Tham dự hội nghị còn có trên 300 đại biểu từ các cơ quan thuộc Bộ Công Thương, các Thương vụ, Chi nhánh Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài, các Văn phòng Xúc tiến thương mại Việt Nam tại nước ngoài, Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp và các cơ quan thông tấn, báo chí.
Hội nghị diễn ra theo phương thức trực tiếp kết hợp trực tuyến, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho đông đảo đại biểu từ các Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài, các cơ quan và doanh nghiệp liên quan từ 63 tỉnh, thành trên cả nước tham gia.
Cơ quan đại diện Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài tiếp tục đóng góp tích cực vào bức tranh kinh tế trong nước
Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, theo Nghị quyết của Ban Cán sự Bộ Công Thương và theo chỉ đạo của Chính phủ, trong 3 tháng gần đây, Bộ Công Thương duy trì giao ban đối với cơ quan đại diện thương vụ của Việt Nam tại nước ngoài với các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp xuất - nhập khẩu. Đây là cơ hội để cơ quan thương vụ nắm bắt được tình hình trong nước, nhu cầu hiệp hội, doanh nghiệp trong nước, đồng thời cập nhật những diễn biến mới, yêu cầu của thị trường ngoài nước. Từ những thông tin từ phía Thương vụ, các hiệp hội, doanh nghiệp trong nước có thể có những định hướng và chuyển hướng cần thiết trong kinh doanh. Về cơ quan quản lý trong nước, đây là cơ hội để lắng nghe ý kiến của các Thương vụ nước ngoài và doanh nghiệp, địa phương, từ đó tham mưu chính sách phù hợp.
Hội nghị diễn ra theo phương thức trực tiếp kết hợp trực tuyến
Nhờ có sự đóng góp tích cực của hệ thống cơ quan đại diện thương vụ Việt Nam tại nước ngoài, bức tranh tình hình kinh tế trong nước đã có dấu hiệu lạc quan. Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, mặc dù trong bối cảnh kinh tế thế giới khủng hoảng, khó khăn, kinh tế Việt Nam riêng tháng 9 có tốc độ tăng trưởng 13,6%; còn trung bình 9 tháng đạt 8,8%. Nếu giữ được nhịp độ như vừa qua, GDP của nước ta cả năm sẽ đạt 7,5% trở lên. Như vậy, Việt Nam sẽ trở thành một trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng cao nhất thế giới.
Một dấu hiệu nữa liên quan trực tiếp đến thành quả, nỗ lực trong công tác của Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài là kết quả kim ngạch xuất nhập khẩu. Tính chung 9 tháng năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa đạt gần 600 tỷ USD, tăng 15,1% so với cùng kỳ năm trước. Dự báo, với nhịp độ tăng trưởng kim ngạch xuất nhập khẩu này, thì cả năm nước ta sẽ đạt gần 800 tỷ USD. Đáng chú ý, cán cân thương mại của nước ta đã suất siêu ngoạn mục với 6,52 tỷ USD trong 9 tháng. Đó là những thành tích lớn, được lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ rất phấn khởi, hoan nghênh.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng lưu ý, từ nay đến cuối năm, Việt Nam vẫn đang tiếp tục phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức: lạm phát gia tăng ở nhiều khu vực thị trường, nguy cơ suy thoái kinh tế có nhiều bất định; xung đột địa chính trị ngày càng leo thang và khó đoán định dẫn đến khủng hoảng năng lượng, lương thực kéo dài, đe đọa đến tính bền vững của thu nhập khả dụng của người tiêu dùng ở các nước phát triển, tạo áp lực, nguy cơ mức tiêu dùng hàng nhập khẩu từ Việt Nam khó duy trì như những tháng đầu năm.
Thực tế, nhiều doanh nghiệp thuộc các ngành hàng xuất khẩu quan trọng của Việt Nam như dệt may, đồ gỗ cho biết đã hết đơn hàng cho giai đoạn cuối năm 2022 và đầu năm 2023. Nhận định được tình hình, trong thời gian qua, Bộ Công Thương cùng các bộ, ngành, hiệp hội, địa phương đề ra chủ trương giao ban thường xuyên để cập nhật kịp thời những diễn biến mới cả trong nước và quốc tế, nhằm tránh được tác động ngược chiều, rủi ro từ thế giới, từ đó tham mưu cho chính quyền địa phương phản ứng chính sách; đồng thời tranh thủ cơ hội mới mang lại lợi ích cho đất nước.
“Không chỉ lãnh đạo Bộ Công Thương quan tâm phát huy vai trò hệ thống cơ quan thương vụ nói riêng mà cả hệ thống chính trị cũng đặc biệt quan tâm đến hệ thống cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài nói chung. Cụ thể, trong đúng 1 tháng, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có 2 hội nghị trực tuyến với Hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài và Hệ thống cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài vào ngày 19/8 và ngày 19/9”- Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh.
Để hoàn thành tốt mục tiêu Quốc hội và Chính phủ đặt ra cho ngành Công Thương, duy trì sự tăng trưởng bền vững về xuất khẩu, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên yêu cầu, tại Hội nghị này, các đồng chí Tham tán thương mại, cán bộ Thương vụ, Văn phòng xúc tiến thương mại ở nước ngoài chia sẻ các thông tin cập nhật, thời sự về thị trường trong kỳ vừa qua, phân tích, dự báo và đánh giá cơ hội xúc tiến xuất khẩu, khai thác thị trường sở tại trong thời gian tới, có khuyến nghị cụ thể cho các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp cách thức, giải pháp tiếp cận thị trường để có định hướng triển khai hoạt động xúc tiến thương mại hiệu quả.
Đồng thời, đại diện các Sở Công Thương, các hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp xuất-nhập khẩu trao đổi nhu cầu hỗ trợ xúc tiến xuất nhập khẩu cụ thể về mặt hàng, về thị trường, kiến nghị đối với Bộ Công Thương và đặc biệt các cơ quan thương vụ Việt Nam tại nước ngoài để hỗ trợ doanh nghiệp địa phương, hỗ trợ các ngành hàng làm tốt công tác thị trường, thực hiện xuất nhập khẩu hiệu quả, đóng góp vào thành tích chung của ngành Công Thương.
Cập nhật những diễn biến mới, tìm thị trường “ngách”
Tại hội nghị, các Thương vụ đã thông tin cập nhật về tình hình thị trường nước ngoài; một số quy định, tiêu chuẩn, điều kiện của thị trường nước ngoài có thể tác động đến hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam và khuyến nghị đối với các địa phương, hiệp hội và doanh nghiệp xuất nhập khẩu.
Chia sẻ về diễn biến mới trên thị trường sở tại, ông Bùi Trung Thướng – Tham tán thương mại Việt Nam tại Ấn Độ - cho biết, hiện nay, Ấn Độ có chính sách mới về việc hạn chế xuất khẩu một số loại gạo.
Cụ thể, ngày 8/9/2022, Tổng cục Ngoại Thương Ấn Độ ban hành thông báo số 31/2015-2020, quyết định cấm xuất khẩu gạo tấm, mã HS10064000, có hiệu lực kể từ ngày 9/9/2022. Các lô hàng tạo tấm đảm bảo một trong các điều kiện sau sẽ được xuất khẩu trước ngày 15/9: Hàng bắt đầu được xếp lên tàu trước khi có thông báo này; Hóa đơn vận chuyển đã xuất và tàu đã cập bến, đến, neo đậu tại cảng của Ấn Độ và số thứ tự xếp hàng của tàu đã được phân bổ; Lô hàng đã được chuyển cho Hải quan trước khi có thông báo và đã được Hải quan đăng ký trên hệ thống. Ngày 20/9/2022, Tổng cục Ngoại thương Ấn Độ ban hành thông báo số 34/2015-2020 lùi thời hạn cho phép xuất khẩu đổi với các lô hàng gạo tấm đủ điều kiện nêu trên từ ngày 15/9 đến ngày 30/9. Ngày 8/9/2022, Bộ Tài chính Ấn Độ ban hành thông báo số 49/2022 - Customes về việc đánh thuế xuất khẩu đối với một số loại gạo từ ngày 09/9/2022.
“Các doanh nghiệp Việt Nam đang phối hợp, hợp tác với doanh nghiệp Ấn Độ cần lưu ý về chính sách mới này”- ông Bùi Trung Thướng nhấn mạnh.
Trong khi đó, tại thị trường Hoa Kỳ, ông Nguyễn Mạnh Quyền - Trưởng Chi nhánh Thương vụ Việt Nam tại Houston (Hoa Kỳ) – cũng cho biết, Chính phủ Hoa Kỳ khuyến khích kêu gọi đầu tư và thúc đẩy xuất khẩu hàng Made in USD. Các quan chức chính quyền địa phương rất quan tâm đến doanh nghiệp gốc Á, đưa ra các chương trình marketing sản phẩm Mỹ để thúc đẩy xuất nhập khẩu, kêu gọi đầu tư. Bên cạnh đó, Chính phủ Hoa Kỳ cũng ưu tiên chuyển giao các công nghệ cao; giám sát thị trường bất động sản, đầu cơ tài chính, đồng tiền kỹ thuật số…
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Mạnh Quyền lưu ý, đối với các hoạt động mang tính chất đầu tư, đầu cơ, doanh nghiệp Việt Nam cần quan tâm đến thuế khi lập công ty vì bên Hoa Kỳ kiểm soát rất kỹ dòng tiền. Đặc biệt, khi hợp tác, kết nối các doanh nghiệp rất nhỏ và không rõ nguồn gốc thì cần tìm hiểu kỹ; lưu ý về việc lợi dụng uy tín của cơ quan nhà nước ở Mỹ để tiến hành hoạt động môi giới, tổ chức dịch vụ liên quan để tổ chức đoàn ra- đoàn vào.
Là 1 thị trường ở Tây Âu có yêu cầu về tiêu chuẩn, chất lượng, mẫu mã, đòi hỏi thị trường dễ tính hơn, ông Phạm Tuấn Huy - phụ trách Thương vụ, Thương vụ Việt Nam tại Bulgaria (kiêm nhiệm Macedonia) – cho rằng, nếu coi Bulgaria là thị trường để tìm kiếm cơ hội khi các thị trường lớn nhiều cạnh tranh hoặc tiến tới bão hòa thì có rất nhiều tiềm năng, ví dụ có thể kết hợp các đơn hàng, nhóm hàng để cùng vận chuyển trong bối cảnh chi phí logistic tăng cao. “Việc này cần sự kết hợp, chủ động của các hiệp hội, doanh nghiệp sang xúc tiến, chào hàng, làm việc trực tiếp với các hệ thống phân phối để đánh giá khả năng đáp ứng cho các hệ thống phân phối tại Bungari. Thương vụ luôn sẵn sàng trong các bước cần thực hiện trước như tìm kiếm đối tác thích hợp, xây dựng chương trình làm việc phù hợp”- ông Phạm Tuấn Huy cho hay.
Chia sẻ thông tin, phối hợp để xúc tiến thương mại hiệu quả
Cũng tại hội nghị, đại diện các cơ quan địa phương (gồm Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư thành phố Hồ Chí Minh, Sở Công Thương tỉnh Yên Bái) và các hiệp hội ngành hàng (gỗ, cà phê ca cao, hồ tiêu, phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin) thảo luận về những khó khăn, thuận lợi, đề xuất nhu cầu hỗ trợ và các sáng kiến liên quan đến việc thực hiện hoạt động xúc tiến thương mại, xuất nhập khẩu với các thị trường nước ngoài của các địa phương, hiệp hội và doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Quốc Khanh - Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP HCM (HAWA) – cho biết, 6 tháng đầu năm 2022, các đơn hàng rất tốt, song những tháng gần đây có dấu hiệu suy giảm. Vì vậy việc xúc tiến thương mại trong thời gian tới rất quan trọng.
“Cần mở rộng kênh phát triển thương mại thông qua các hội chợ vì đây là 1 trong cơ hội để tiếp thị trực tiếp với khách hàng những mặt hàng tốt hơn của mình. Thông qua đó cũng nắm rõ hơn tình hình, nhu cầu của khách hàng”- ông Đỗ Xuân Lập nhấn mạnh và thông tin về kế hoạch tổ chức Hội chợ xuất khẩu nội thất TP HCM 2023 (HawaExpo 2023). Sự kiện được đầu tư hiện đại nhằm mục tiêu thu hút, kết nối thêm các bạn hàng quốc tế với doanh nghiệp Việt Nam.
Đồng quan điểm, ông Đỗ Xuân Lập - Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Viforest) – cũng mong muốn Tham tán thương mại tuyên truyền thông tin về sự kiện hội chợ ngành gỗ đến các thị trường nước ngoài.
Bà Hoàng Thị Liên - Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam – VPA thông tin về việc hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu hạt tiêu có vướng mắc tại Pakistan
Tại hội nghị, đại diện Thương vụ Việt Nam tại Pakistan đã báo cáo về tình hình 7 cotainer hạt tiêu xuất khẩu bị doanh nghiệp Pakistan không thanh toán tiền.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đánh giá Thương vụ rất nỗ lực để bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp. Sau hội nghị này, doanh nghiệp, Hiệp hội hồ tiêu Việt Nam sẽ làm việc trực tiếp với Thương vụ Pakistan và các cục, vụ liên quan để giải quyết vụ việc này.
Để tiếp tục nâng cao hiệu quả Chương trình giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống thương vụ tại nước ngoài, ông Vũ Bá Phú – Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) – cho biết, tại Hội nghị giao ban kỳ tháng 7 và tháng 8/2022, trước những đề xuất của một số địa phương và hiệp hội ngành hàng, các Thương vụ Việt Nam tại một số thị trường liên quan và Cục Xúc tiến thương mại đã có những giải đáp thoả đáng và hướng dẫn cụ thể.
Sau mỗi Hội nghị, Ban tổ chức tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan tổng hợp đầy đủ nhu cầu hỗ trợ và các kiến nghị, đề xuất của các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp để gửi các cơ quan liên quan thuộc Bộ Công Thương tích cực giải quyết, phúc đáp, góp phần thúc đẩy hoạt động phát triển sản xuất và xuất nhập khẩu bền vững của các địa phương và doanh nghiệp.