Việc các nhà bán lẻ nước ngoài “đổ bộ” vào nước ta nhiều như hiện nay đã tạo nên sức ép cho các doanh nghiệp trong nước, gây khó khăn trong việc đưa sản phẩm vào các kênh bán lẻ hiện đại.

Để không bị lệ thuộc quá mức vào một kênh bán hàng, hạn chế việc các nhà bán lẻ nước ngoài chèn ép đòi chiết khấu cao, một trong những giải pháp mà nhiều doanh nghiệp đang làm hiện nay là liên kết, chia sẻ thông tin để có hành động thống nhất cũng như tự xây dựng kênh phân phối riêng. 

 Ông Trịnh Sỹ, Giám đốc Công ty cổ phần bánh kẹo Tràng An cho rằng, các nhà cung cấp nên liên kết với nhau để hình thành các điểm bán hàng tránh sự phụ thuộc vào kênh bán lẻ hiện đại, đồng thời liên kết với các nhà cung cấp khác mở các điểm phân phối với nhiều sản phẩm khác nhau. Với hướng đi này, hiện Công ty đã có một hệ thống các cửa hàng chuyên phân phối các sản phẩm của bánh kẹo Tràng An trên toàn quốc với hơn 80 đại lý.

 “Chúng tôi xây dựng công ty thương mại và phân phối hàng, ngoài ra sẽ nhập khẩu thêm các mặt hàng không cạnh tranh trực tiếp với mình để tăng mật độ kinh doanh và tăng thương hiệu của hệ thống phân phối Tràng An. Tràng An mong muốn hệ thống siêu thị phân phối phải phối hợp với các doanh nghiệp và chuỗi nông sản, chuỗi ấy phải có sự ràng buộc pháp  lý và thực hiện một cách nghiêm túc các hợp đồng cam kết và các bên cùng có lợi thì tương lai sẽ tốt”, ông Sỹ cho biết.

Theo nhiều chuyên gia kinh tế, để thị trường bán lẻ trong nước phát triển bền vững, các doanh nghiệp Việt Nam cần phải liên kết lại hoặc thông qua các hiệp hội để có thể tạo được ảnh hưởng mạnh hơn trong quá trình đàm phán.

 

Bài học từ câu lạc bộ doanh nghiệp cung cấp hàng thủy sản cho thị trường nội địa là một ví dụ điển hình. Các doanh nghiệp đã liên kết lại và phản đối việc tăng giá chiết khấu của các siêu thị nước ngoài. Đến nay, việc làm này đã thu được kết quả bước đầu khi các hệ thống bán lẻ nước ngoài cam kết không tăng chiết khấu trong năm nay và sẽ giảm chiết khấu đối với một số mặt hàng của các doanh nghiệp.

Một số “ông lớn” trong lĩnh vực bán lẻ của Việt Nam như Tập đoàn Vingroup, mới đây cũng đã đẩy mạnh liên kết và hỗ trợ tiêu thụ hàng hóa cho các doanh nghiệp nội địa thông qua chương trình đồng hành, hỗ trợ và thúc đẩy sản xuất nội địa. Tập đoàn này đã ký kết hợp tác đợt 1 với gần 250 doanh nghiệp Việt Nam thuộc 7 ngành hàng tiêu dùng cơ bản là thực phẩm, hóa mỹ phẩm, đồ chơi, hàng gia dụng, hàng thực phẩm tươi sống, thời trang, bông vải sợi từ 18 tỉnh, thành phố trên cả nước. 

Ông Lê Khắc Hiệp, Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vingroup cho biết, doanh nghiệp khuyến khích người dân làm thế nào để sản xuất được những sản phẩm có chất lượng cao và sạch để có thể đưa đến cho người tiêu dùng. Bản thân Vingroup rất mong muốn hàng của người Việt Nam cũng sẽ được đưa ra thị trường thế giới và cạnh tranh với hàng hóa thế giới.

Nhằm hạn chế sự phụ thuộc vào các nhà phân phối nước ngoài, cũng như bảo vệ thương hiệu trước sự canh tranh khốc liệt của thị trường, nhà bán lẻ trong nước nên mở rộng đầu tư mạng lưới cũng như kênh phân phối, nâng cao tính chuyên nghiệp trong hoạt động.

Về phía nhà sản xuất cần tăng năng lực cạnh tranh bằng đầu tư dây chuyền sản xuất tạo sản phẩm chất lượng cùng sự khác biệt đáp ứng nhu cầu và thị hiếu người tiêu dùng, đồng thời phải tạo sự liên kết giữa các nhà sản xuất với nhau.

Để làm được điều này, ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội cho rằng, các nhà bán lẻ Việt Nam cần phải khắc phục những điểm yếu trong chiến lược kinh doanh, công nghệ và quản lý, sự liên kết. Trong tương lai cần thành lập hiệp hội cung ứng hàng hóa để có thể có thể cạnh tranh một cách hợp lý với các siêu thị. Có như vậy, thị trường bán lẻ Việt Nam mới phát triển được, cạnh tranh với các sản phẩm nước ngoài.

“Các doanh nghiệp phải liên kết chặt chẽ, tổ chức đại lý ký gửi hàng hóa và đầu tư vào sản xuất để thu mua lại hàng hóa. Hay nói cách khác, phải chú ý đến cái gốc của sản xuất từ đó có cơ sở để cạnh tranh, nhưng đồng thời cần sự hỗ trợ của Nhà nước, giảm phí, giảm thuế nếu không sẽ thua ngay tại thị trường nội địa”, ông Phú cho biết.

Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp bán lẻ Việt bị các doanh nghiệp nước ngoài thâu tóm đã cảnh báo về năng lực cạnh tranh cũng như chất lượng của doanh nghiệp Việt Nam hiện đang có vấn đề. Do đó, doanh nghiệp Việt Nam không còn cách nào khác là phải hoạt động tốt hơn, bài bản hơn, không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, giá thành hợp lý.

Ngoài ra, doanh nghiệp cần chủ động liên kết, tìm hướng đi mới, mới mẻ và khác biệt, biết biến khó khăn thách thức đó thành cơ hội và thuận lợi cho mình. Đây là bài toán đặt ra cho từng doanh nghiệp, ngành hàng, lĩnh vực đối với doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam./.

Nguồn: Chung Thủy/VOV.vn