Đảo quốc Xri Lan-ca nằm trên tuyến hàng hải huyết mạch nối Tây Á và Đông Nam Á, còn gọi là Hòn ngọc Ấn Độ Dương. Với dân số trên 21 triệu người, Xri Lan-ca hiện là một trong những quốc gia có mức thu nhập bình quân đầu người cao nhất khu vực Nam Á (hơn 2.930 USD/người năm 2012).

Đôi nét về đất nước Xri Lan-ca

Kinh tế Xri Lan-ca phát triển khá năng động trong khu vực, đạt tốc độ cao và ổn định trong suốt 10 năm qua với mức tăng GDP bình quân tương ứng 6% và 6,52%/năm giai đoạn 2002-2006 và 2007-2011. Chịu tác động nặng nề của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới năm 2009 với GDP chỉ đạt 3,5% so với 6% năm 2008, kinh tế Xri Lan-ca đã nhanh chóng lấy lại đà hồi phục vào các năm 2010, 2011, 2012 với các mức tăng trưởng tương ứng 8%, 8,3% và 6,4%. Sự ổn định kinh tế vĩ mô của Xri Lan-ca càng được củng cố khi nước này thành công trong việc kiềm chế và giảm lạm phát ở mức rất cao 22,4% năm 2008 xuống còn 7,6% năm 2012. Quy mô GDP của Xri Lan-ca tăng từ 32,4 tỷ USD vào năm 2007 lên 59,4 tỷ USD vào năm 2012.

Nông nghiệp là trụ cột của nền kinh tế Xri Lan-ca, nguồn sinh kế của 70% dân số nông thôn, thu hút 1/3 lực lượng lao động, chiếm 24% hàng xuất khẩu và là nguồn cung đầu vào quan trọng cho ngành công nghiệp. Sản xuất công nghiệp hiện chiếm 30% GDP, trong đó chế biến lương thực, thực phẩm, nước giải khát và thuốc lá chiếm hơn 50% tổng giá trị sản xuất công nghiệp. Dệt may là ngành mang lại ngoại tệ xuất khẩu lớn nhất, tiếp đến là các sản phẩm hóa chất, cao su, nhựa. Một số sản phẩm công nghiệp xuất khẩu khác gồm thiết bị, linh kiện điện tử, da, giấy và sản phẩm gỗ, đồ gốm sứ. Ngành dịch vụ hiện chiếm 59% GDP, thu hút khoảng gần 45% lực lượng lao động.

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Xri Lan-ca còn thấp và tập trung vào một số ngành như dịch vụ (67%), dệt may-da, giày (10%), hóa chất, xăng dầu, cao su và nhựa (7%), thực phẩm, nước giải khát và thuốc lá (6%). Nguồn vốn đầu tư chủ yếu đến từ các nước châu Á như Nhật Bản, Trung Quốc, Thái Lan, Ấn Độ.

Xri Lan-ca thực hiện chính sách thương mại mở và hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới, nhằm thu hút FDI vào trong nước, tăng năng suất, tạo việc làm, cũng như tăng cường tiếp cận thị trường nước ngoài cho các sản phẩm nội địa. Xri Lan-ca luôn tích cực thúc đẩy các hoạt động đàm phán thương mại song phương, đa phương và khu vực, ban hành cơ chế ưu đãi thúc đẩy sản xuất hàng xuất khẩu, cơ chế khuyến khích đầu tư.

Xri Lan-ca phát triển nền kinh tế định hướng xuất khẩu, với những sản phẩm truyền thống nổi tiếng như chè, dừa, cao su, gia vị (quế, bạch đậu khấu, tiêu, đinh hương). Xri Lan-ca đứng đầu thế giới về sản xuất cao su bán thành phẩm và xuất khẩu chè, xơ dừa, và đang phát triển mạnh mẽ nền công nghiệp chế biến hiện đại. Xri Lan-ca là nhà sản xuất chè đen lớn nhất thế giới, chiếm khoảng 25% tổng giá trị xuất khẩu chè của thế giới; nhà xuất khẩu cao su thứ tám thế giới; nhà sản xuất cao su kếp nâu và xám lớn nhất thế giới; nhà sản xuất quế chiếm khoảng 90% tổng xuất khẩu thế giới; nhà xuất khẩu thứ hai thế giới dừa sấy với 30% xuất khẩu thế giới; nhà xuất khẩu sơ dừa lớn nhất và chiếm khoảng 1/3 sản lượng sơ dừa thế giới. Sản phẩm nhập khẩu chính của Xri Lan-ca là máy móc và thiết bị, sản phẩm hóa dầu, động cơ ô tô, sợi chỉ tổng hợp, phân bón lúa mỳ, hóa chất, vật liệu xây dựng, thực phẩm.

Quan hệ hợp tác kinh tế - thương mại hai nước Việt Nam - Xri Lan-ca

Việt Nam và Xri Lan-ca có quan hệ hữu nghị và truyền thống tốt đẹp trong suốt hơn 40 năm qua từ khi hai nước chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 21 tháng 7 năm 1970. Hai nước luôn ủng hộ và phối hợp tốt với nhau tại các diễn đàn quốc tế, như Phong trào Không liên kết, hợp tác Nam-Nam và các hoạt động tại Liên hợp quốc.

Quan hệ hợp tác đầu tư giữa Việt Nam và Xri Lan-ca hiện vẫn còn ở mức khiêm tốn với tiềm năng của hai nước. Hoạt động đầu tư mới chỉ tập trung trong một số lĩnh vực nhất định như dầu khí, dệt may, dịch vụ tư vấn. Đến hết tháng 11 năm 2013, Xri Lan-ca có 9 dự án đầu tư trực tiếp tại Việt Nam với tổng số vốn đăng ký là 13,94 triệu USD, đứng thứ 65 trong số 100 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam. Việt Nam chưa có hoạt động đầu tư nào tại Xri Lan-ca mặc dù đã có nhiều doanh nghiệp Việt Nam sang Xri Lan-ca nghiên cứu và tìm hiểu môi trường đầu tư nước bạn.

Nhằm cụ thể hóa các lĩnh vực và hoạt động đầu tư giữa hai nước, năm 2011 Cục Đầu tư nước ngoài của Việt Nam (FIA) và Ủy ban Đầu tư Xri Lan-ca (BOI) đã ký Biên bản Hợp tác, xác định các lĩnh vực khuyến khích đầu tư của Xri Lan-ca vào Việt Nam gồm: dệt may, cao su, điện-điện tử, chế biến nông sản và thực phẩm, chế tác đá quý và đồ trang sức. Các lĩnh vực khuyến khích đầu tư của Việt Nam vào Xri Lan-ca gồm: viễn thông, chế tạo máy nông nghiệp, nuôi trồng và chế biến thủy sản, thăm dò-khai thác dầu khí, sản xuất đồ nhựa, vật liệu xây dựng như xi măng, gạch men và thiết bị vệ sinh. Hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp đang được thúc đẩy với việc Việt Nam hỗ trợ Xri Lan-ca trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, một lĩnh vực mà Việt Nam rất có thế mạnh.

Những năm gần đây, quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Xri Lan-ca có nhiều chuyển biến tích cực, tuy nhiên trao đổi song phương vẫn còn khiêm tốn. Tốc độ tăng trưởng trung bình kim ngạch thương mại hai nước giai đoạn 2007-2011 đạt bình quân 25%/năm trong đó xuất khẩu tăng 34% và nhập khẩu tăng 20%. Kim ngạch của các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam trong giai đoạn 2008-2012 cho tăng trưởng còn chưa cao, hàng hóa Việt Nam chưa thực sự có chỗ đứng vững chắc tại thị trường này. Số lượng các mặt xuất khẩu mới không gia tăng, do đặc điểm hai nước đều thực hiện chiến lược hướng tới xuất khẩu.

Kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam - Xri Lan-ca giai đoạn 2008 đến hết quý III/2013

Nguồn: Tổng cục Hải quan Việt Nam

Việt Nam thường xuất siêu nhưng phần lớn hàng hóa xuất khẩu sang thị trường Xri Lan-ca là những mặt hàng có giá trị gia tăng không cao, hàm lượng khoa học công nghệ còn thấp. Các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang Xri Lan-ca gồm: xơ sợi các loại, vải, chất dẻo nguyên liệu, máy móc và thiết bị phụ tùng, hóa chất, chè, sản phẩm từ cao su, v.v… Các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu từ Xri Lan-ca là thức ăn gia súc, cao su, vải, bông các loại, hóa chất, sản phẩm dệt may, v.v…

Xu thế tăng trưởng của một số mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang Xri Lanca giai đoạn 2008 - 2012

Nguồn: Tổng cục Hải quan Việt Nam

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Xri Lan-ca trong 9 tháng đầu năm 2013 đạt 120,8 triệu USD, tăng 20,2% so với cùng kỳ năm 2012 (100,5 triệu USD). Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Xri Lan-ca đạt khoảng 94,3 triệu USD, tăng trên 28,7%; và nhập khẩu của Việt Nam từ Xri Lan-ca đạt 26,5 triệu USD, giảm 2,9% so với cùng kỳ năm 2012.

Tỷ trọng mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang Xri Lanca 9 tháng 2013

Nguồn: Tổng cục Hải quan Việt Nam

Hầu hết các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang Xri Lan-ca đều tăng trưởng ấn tượng trong 9 tháng đầu năm. Clanhke là mặt hàng xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam sang Xri Lan-ca, với trên 500 nghìn tấn, đạt 18,3 triệu USD, tăng 5,91% so với cùng kỳ năm ngoái. Bên cạnh đó, các mặt hàng xuất khẩu chính khác đều có tốc độ tăng trưởng cao và đạt kim ngạch lớn, như vải đạt 6,6 triệu USD, tăng 118%; cao su đạt 6,2 triệu USD, tăng 55,6%; dây điện và dây cáp điện đạt 4,2 triệu USD, tăng 705%. Đáng chú ý có mặt hàng điện thoại di động và linh kiện với kim ngạch đạt xấp xỉ 7,9 triệu USD, tăng tới 1.060% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, một số mặt hàng có kim ngạch giảm so với cùng kỳ năm ngoái, như mặt hàng sợi các loại, giảm 7,4%, đạt 8,5 triệu USD; mặt hàng chất dẻo nguyên liệu, giảm 4,23%, đạt 3,6 triệu USD, v.v…

Việt Nam nhập một số mặt hàng từ Xri Lanca như thức ăn gia súc và nguyên liệu, cao su, nguyên phụ liệu dệt may và da, giầy, vải, máy móc thiết bị, dụng cụ và phụ tùng, sản phẩm từ cao su, sản phẩm từ giấy, chất dẻo nguyên liệu, sản phẩm dệt may, sản phẩm hóa chất, v.v... Tuy nhiên, giá trị kim ngạch của từng nhóm hàng còn khá thấp.

Trong 9 tháng đầu năm 2013, mặt hàng nhập khẩu của Việt Nam từ Xri Lan-ca có kim ngạch lớn nhất vẫn là thức ăn gia súc và nguyên liệu, đạt 16,9 triệu USD, chiếm tỷ trọng 64% trong tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ thị trường này, tuy có giảm 9% so với cùng kỳ năm ngoái. Ngoài ra, các mặt hàng nhập khẩu chính khác đều có kim ngạch tăng, như: nguyên phụ liệu dệt may, da và giày tăng 164%, đạt 1,5 triệu USD; mặt hàng vải các loại đạt xấp xỉ 1 triệu USD, tăng 271%, v.v... Nhóm hàng Việt Nam nhập khẩu nhiều nhất từ Xri Lan-ca hiện nay là thức ăn gia súc và nguyên liệu chiếm tới 80% tổng giá trị nhập khẩu, tiếp đến nông, lâm sản 5,3%, cao su 3,6%, máy móc thiết bị, dụng cụ và phụ tùng 2,2%. Bên cạnh đó, một số mặt hàng lần đầu được nhập khẩu từ Xri Lan-ca cũng đều có kim ngạch khá như hạt tiêu đạt 2,1 triệu USD.

Tỷ trọng mặt hàng nhập khẩu chính của Việt Nam từ Xri Lanca 9 tháng 2013

Nguồn: Tổng cục Hải quan Việt Nam

Ước tính đến hết năm 2013, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Xri Lan-ca đạt khoảng 155 triệu USD, trong đó kim ngạch xuất khẩu đạt 122 triệu USD và kim ngạch nhập khẩu đạt khoảng 33 triệu USD.

Tiềm năng và triển vọng thúc đẩy hợp tác kinh tế - thương mại hai nước Việt Nam - Xri Lan-ca

Chính phủ Xri Lan-ca đang đặt mục tiêu trở thành một trung tâm kinh tế, thương mại, hàng không, hàng hải và tri thức quan trọng của khu vực Nam Á. Đây là thị trường đầy tiềm năng cho hàng xuất khẩu của Việt Nam. Với dân số trên 21 triệu người, nền kinh tế tăng trưởng nhanh và mức thu nhập bình quân đầu người cao trong khu vực Nam Á, thị trường mới nổi này có sức hút rất lớn. Hơn nữa, Xri Lan-ca còn là cửa ngõ đưa hàng hóa của Việt Nam thâm nhập sâu vào thị trường khu vực Nam Á với hơn 1,5 tỷ người, trong đó có khoảng 500 triệu dân trung lưu, thông qua việc khai thác các Hiệp định thương mại tự do Ấn Độ - ASEAN, các Hiệp định tự do hóa thương mại mà Xri Lan-ca đã ký với Ấn Độ, Pakistan và các nước trong khu vực.

Trong quan hệ với Việt Nam, Xri Lan-ca đặc biệt coi trọng và mong muốn các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư mạnh vào các lĩnh vực dầu khí, viễn thông, chế tạo máy, thủy sản. Đồng thời, nước này cũng mong muốn mở rộng đầu tư vào Việt Nam, qua đó có thể mở ra cơ hội tiếp cận với thị trường ASEAN rộng lớn. Đến nay, hai nước đã ký nhiều văn kiện, thỏa thuận hợp tác nhằm thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư song phương; cùng khuyến khích và tạo điều kiện cho doanh nghiệp hai nước hoạt động tại nước kia, nhất là những lĩnh vực mà hai bên có thế mạnh như sản xuất và chế biến chè tại Việt Nam, thăm dò, khai thác và cung cấp các sản phẩm dầu khí cũng như xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng trong lĩnh vực này tại Xri Lan-ca.

Hai nước đang phấn đấu đưa kim ngạch thương mại song phương lên 1 tỷ USD vào năm 2015. 

Nguồn: Vụ Thị trường châu Phi, Tây Á, Nam , Bộ Công Thương