Tham gia vào các hiệp định tự do thương mại là bước đi khôn ngoan, đúng hướng. Tuy nhiên, Việt Nam cần phải sẵn sàng bước ra khỏi ngưỡng cửa của mình và cạnh tranh sòng phẳng với các quốc gia khác - Đó là chia sẻ của ông Urban Ahlin - Chủ tịch Nghị viện Thụy Điển trong bài trả lời phỏng vấn của phóng viên Báo Công Thương.
Xin ông cho biết những tiềm năng của đất nước Thụy Điển?
Thụy Điển là đối tác và là một trong những quốc gia hỗ trợ Việt Nam trong giai đoạn phát triển kinh tế trước đây, chúng tôi sẽ tiếp tục đóng vai trò tích cực trong việc hỗ trợ Việt Nam trong giai đoạn sắp tới, nhất là trong các lĩnh vực phát triển kinh tế. Tôi cho rằng, Thụy Điển có thể hỗ trợ hợp tác với Việt Nam trong các lĩnh vực như cơ sở hạ tầng, phòng chống tham nhũng, giáo dục, cải cách tư pháp, xây dựng hệ thống an sinh xã hội.
Trong lĩnh vực hạ tầng, Thụy Điển có nhiều kinh nghiệm rất tốt trong việc xây dựng hạ tầng, đường sá. Ngoài ra, Thụy Điển cũng có các phương tiện giao thông công cộng hàng đầu thế giới. Liên quan đến phòng chống tham nhũng, Thụy Điển là một trong những nước xếp hạng cao nhất liên quan đến chỉ số minh bạch và phòng chống tham nhũng. Trong lĩnh vực này, Việt Nam có thể học được rất nhiều từ kinh nghiệm đi trước của Thụy Điển.
Thụy Điển có thể giúp các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam như thế nào, thưa ông?
Thụy Điển là quốc gia phát triển với nền công nghệ hiện đại xanh - sạch, có những công cụ, thiết bị kỹ thuật có thể chuyển giao cho các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Các công nghệ, thiết bị kỹ thuật này có thể giúp Việt Nam giải quyết các vấn đề về môi trường, ô nhiễm không khí. Với kinh nghiệm của Thụy Điển, điều chúng tôi có thể chia sẻ với Việt Nam là chúng ta có thể phát triển kinh tế nhưng không được hủy hoại môi trường, vì nếu không, một ngày nào đó những tiêu cực từ môi trường sẽ tác động ngược lại chính chúng ta.
Năm 2015 được gọi là năm hội nhập của Việt Nam. Việt Nam sẽ phải vượt qua những thách thức nào trong quá trình hội nhập, thưa ông?
Tham gia vào các hiệp định tự do thương mại là bước đi khôn ngoan, đúng hướng. Tuy nhiên, Việt Nam cần phải sẵn sàng bước ra khỏi ngưỡng cửa của mình và cạnh tranh sòng phẳng với các quốc gia khác.
Khi bước ra sân chơi thương mại của thế giới, chúng ta cần những yếu tố như: Có nền giáo dục tốt, đúng tiêu chuẩn, tạo ra sức sáng tạo cho đất nước. Bên cạnh đó, người dân cần được giáo dục để nhận thức rằng, Việt Nam đã bước ra sân chơi thương mại và cần phải chuẩn bị để sẵn sàng cạnh tranh, bởi vì cạnh tranh sẽ rất khốc liệt. Việt Nam bây giờ cũng như trong tương lai không nên cạnh tranh dựa trên nền tảng một nền kinh tế dựa trên chi phí rẻ, vì nếu chỉ dựa vào cạnh tranh trên mức nhân công rẻ và sẵn có hiện nay thì mức độ cạnh tranh của Việt Nam sẽ rất thấp.
Nguồn: Báo Công Thương Điện Tử