1/ Các chứng từ cần thiết trong hồ sơ xuất khẩu (của nhà xuất khẩu nước ngoài)

* Theo thủ tục hiện hành đang áp dụng tại New Zealand, các vận đơn  hàng nhập khẩu phải đi kèm một danh sách hàng hóa. Mẫu bản in danh sách hàng hóa có  bán tại các cửa hàng thương mại nằm ở các thành phố cảng lớn. Danh sách này không cần có thị thực của cơ quan lãnh sự hay cơ quan công chứng.

* Chính phủ New Zealand cũng qui định là hồ sơ  của nhà xuất khẩu nước ngoài phải bao gồm một chứng chỉ nêu rõ các thùng chứa hàng bằng gỗ  xẻ, gỗ dán, các container bằng gỗ, các pallet (tấm nâng hàng) dùng để đưa hàng đến New Zealand đã được kiểm tra trước khi xuống tàu và không có vỏ cây hay những dấu hiệu có sự hiện diện của côn trùng hay nấm. Chứng chỉ này phải kèm theo các vận đơn và các tài liệu vận chuyển bằng tàu khác.

* Những hàng hóa như trái cây, cây cối, hạt giống và  những mặt hàng tương tự phải có chứng chỉ  của cơ quan thẩm quyền nguyên xứ chứng nhận là đã được khảo sát và không bị nhiễm bệnh. Chứng chỉ này được gửi tới cơ quan ủy thác ở New Zealand và kèm theo hồ sơ ủy thác đi theo tàu. Bộ Nông nghiệp New Zealand  có thể kiểm tra tàu chở hàng khi cập cảng và nếu phát hiện hàng có sự xâm nhập của côn trùng, sẽ yêu cầu cơ quan ủy thác áp dụng biện pháp xông khói hoặc từ chối tiếp nhận hàng.

* Thịt nhập khẩu vào New Zealand đòi hỏi phải có chứng chỉ vệ sinh của cơ quan kiểm tra an toàn thực phẩm nguyên xứ. Thịt gà (ngoại trừ thịt gà  đóng hộp) không được nhập vào New Zealand. Về những động thực vật mới, trong đó có sản phẩm biến  đổi gien, một ủy ban đặc biệt của New Zealand đang xem xét; trong thời gian chờ đợi, chính phủ nước này tạm ngưng thu nhận những sản phẩm biến đổi gien.

2/ Thủ tục tạm nhập

New Zealand chấp nhận miễn thuế những hàng mẫu với số  lượng không đáng kể. Những chuyến tàu nhỏ chở catalog thương mại bảng giá in bên ngoài New Zealand  cùng sản phẩm quảng cáo sản xuất ngoài New Zealand được chấp nhận miễn thuế nếu chúng mang tên và địa chỉ của nhà sản xuất nước ngoài và không dành cho việc quảng cáo bán những sản phẩm này bởi bất cứ cá nhân, công ty hay xí nghiệp nào có trụ sở đặt tại New Zealand. Tạm thời miễn thuế cho các phim ảnh dùng vào việc quảng cáo hay những phim ảnh có liên quan đến hàng hóa, trang thiết bị cung cấp cho New Zealand phù hợp với những điều kiện đặc biệt khác. Hàng mẫu có giá trị thương mại có thể được tạm nhập dưới hình thức gửi kho hay ký quỹ. Loại hàng này cũng bị chi phối bởi các qui định về thuế quan và các loại thuế khác áp dụng cho các tàu chở hàng thông thường khác. Các catalog thương mại, bảng giá, áp phích, thông báo, quảng cáo chuyền tay, bản chương trình, lịch, tờ quảng cáo kịch… ngoài những mặt hàng trên đều phải chịu thuế.

3/ Qui định về nhãn hiệu hàng hóa

Chính phủ New Zealand cấm nhập những hàng hóa mang nhãn hiệu giả mạo hoặc có tác dụng lừa gạt người tiêu thụ. Họ cũng không cho phép nhập những sản phẩm sản xuất bên ngoài New Zealand mang tên hay nhãn hiệu của một nhà sản xuất hay một doanh nghiệp ở New Zealand, một địa danh ở New Zealand, hoặc hàng có ghi những chữ có liên quan đến sản phẩm sản xuất tại New Zealand, ngoại trừ tên hay chữ được đi kèm bởi sự định danh nước cung cấp hàng. Không nhất thiết phải ghi tên xuất xứ trên tất cả sản phẩm nhập vào New Zealand. Tuy nhiên, tên nguyên xứ phải được in trên các sản phẩm giày dép, quần áo, pin khô. Tên nguyên xứ in trên sản phẩm phải chính xác và không gây hiểu lầm cho người mua.

Đạo luật về sự ngay thật trong kinh doanh ban hành năm 1986 qui định là hàng hóa phải in nhãn hiệu đúng và quảng cáo đúng phẩm chất cũng như đúng nơi đã sản xuất ra chúng. Các loại sơn và màu có chứa chì, trang thiết bị điện, giày vớ, dược phẩm, thực phẩm… phải được dán nhãn đặc biệt. Hàng len hay những hàng hóa chứa từ 50% len trở lên cần phải dán nhãn bằng tiếng Anh chỉ rõ nguyên liệu chính trong sản phẩm và len chiếm bao nhiêu phần trăm trọng lượng sản phẩm. Luật cũng qui định là những sản phẩm có bao bì phải ghi rõ trọng lượng tịnh. Cần lưu ý là trọng lượng và các số đo lường khác áp dụng theo hệ mét.

Phim điện ảnh phải được ghi rõ ngoài bao bì  chữ “FILMS” in màu đen, cao không dưới 5 cm, cùng với tên của chủ hàng, phân biệt với nhau bằng dấu hiệu hay con số. Ngoài ra, còn có những qui định chi tiết về nhãn hiệu các hàng hóa nguy hiểm. Những hàng hóa khác không bắt buộc phải ghi dấu hiệu bên ngoài bao bì. Tuy nhiên, dấu hiệu hay dấu đóng của cơ quan nhận ủy thác, trọng lượng tịnh, trọng lượng gộp cần được ghi ngoài bao bì và các thùng hàng cần đánh số thứ tự.

4/ Hàng hóa cấm nhập

Mặc dù hệ thống cấy giấp phép bị hủy bỏ  từ giữa thập niên 1980, hiện nay chính phủ New Zealand vẫn duy trì việc kiểm soát nhập khẩu một số mặt hàng, trong đó có các loại vũ khí, chất nổ, thuốc phải qua kiểm soát, chất thải có hại cho sức khỏe, chất phóng xạ, thuốc trừ sâu, cây cối, động vật sống, các sản phẩm làm từ động, thực vật…Xuất bản phẩm, phim ảnh, máy thu âm, đĩa vi tính…thuộc vào diện hạn chế nhập khẩu. Một số hàng nông sản bị hạn chế về phương diện vệ sinh, nhất là sản phẩm làm từ thịt gà và trứng gà.Trên nguyên tắc, chỉ những hàng đã đun nấu chín thuộc loại này được phép nhập khẩu New Zealand, trừ một số ngoại lệ do Bộ Nông nghiệp New Zealand qui định.

5/ Vấn đề định chuẩn

Việc  định chuẩn ở New Zealand bao gồm nhiều lĩnh vực khác nhau như thiết kế, an toàn, các chi tiết kỹ  thuật và chất lượng sản phẩm. Việc chấp nhận những chuẩn mực đề ra thường có tính tự nguyện, nhưng cũng có thể có tính bắt buộc thông qua một hình thức chứng nhận theo luật định. Đáp ứng được những chuẩn mực đề ra là một yếu tố quan trọng trong công tác quảng bá hàng hóa,

6/ Vấn đề khu vực mậu dịch tự do

Tại New Zealand, không có khu vực mậu dịch tự do hay cảng tự do. Hàng hóa nhập vào nước này có thể dùng để tiêu thụ trong gia đình, dự trữ trong kho, luân chuyển trong phạm vi New Zealand hoặc dùng xuất khẩu. Từ những thông tin ghi trong vận tải đơn, nhà nhập khẩu hay cơ quan đại diện lập tờ khai hải quan theo qui định. Cục thuế quan New Zealand cho phép nhà nhập khẩu có một thời hạn thanh toán tiền thuế trong vòng 6 đến 8 tuần lễ kể từ lúc nhận hàng. Khi các container chở hàng được mở niêm phong, người nhận hàng phải dở hàng xuống theo một lệnh dở hàng của ngành thuế. Việc lấy hàng hóa không chở bằng tàu ở các cảng phải được tiến hành trong vòng 21 ngày. Nếu hàng hóa không được khai báo hay bảo lãnh trong vòng 2 tháng kể từ sau khi thời hạn 21 ngày đã qua, hàng sẽ được bán hay hủy bỏ bởi cơ quan thuế ở cảng.

7/ Điều khoản nhập khẩu đặc biệt

Trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, New Zealand hành động căn cứ  vào khuyến cáo của Diễn đàn Liên Hiệp Quốc về  Mậu dịch và Phát triển (UNCTAD) về việc các nước phát triển dành cho các nước đang phát triển một “Hệ thống ưu đãi chung” (GSP). Những thuế suất đặc biệt dành cho hơn 100 quốc gia đang phát triển được áp dụng từ năm 1982. Sản phẩm từ một số nước ở vùng Nam Thái Bình dương được miễn thuế.

Nguồn: Internet