Để hoàn thành các chỉ tiêu đề ra của năm 2014, Bộ Công Thương sẽ tập trung thực hiện các giải pháp đẩy mạnh sản xuất công nghiệp, giảm hàng tồn kho, tăng cường xuất khẩu, kiểm soát chặt chẽ nhập khẩu.

Sản xuất công nghiệp 7 tháng năm 2014 đã tiếp tục ghi nhận đà tăng trưởng kinh tế và chuyển biến tích cực. Xu hướng tăng trưởng sản xuất công nghiệp, nhất là nhóm ngành công nghiệp chế biến lại tiếp tục được giữ vững trong tháng 7 và 7 tháng đầu năm 2014 đã giúp cho xuất khẩu sau 7 tháng tăng 14,1% so với cùng kỳ năm trước. Đây được coi như tín hiệu khả quan cho sự phục hồi và phát triển của nền công nghiệp nước nhà.

* Công nghiệp chế biến, chế tạo tăng trưởng tốt

Theo Bộ Công Thương: chỉ số công nghiệp (IIP) tháng 7 tăng 0,2% so với tháng 6 và tăng 7,5% so với cùng kỳ năm 2013, trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng tới 10,3%. Tính chung 7 tháng đầu năm 2014, IIP tăng 6,2%- mức tăng trưởng cao hơn so với cùng kỳ năm trước, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 8,1%.

Các con số ấn tượng này không chỉ thể hiện sự phục hồi rõ nét của nền kinh tế mà còn minh chứng cho việc nỗ lực tăng trưởng xuất khẩu để đạt mục tiêu đề ra. Cụ thể, ngành chế biến, bảo quản thủy sản và các sản phẩm từ thủy sản tăng 15%; sản xuất sợi tăng 23,3%, may trang phục tăng 12%; giày dép tăng 20,5%; vật liệu xây dựng từ đất sét tăng 17,1%; kim loại tăng 9,9%; linh kiện điện tử tăng 31,4%, sản xuất thiết bị truyền thông tăng 488,6%...Cùng đó, việc tiêu thụ trong nước có những tín hiệu tích cực với tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ 7 tháng đạt 1.654,87 nghìn tỷ đồng, tăng 11,4% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá thì tăng 6,3%.

Về xuất khẩu, con số được Vụ Kế hoạch đưa ra cho thấy kim ngạch xuất khẩu tháng 7 đạt 12,4 tỷ USD, tăng 0,2% so với tháng 6 và tăng 7,7% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 7 tháng năm 2014, kim ngạch xuất khẩu đạt 83,5 tỷ USD, tăng 14,1% so với cùng kỳ năm 2013, trong đó kim ngạch xuất khẩu của khu vực doanh nghiệp trong nước đạt 27,67 tỷ USD, chiếm 33,1% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước, tăng 12,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Điểm sáng của bức tranh xuất khẩu tháng 7 chính là sự bứt phá ngoạn mục của dệt may khi vượt qua điện thoại để trở thành ngành đạt giá trị kim ngạch xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Theo đó, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt và may mặc đạt 2,1 tỷ USD, tăng 11,1% so với tháng 6 và tăng 17,4% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tuy nhiên, trong 7 tháng qua nhóm nông lâm sản vẫn ghi nhận những khó khăn do giá và lượng của nhiều mặt hàng chủ lực như gạo, cà phê, cao su, sắn... bị sụt giảm. Chẳng hạn như, xuất khẩu gạo đạt 3,9 triệu tấn, tương đương 1,7 tỷ USD, giảm 8% về lượng và giảm 4,7% về kim ngạch; sắn và các sản phẩm của sắn đạt 2 triệu tấn, tương đương 650 triệu USD, giảm 5,9% và giảm 6,7%...

Do trình độ canh tác, công nghệ và quản lý điều hành vẫn còn hạn chế, sự liên kết và phối hợp của các thành phần trong chuỗi cung ứng hàng hóa chưa cao đã dẫn đến những yếu kém của ngành này. Hơn nữa, nông dân chỉ biết sản xuất, doanh nghiệp chỉ chú trọng xuất khẩu những mặt hàng thị trường có nhu cầu trong khi ngân hàng chỉ cung ứng tín dụng cho các dự án mang tính khả thi… chứ chưa phối hợp với nhau để sản xuất ra những sản phẩm thực sự có chất lượng và thương hiệu.

Còn 5 tháng nữa sẽ kết thúc năm 2014, như kế hoạch từ đầu năm, ngành công thương sẽ phấn đấu để đạt kim ngạch xuất khẩu là 146 tỷ USD, tăng 10,6% so với năm 2013 và thặng dư thương mại đạt 500 triệu USD. Để hoàn thành các chỉ tiêu đề ra của năm 2014, Bộ Công Thương sẽ tập trung thực hiện các giải pháp đẩy mạnh sản xuất công nghiệp, giảm hàng tồn kho, tăng cường xuất khẩu, kiểm soát chặt chẽ nhập khẩu, đồng thời tích cực hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm… Bên cạnh đó, Bộ đang đẩy nhanh việc đàm phán các hiệp định thương mại tự do (FTA) nhằm tận dụng ưu đãi thuế quan và thúc đẩy xuất khẩu.
Đối với lĩnh vực nông lâm thủy sản, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tập trung tái cơ cấu sản xuất và nâng cao giá trị gia tăng cho sản xuất nông nghiệp thông qua liên kết và hình thành những chuỗi giá trị trong sản phẩm xuất khẩu, qua đó giúp doanh nghiệp và nông dân gắn kết với nhau, tránh tình trạng được mùa mất giá, đảm bảo đủ chân hàng cho sản xuất.

Để tiếp tục thúc đẩy sản xuất và xuất khẩu, trong 5 tháng cuối năm, Bộ Công Thương sẽ tập trung triển khai các giải pháp, các đề án trong Chương trình hành động thực hiện Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa, đẩy mạnh các đàm phán phán song phương, đa phương nhằm mở rộng thị trường xuất khẩu cũng như tiếp tục tuyên truyền, phổ biến các Hiệp định Thương mại tự do đã ký kết để gia tăng xuất khẩu, tập trung khai thác tốt hơn các thị trường truyền thống, đồng thời quan tâm phát triển các thị trường mới.

Hiện nay, Bộ Công Thương cũng đang tập trung xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm một số ngành hàng có lượng hàng hóa lớn như gạo, thủy sản, cà phê, hạt tiêu, hạt điều đi đôi với nâng cao hiệu quả công tác thông tin, dự báo thị trường, kịp thời thông báo, tuyên truyền nâng cao nhận thức của các nhà sản xuất, xuất khẩu về các loại rào cản của các nước nhập khẩu nhằm đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu, cải thiện chất lượng hàng hóa tránh rủi ro cho doanh nghiệp khi thực hiện các hợp đồng xuất khẩu.

Riêng với thị trường trong nước, Bộ Công Thương tiếp tục đẩy mạnh và triển khai có hiệu quả các chương trình xúc tiến thương mại thị trường trong nước, đưa hàng Việt về nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới và hải đảo; tăng cường kiểm tra giám sát về chất lượng, xuất xứ, nguồn gốc hàng hoá, chống hàng giả, hàng kém chất lượng, kiểm tra giá cả các mặt hàng thiết yếu hiện vẫn chưa kiểm soát được tạo điều kiện cho hàng hoá Việt Nam tiêu thụ trên thị trường nội địa, bảo vệ lợi ích người tiêu dùng, ổn định thị trường xã hội.

Nguồn: TTXVN

Nguồn: Thông tấn xã Việt Nam