Để trở thành trung tâm công nghiệp, thương mại vùng Đồng bằng sông Cửu Long, từ năm 2014, Cần Thơ sẽ đưa tốc độ tăng trưởng công nghiệp đạt 17,5%/năm, tạo đà để năm 2020, tỷ trọng công nghiệp chiếm 48% thương mại, 47% trong cơ cấu kinh tế.

 Nâng cao giá trị công nghiệp và thương mại

Ông Nguyễn Minh Toại- Giám đốc Sở Công Thương TP. Cần Thơ - cho biết, năm 2014, ngành công nghiệp TP. Cần Thơ tiếp tục có bước chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng của công nghiệp chế biến, chế tạo có hàm lượng giá trị gia tăng cao. Công nghiệp sản xuất điện, nước, khí đốt cũng có tốc độ tăng trưởng khá, đáp ứng được nhu cầu kinh tế - xã hội của thành phố.

Bên cạnh đó, một số cơ sở công nghiệp nặng cũng được xây dựng như: Dầu khí, luyện kim, cơ khí chế tạo, hóa chất cơ bản, phân bón, vật liệu xây dựng với bước đi hợp lý, phù hợp với điều kiện vốn, công nghệ, thị trường. Ngoài ra còn xây dựng một số khu công nghệ cao và khu kinh tế mở. Việc phát triển các cụm công nghiệp vừa và nhỏ ở nông thôn được khuyến khích để góp phần đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.

Cần Thơ sẽ tiếp tục đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp chế biến nông - lâm - thủy sản theo hướng tinh chế trong những năm tới và đầu tư đổi mới công nghệ, thiết bị tiên tiến tương thích với quy mô và chủng loại sản phẩm, tạo ra các mặt hàng có tính cạnh tranh cao. Bên cạnh việc hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới máy móc, thiết bị, quản trị theo chuẩn quốc tế, Cần Thơ còn tập trung phát triển các ngành công nghiệp có khả năng cạnh tranh cao như: Chế biến gạo, thủy sản, may mặc, da giày, điện tử, tin học, sản phẩm cơ khí, dược phẩm, hàng tiêu dùng.

Công nghiệp chế biến nông sản, thực phẩm, đồ uống đóng góp rất lớn vào kim ngạch xuất khẩu của thành phố. 6 tháng đầu năm 2014, giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 42.424,4 tỷ đồng, tăng 9,1% và chỉ số sản xuất công nghiệp ước đạt 106,37% so với cùng kỳ.

Tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp

Thời gian qua việc tiếp cận vốn vay ngân hàng là thách thức không nhỏ khi thực hiện các dự án khiến nhiều cơ hội đầu tư bị bỏ lỡ, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Trong khi đó, các mối liên kết sản xuất công nghiệp theo ngành chưa phát huy được hiệu quả. Bên cạnh xu hướng gia tăng rào cản thương mại của các thị trường nhập khẩu thủy sản như: Áp thuế chống bán phá giá cá tra tại thị trường Mỹ và một số nước nhập khẩu ngày càng tăng, đã gây bất lợi cho hoạt động xuất khẩu của thành phố. Nguồn nguyên liệu thủy sản không ổn định, giá xuất khẩu mặt hàng gạo và thủy sản giảm nên hiệu quả kinh tế không cao.

Cần Thơ sẽ tập trung thực hiện cải cách hành chính để tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất công nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Sở Công Thương đẩy mạnh rà soát, đơn giản hóa và công khai thủ tục hành chính ở các lĩnh vực theo quy định của Chính phủ về kiểm soát thủ tục hành chính; đồng thời phát huy hơn nữa cơ chế một cửa liên thông.

Bên cạnh đó, thực hiện chương trình bình ổn thị trường gắn với việc thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, Sở Công Thương đã hỗ trợ 8 doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn giá, dự trữ hàng hóa thiết yếu, tổ chức 56 điểm bán hàng bình ổn; tổ chức 4 mô hình kết nối nhà sản xuất và phân phối, các doanh nghiệp gặp gỡ, giới thiệu sản phẩm, ký kết hợp tác tiêu thụ hàng hóa của nhau. Sở Công Thương TP. Cần Thơ phối hợp với các Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh và Sở Công Thương các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long tổ chức ký biên bản thỏa thuận kết nối cung - cầu hàng hóa, ổn định thị trường.

Sở Công Thương đã gửi thông tin về hội chợ triển lãm tại các nước như: Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Hà Lan và một số nước khác ở khu vực châu Âu, châu Mỹ đến các doanh nghiệp xuất khẩu trên địa bàn, đặc biệt, các doanh nghiệp kinh doanh, chế biến xuất khẩu gạo, thủy sản để mời doanh nghiệp tham gia, tìm kiếm thị trường mới, giải quyết lượng hàng tồn kho gạo và thủy sản.


Sở Công Thương Cần Thơ thường xuyên mời các doanh nghiệp tham gia đoàn làm việc tại các nước: Thổ Nhĩ Kỳ, Hy Lạp, Bỉ, Hà Lan, Nhật Bản… nhằm hỗ trợ doanh nghiệp khảo sát thị trường, tìm kiếm cơ hội hợp tác kinh doanh- đầu tư, nắm bắt thông tin thị trường, cũng như nhu cầu về hàng hóa của người tiêu dùng, từ đó có kế hoạch sản xuất - kinh doanh và chiến lược xuất khẩu hiệu quả hơn.

Nguồn: Baocongthuong.com.vn