Đề xuất này của VGTA được đưa ra trong bối cảnh Bộ Tài chính đang xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 57/2020/NĐ-CP ngày 25/5/2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 122/2016/NĐ-CP ngày 01/9/2016 về Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, Danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan và Nghị định số 125/2017/NĐ-CP ngày 16/11/2017 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 122/2016/NĐ-CP.
Trong dự thảo này, Bộ Tài chính đề xuất điều chỉnh mức thuế xuất khẩu đối với mặt hàng vàng. Cụ thể, tăng thuế xuất khẩu các mặt hàng vàng có hàm lượng vàng dưới 95% thuộc mã hàng 7113.19.10.10; 7113.19.90.10 từ 0% lên 2%. Đồng thời, gộp dòng theo tên gọi mặt hàng theo đúng danh mục thuế quan hài hòa ASEAN (AHTN) mà Việt Nam đã ký kết; không chia cụ thể theo hàm lượng vàng để đơn giản hóa biểu thuế.
Theo VGTA, nếu áp dụng theo mức thuế 2% như dự thảo, các doanh nghiệp kinh doanh vàng sẽ không thể thực hiện xuất khẩu được các mặt hàng này. Do không được nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ trong bối cảnh giá vàng nguyên liệu trong nước luôn cao hơn giá vàng quốc tế từ 6-8 triệu đồng/lượng. Các doanh nghiệp kinh doanh vàng Việt Nam rất khó cạnh tranh với các doanh nghiệp kinh doanh vàng nước ngoài.
Trong khi đó, các doanh nghiệp kinh doanh vàng bạc đá quý của Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Singapore… đang có nhiều lợi thế cạnh tranh như: thuế nhập khẩu vàng nguyên liệu bằng 0%; thuế xuất khẩu vàng trang sức mỹ nghệ cũng bằng 0% và còn được nhập khẩu vàng nguyên liệu. Chưa kể, chi phí nhân công ở các nước này rẻ hơn, thiết bị công nghệ hiện đại hơn…
Theo ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch VGTA, dù đưa mức thuế xuất về 0% nhưng các doanh nghiệp cũng nộp cho ngân sách những khoản tiền thuế rất lớn thông qua kênh thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế VAT… Còn nếu quy định mức 2% như dự thảo của Bộ Tài chính “chỉ để đơn giản hóa Biểu thuế” và thuận lợi cho hải quan thì các doanh nghiệp kinh doanh vàng không thể thực hiện xuất khẩu được với mức thuế này. Bởi, vàng trang sức mỹ nghệ có giá trị cao và con đường đầu tư xuất khẩu cũng bế tắc. Nguồn thu ngoại tệ không có và nguồn thu ngân sách thông qua thuế xuất khẩu cũng có thể sẽ bằng 0.
Mặt khác, nếu quy định mức thuế xuất khẩu như dự kiến là 2%, việc xuất khẩu chính ngạch của các doanh nghiệp sẽ không có và xuất khẩu lậu qua biên giới sẽ tăng mạnh, rất khó kiểm soát. Đồng thời cũng sẽ gây khó khăn cho việc điều hành chính sách tiền tệ, do hành vi buôn lậu vàng qua biên giới. 
Trước mắt, nếu cơ quan quản lý cần hạn chế xuất khẩu vàng trang sức mỹ nghệ có hàm lượng cao từ 95% trở lên thì có thể giữ mức thuế xuất khẩu theo quy định hiện hành, tức là mức thuế 0% đối với vàng trang sức mỹ nghệ có hàm lượng vàng từ dưới 95% trở xuống; còn từ 95% trở lên thì vẫn mức 2% thuế xuất khẩu.
Cũng theo VGTA, trong thời gian qua, nhờ kết quả đầu tư và chính sách quản lý thuế tương đối hợp lý nên kim ngạch xuất khẩu vàng trang sức mỹ nghệ của Việt Nam tuy chưa thể so sánh với các nước trong khu vực nhưng có kết quả tương đối khả quan.
Cụ thể, trong năm 2019, các doanh nghiệp kinh doanh vàng đã xuất khẩu được 2,1 tỷ USD, tăng 231,2% so với năm trước đó. Đến năm 2020, kim ngạch xuất khẩu tiếp tục tăng lên 2,6 tỷ USD. Riêng Tập đoàn Vàng Bạc Đá quý DOJI từ năm 2016-2020 đã xuất khẩu được 53,8 tấn sản phẩm vàng kim hoàn, kỹ nghệ thu về cho đất nước 2,5 tỷ USD…

Nguồn: H.Chung/Báo Tin tức - TTXVN