Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, năm 2014 xuất khẩu của Việt Nam sang Cô-oét tăng trưởng mạnh, đạt 72,3 triệu USD, tăng gấp đôi so với năm 2013.

Tuy nhiên, trao đổi thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Cô-oét năm 2014 lại giảm nhẹ đạt 691,8 triệu USD so với 740,4 triệu USD của năm 2013. Kim ngạch xuất nhập khẩu giảm là do việc nhập khẩu xăng dầu trực tiếp của Việt Nam từ Cô-oét giảm.

Bảng 1: Trao đổi thương mại hai chiều Việt Nam – Cô-oét 2010 – 2014

Đvt: tr USD
Năm

Xuất khẩu

Nhập khẩu

Tổng kim ngạch

2010
29,9
372,7
402,6
2011
29,0
807,7
836,7
2012
29,2
708,6
737,8
2013
35,3
705,1
740,4
2014
72,3
619,0
691,3
 

Nguồn: Tổng cục Hải quan Việt Nam

Triển vọng xuất khẩu một số mặt hàng chủ lực sang Cô-oét

Mặt hàng điện thoai di động và linh kiện: Từ trước năm 2012, Cô-oét chưa nhập khẩu mặt hàng này từ Việt Nam. Năm 2013, kim ngạch xuất khẩu điện thoại di động và linh kiện sang Cô-oét cũng chỉ đạt 1,6 triệu USD. Năm 2014, xuất khẩu mặt hàng này tăng mạnh, đạt 21,1 triệu USD. Trong thời gian tới, điện thoại di động và linh kiện sẽ tiếp tục là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang Cô-oét. Tuy nhiên, với quy mô dân số nhỏ (chưa đến 3 triệu người), xuất khẩu mặt hàng này nhiều khả năng sẽ nhanh chóng bão hòa về lượng. Do đó, để tăng giá trị kim ngạch, cần tập trung xuất khẩu các dòng sản phẩm công nghệ cao, có giá trị gia tăng lớn.

Thủy sản: Trong những năm gần đây, mặt hàng thủy sản xuất khẩu sang Cô-oét liên tục tăng trưởng ổn định. Do trữ lượng thủy sản ở khu vực vùng Vịnh rất nhỏ, lệnh cấm đánh bắt thủy sản có hiệu lực ở nhiều khu vực, nên nguồn cung thủy sản tại thị trường này không đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ của người dân. Do vậy, các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản có nhiều cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường này. Tuy nhiên, doanh nghiệp cần lưu ý đến các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm và các quy định liên quan đến tôn giáo khác được áp dụng khá chặt chẽ tại Cô-oét cũng như tại các nước theo đạo Hồi trong khu vực.

Sản phẩm gỗ: Dung lượng thị trường các sản phẩm gỗ nhập khẩu tại Cô-oét khoảng 200 triệu USD. Năm 2014, Việt Nam mới chỉ xuất khẩu sang Cô-oét các sản phẩm gỗ với trị giá 6,2 triệu USD, chiếm 3,1% nhu cầu nhập khẩu. Như vậy, tiềm năng xuất khẩu mặt hàng này sang Cô-oét còn rất lớn.

Chè: Năm 2014, xuất khẩu chè sang Cô-oét đạt 3,2 triệu USD, chiếm khoảng 5% tổng nhu cầu nhập khẩu chè của Cô-oét. Nếu tận dụng tốt các cơ hội thị trường, khả năng mặt hàng chè sẽ tiếp tục giữ mức tăng trưởng xuất khẩu ổn định vào thị trường này.

Ngoài các mặt hàng kể trên, một số mặt hàng xuất khẩu thế mạnh của Việt Nam như hạt tiêu, rau quả, tinh bột sắn, cơm dừa, cà phê, sản phẩm dệt may, máy móc, phụ tùng, sắt thép các loại cũng có tiềm năng xuất khẩu tốt sang thị trường Cô-oét nói riêng và các nước vùng Vịnh nói chung.

Bảng 2: 10 mặt hàng xuất khẩu chủ yếu sang thị trường Cô-oét

Đvt: USD

Sản phẩm xuất khẩu chủ yếu
2014
2013
% TT

Điện thoại di động và linh kiện

23.086.758
1.601.903
1.341%
Thủy sản
12.653.359
9.487.194
33%
Sản phẩm gỗ
 6.224.299
3.832.868
62%
Chè
 3.240.882
3.015.459
7%
Hàng rau quả
2.939.805
2.853.432
3%

Máy móc thiết bị, dụng cụ & phụ tùng

  2.518.492
2.407.508
5%

Sắt thép các loại

2.981.895
  466.369
539%
Hạt tiêu
1.980.956
2.024.832
-2%
Tinh bột sắn
1.001.174
549.500
82%

Sản phẩm dệt may

 943.826
980.438
-4%
 
Nguồn: Tổng cục Hải quan Việt Nam

Về nhập khẩu, Việt Nam chủ yếu mua của Cô-oét các sản phẩm xăng dầu. Thời gian gần đây, một số sản phẩm của ngành lọc dầu cũng được các doanh nghiêp Việt Nam tăng cường nhập về để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng và sản xuất trong nước như khí đốt, phân bón, chất dẻo nguyên liệu.

Nguồn: Moit.gov.vn/Vụ Thị trường châu Phi, Tây Á, Nam Á

Nguồn: Internet