưu thương mại Việt Nam- Ấn Độ ngành dệt may” tại TP.HCM.

Ông Võ Tân Thành- Giám đốc VCCI TP.HCM- cho biết, năm 2013, Việt Nam đã xuất khẩu (XK) sang Ấn Độ các mặt hàng dệt may và xơ, sợi dệt các loại với giá trị trên 77 triệu USD, tăng 38% so với cùng kỳ năm 2012. Đồng thời, Việt Nam cũng nhập về từ Ấn Độ 419 triệu USD, tăng 36% so với năm 2012, gồm các mặt hàng là nguyên phụ liệu dệt may như bông các loại, vải các loại, xơ, sợi dệt.

Theo ông Manikam Ramaswami, Chủ tịch TEXPROCIL (Hội đồng Xúc tiến XK sản phẩm dệt Cotton Ấn Độ), DN dệt may Ấn Độ rất quan tâm đến thị trường Việt Nam vì ngành dệt may của Việt Nam có tốc độ phát triển khá ấn tượng. Những năm gần đây, ngành dệt may Ấn Độ đã thực hiện nhiều cuộc xúc tiến xuất khẩu tại thị trường Việt Nam. Hiện Việt Nam là thị trường mà ngành dệt may Ấn Độ thực hiện đẩy mạnh kế hoạch tiến về phía Đông. Chương trình xúc tiến xuất khẩu trong năm 2014 là lần thứ 5 TEXPROCIL đưa đoàn DN sang Việt Nam tìm đối tác. Tuy nhiên, thị phần của sản phẩm dệt may Ấn Độ tại thị trường Việt Nam còn khá khiêm tốn.

Ông Bùi Trọng Nguyên- Tổng Thư ký Hội Dệt may Thêu đan TP.HCM- nhìn nhận, nguyên nhân khiến cho hoạt động mua bán của các DN vẫn còn hạn chế là do phương thức kinh doanh của DN hai nước có sự khác nhau. Từ trước đến nay, nguyên liệu của các DN may Việt Nam được các nhà cung ứng cung cấp. Do vậy, DN dệt may Ấn Độ muốn đẩy mạnh bán hàng và hợp tác với DN dệt may Việt Nam đòi hỏi phải chủ động hơn nữa trong khâu xúc tiến, tiếp cận, giới thiệu sản phẩm. Mặt khác, các DN Việt Nam mới chỉ tập trung vào phân khúc sản phẩm tầm trung và trung cấp, trong khi, sản phẩm vải của Ấn Độ lại phục vụ cho phân khúc cao cấp.

Từ góc độ DN, bà Ngô Thị Vân, Phó giám đốc Công ty TNHH Vải sợi và Thời trang Kim Vũ cho biết, so với Trung Quốc, thời gian giao nhận hàng của Ấn Độ kéo dài hơn. Thông thường các DN mua hàng của bạn hàng Trung Quốc chỉ trong khoảng 45 ngày là nhận được hàng, thậm chí chỉ trong 7 ngày là phía đối tác bên Trung Quốc đã giao hàng cho DN Việt Nam vì Trung Quốc có chính sách trữ hàng sẵn. Hầu hết, những mẫu hàng mà nhà cung cấp Trung Quốc chào hàng đều có hàng sẵn, những mẫu không có thì thời gian giao hàng cũng nhanh vì máy móc sản xuất của Trung Quốc hiện đại hơn. Trong khi đó, DN Ấn Độ thường sản xuất theo đơn đặt hàng của người mua, thời gian thực hiện của mỗi đơn hàng trung bình mất ít nhất là 3 tháng. Đồng thời, nhiều nhà máy dệt của Ấn Độ còn quy mô nhỏ lẻ nên chất lượng nhiều sản phẩm vải không đồng nhất.

Nhiều ý kiến cho rằng, nếu các DN Ấn Độ khắc phục được những hạn chế nêu trên thì sẽ hỗ trợ rất nhiều đến tình hình giao thương với các DN dệt may Việt Nam trong thời gian tới vì sản phẩm vải của Ấn Độ rất phong phú và có nhiều loại chất lượng cao, giá cả lại cạnh tranh, một số mặt hàng vải như cotton có giá rẻ hơn các nguồn cung cấp khác. Đặc biệt, các sản phẩm vải sợi tự nhiên, cotton của Ấn Độ có chất lượng tốt, vì vậy đây là cơ hội cho DN Việt Nam phát triển các sản phẩm dệt may cao cấp. Đồng thời, hiện tại các DN dệt may Việt Nam đang hướng đến chủ động nguồn nguyên liệu tại chỗ nên DN hai bên sẽ có nhiều cơ hội để hợp tác đầu tư.

Nguồn: Báo Công Thương online