Trong chuyến thăm hữu nghị Myanmar, ngày 17/3, Ủy viên Bộ chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân đã có buổi gặp gỡ các doanh nghiệp Việt Nam đang đầu tư ở đây và đại diện các ban ngành quản lý của nước chủ nhà.
Trong cuộc gặp này, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân đã trao đổi với phía bạn về những kinh nghiệm quản lý đầu tư nước ngoài ở Việt Nam để từ đó có thể tháo gỡ được những khó khăn mà các doanh nghiệp Việt Nam tại Myanmar đang gặp phải.
Theo Chủ tịch, việc thực hiện thủ tục cấp phép của Myanmar nên tập trung vào một đầu mối nhằm tạo điều kiện thuận tiện cho các doanh nghiệp đầu tư. Các doanh nghiệp Việt Nam cần tổ chức các buổi gặp định kỳ với đại diện các bộ, ngành của Myanmar để trao đổi về tiến trình hoạt động.
Hai nước cần xúc tiến việc thành lập Ủy ban nhà nước về hợp tác kinh tế và xúc tiến ký hiệp định tránh đánh thuế hai lần. Việc thúc đẩy hoạt động thương mại cũng cần được thúc đẩy thông qua việc tổ chức thêm nhiều hội chợ thương mại hàng năm.
Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân cũng đã giải thích với đại diện của Myanmar rằng hoạt động ngân hàng hay viễn thông của Việt Nam hiện chưa được cấp phép hoạt động tại Myanmar nên sẽ không làm rối loạn các hoạt động ngân hàng hay ảnh hưởng tới vấn đề an ninh của bạn mà chỉ góp phần tạo nên sự canh tranh tích cực.
Nhìn chung các doanh nghiệp Việt Nam đã bắt đầu khẳng định được vị trí tại thị trường này sau khi có được bảy dự án, với tổng số vốn đầu tư khoảng 513 triệu USD và xếp thứ tám trong số các nhà đầu tư nước ngoài tại Myanmar.
Riêng năm 2014, kim ngạch thương mại giữa hai nước đạt 480 triệu USD, đồng thời đạt mức tăng trưởng trong bình gần 40% trong giai đoạn 2010-2014. Myanmar được các doanh nghiệp Việt Nam đánh giá là một thị trường nhiều tiềm năng vì dân số trẻ và có nhiều nét tương đồng về văn hóa giữa hai bên.
Hai nước có quan hệ chính trị và ngoại giao rất tốt đẹp và đây chính là nền tảng để hai bên phấn đấu đạt mục tiêu kim ngạch thương mại hai chiều 1,5 tỷ USD trong hai năm tới và 1,7 tỷ USD vào năm 2020.
Hiện nay, Ngân hàng BIDV và Tập đoàn viễn thông Viettel của Việt Nam vẫn chưa được cấp phép hoạt động và điều này có thể gây ảnh hưởng cho những mục tiêu trên.
Hai doanh nghiệp này của Việt Nam đã bày tỏ nguyện vọng xin được cấp phép vào năm 2015, năm kỷ niệm 40 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước.
Các đại diện quản lý đầu tư nước ngoài của Myanmar cho biết họ ghi nhận các vấn đề này và sẽ có những kiến nghị cần thiết để cải thiện tình hình. Phía Myanmar cũng khẳng định đang cố gắng cải cách hệ thống cơ sở hạ tầng trong khả năng tốt nhất nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư.
Hiện tại, Myanmar đã có nhiều thay đổi, đặc biệt là hệ thống viễn thông rẻ hơn rất nhiều so với trước đây. Điều này cũng đã được phía Việt Nam nhìn nhận một cách tích cực.
Trong khuôn khổ chuyến thăm này, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân đã có buổi làm việc với Thủ hiến bang Yangon nhằm giới thiệu về các thế mạnh có thể hợp tác đầu tư với phía Myanmar.
Chủ tịch cũng đã nêu ra một số khó khăn trong đầu tư của các doanh nghiệp Việt Nam như vấn đề hợp tác trồng cao su và đề nghị Thủ hiến bang hỗ trợ báo cáo với Chính phủ Myanmar để có thể cùng tháo gỡ.
Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân cũng đã giới thiệu việc Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) có thể giúp Myanmar tăng năng suất cao su bằng công nghệ tiến tiến.
Trước đó, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân cũng đã tới thăm dự án Trung tâm thương mại phức hợp do HAGL đầu tư tại Myanmar, có tổng trị giá 440 triệu USD.
Đây là dự án lớn nhất của Việt Nam đầu tư sang Myanmar từ trước tới nay
Dự án này được coi là một điểm nhấn trong quan hệ giữa hai nước bởi nó đã được phía Myanmar tạo điều kiện thuận lợi cấp phép trong 70 năm.
Dự kiến vào tháng Sáu tới, HAGL sẽ cho khai trương Trung tâm thương mại trong dự án này và khu văn phòng cho thuê sẽ được khai trương ba tháng sau đó.
Trung tâm thương mại có diện tích xây dựng 480.000m2 trên tổng diện tích dự án hơn 8ha, nằm tại khu trung tâm, đối diện hồ Inya lớn nhất ở Yangon.