Đánh giá về triển vọng hợp tác thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc trong năm 2014, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Bắc Kinh, nhận định hai nước sẽ tiếp tục duy trì đà hợp tác tích cực hiện nay với tăng trưởng kim ngạch thương mại song phương dự kiến ở mức hai con số.

Tham tán cho biết, trao đổi thương mại song phương Việt Nam-Trung Quốc trong năm 2013 đã đạt 50,2 tỷ USD, tăng 21,9% và lần đầu vượt mốc 50 tỷ USD, trong đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc đạt 13,26 tỷ USD. Với đà tăng trưởng này, có khả năng kim ngạch thương mại hai chiều Việt-Trung sẽ vượt mục tiêu 60 tỷ USD mà lãnh đạo cấp cao hai nước đề ra cho năm 2015 và trong năm nay, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc sẽ cao hơn năm ngoái.

Tham tán cũng nhấn mạnh, xúc tiến thương mại và đầu tư hai chiều là những hoạt động quan trọng nhằm thúc đẩy trao đổi thương mại cũng như tăng cường đầu tư giữa hai nước.

Tại thị trường Trung Quốc, Hội chợ Trung Quốc-ASEAN được tổ chức hàng năm tại Nam Ninh đã trở thành sự kiện quan trọng đối với cộng đồng doanh nghiệp ASEAN và Trung Quốc nói chung cũng như doanh nghiệp Việt Nam nói riêng.

Tại Việt Nam, VIETNAM EXPO 2014 sẽ diễn ra từ 16-19/4 tại Hà Nội và từ 3-6/12 tại Thành phố Hồ Chí Minh. Đây là hội chợ quốc tế lớn của Việt Nam được tổ chức hàng năm nhận được sự quan tâm và tham gia đông đảo của các doanh nghiệp Trung Quốc cũng như doanh nghiệp quốc tế.

Ban tổ chức còn tổ chức các chương trình giao thương, kết nối doanh nghiệp Việt Nam và Trung Quốc nhằm tạo cơ hội cho trao đổi thương mại và đầu tư giữa doanh nghiệp hai nước.

Năm 2014 sẽ là năm các đoàn doanh nghiệp các tỉnh, địa phương hai bên do chính quyền hoặc các hiệp hội ngành hàng tổ chức trao đổi qua lại với tần suất cao hơn.

Những hoạt động như tham gia hội chợ, triển lãm, các chương trình giao thương, kêu gọi đầu tư… ở các tỉnh, địa phương ở cả hai bên sẽ là cơ sở quan trọng, tạo cơ hội cho việc tăng cường trao đổi thương mại và đầu tư song phương, đặc biệt là thu hút đầu tư Trung Quốc vào Việt Nam trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp khi các doanh nghiệp Trung Quốc đang tăng cường thực hiện chiến lược “Hướng ra ngoài.”

Để các doanh nghiệp Việt Nam thâm nhập vào thị trường thị trường Trung Quốc, tham tán cho biết, tại thị trường đông dân nhất thế giới này, các doanh nghiệp Việt Nam thường gặp những khó khăn như phần lớn hàng hóa xuất khẩu đều ở dạng nguyên liệu thô, tươi sống, nhất là hàng nông sản, hàm lượng chế biến trong sản phẩm vẫn còn chưa cao.

Ngoài ra, nhiều mặt hàng là thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam nhưng đồng thời cũng là những mặt hàng xuất khẩu của Trung Quốc, do đó tính cạnh tranh tại chính thị trường này cũng không nhỏ.

Thêm vào đó, rào cản về ngôn ngữ khiến các doanh nghiệp Việt Nam khó có thể tìm hiểu về thị trường, về nhu cầu, thị hiếu khách hàng một cách trực tiếp nhất.

Do vậy, để thâm nhập tốt thị trường này, các doanh nghiệp Việt Nam cần nắm bắt được những khó khăn, rào cản của thị trường, hiểu được năng lực của bản thân doanh nghiệp để đổi mới, tăng cường đầu tư sản xuất hàng hóa có tính cạnh tranh, phù hợp với thị trường, nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp, chủ động và có chiến lược thâm nhập sâu vào thị trường một cách bài bản.

Nguồn: Báo Công thương điện tử /TTXVN

 

Nguồn: Vinanet