Trung Quốc vừa cấp quota nhập gạo cho thương nhân, do vậy, tình hình xuất khẩu gạo sang thị trường này đang “nóng” trở lại, đặc biệt là xuất khẩu bằng đường tiểu ngạch.

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), trong năm 2014, xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt 6,3 triệu tấn, trị giá gần 3 tỉ USD, trong đó, 30% xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc. Ngoài ra, còn có hơn 2 triệu tấn gạo được xuất khẩu sang Trung Quốc dưới dạng tiểu ngạch.

Theo giám đốc một doanh nghiệp xuất khẩu gạo tại An Giang cho biết, doanh nghiệp anh đang đàm phán với thương nhân Trung Quốc về lô gạo sẽ xuất trong tháng 4 này. Cũng theo vị này, Trung Quốc muốn nhập khẩu chính ngạch phải đóng phí quota 80 USD/tấn cộng với thuế giá trị gia tăng và thuế nhập khẩu. Chẳng hạn, gạo 5% tấm Việt Nam đang bán là 460 USD/tấn, nếu nhập khẩu đường chính thức thì thuế cộng với tiền quota, giá về đến Trung Quốc sẽ đội lên thêm 160 USD/tấn chưa kể tiền vận chuyển, kho bãi. Do đó, các thương nhân Trung Quốc vẫn chọn cách mua tiểu ngạch vì chênh lệch giá. Vị doanh nhân này cho biết, giá gạo nội địa của Trung Quốc không ngừng tăng những năm qua đã thúc đẩy các doanh nhân nước này tìm đến VN bằng mua bán cả chính ngạch lẫn tiểu ngạch.

Mặc dù, là thị trường dễ tính vì chủ yếu mua gạo cấp thấp nhưng theo TS Hồ Cao Việt - Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam, thị trường này đặc biệt rủi ro ở khâu thanh toán. Các thương nhân Trung Quốc đa số thanh toán theo hình thức trả sau (trả trước khoảng 20% giá trị hợp đồng và trả nốt khi nhận được hàng), do đó nếu họ gặp rủi ro là mất khả năng thanh toán với đối tác Việt Nam. Đó là chưa kể tới việc, mua bán tiểu ngạch là buôn lậu ở Trung Quốc nên có nguy cơ bị hải quan và quản lý thị trường bắt cả lô hàng. Khi đó, thì đối tác Trung Quốc không có tiền trả cho doanh nghiệp Việt Nam. Do vậy, phần thiệt sẽ thuộc về doanh nghiêp xuất khẩu gạo Việt Nam - ông Việt chia sẻ.

Trên thực tế, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo của Việt Nam không thể đóng cửa hoàn toàn đối với thị trường Trung Quốc. Do vậy, theo quan điểm của GS Võ Tòng Xuân, VFA cần phải ngồi họp lại, bàn những biện pháp cụ thể như: chỉ định từng doanh nghiệp nếu kinh doanh với Trung Quốc thì nên làm cái gì. Cụ thể như: nếu đàm phán với Trung Quốc thì nên đàm phán thế nào, các điều khoản cần phải rõ ràng minh bạch tránh bất lợi cho phía doanh nghiêp xuất khẩu, đặc biệt là khi đàm phán thương thảo doanh nghiệp xuất khẩu gạo của Việt Nam không được làm qua thương lái mà cần phải trực tiếp với nhà nhập khẩu. Nếu trong trường hợp, đàm phán với Trung Quốc thất bại, Hiệp hội phải có giải pháp khác để giải quyết lượng hàng đang tồn hoặc là tạm trữ tiếp và Nhà nước hỗ trợ lãi suất để DN vay và giữ lại đó hoặc là chuyển sang thị trường khác mang tính liên kết trong Hiệp hội với nhau. Ví dụ như, doanh nghiệp A lỡ ký với Trung Quốc rồi nhưng giá cao như vậy nên không bán vì Trung Quốc phá nhiễu thị trường trong nước thì doanh nghiệp B, C, D... những doanh nghiệp còn lại sẽ cứu doanh nghiệp A. Hơn nữa, VFA cũng cần phối hợp với các đơn vị khác trong lĩnh vực phân phân phối mặt hàng nông nghiệp để tăng cường đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tổ chức nhiều hơn các hội chợ biên giới để doanh nghiệp  tìm đúng đầu mối của mình. Các doanh nghiệp làm ăn với Trung Quốc cần được bảo lãnh của ngân hàng. Ngân hàng hai bên cần liên kết và có nhiệm vụ thẩm định doanh nghiệp có đủ tin cậy hay không… Đó mới là cách làm ăn lâu dài với Trung Quốc - GS Xuân chia sẻ.

Nguồn: dddn.com.vn