Tại Diễn đàn Đầu tư Toàn cầu ngày 30/9, các diễn ra đã có những chia sẻ về vấn đề cổ phần hoá và tư nhân hoá các Doanh nghiệp Nhà nước.
Đứng ở góc độ Nhà nước, ông Đặng Quyết Tiến, Phó Cục trưởng cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính cho rằng, khi đầu tư vào doanh nghiệp cổ phần hoá, nhà đầu tư nước ngoài cần tìm hiểu doanh nghiệp hoạt động như thế nào, nhà đầu tư kỳ vọng gì và nhà đầu tư cần có cái gì.
Theo ông Tiến, đó là vấn đề Chính phủ luôn trăn trở làm sao khi nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào doanh nghiệp Nhà nước cổ phần hoá cũng như đầu tư vào doanh nghiệp Việt nam có hiệu quả và thu được tiền.
Ông Tiến cho biết, mục tiêu của các doanh nghiệp sau khi cổ phần hoá là phát triển bền vững, tiếp cận sức mạnh của nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là vấn đề chuyển giao công nghệ để doanh nghiệp Việt Nam phát triển. Các doanh nghiệp như Vinamilk và FPT đã cổ phần hoá rất thành công, nhưng cũng còn nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ chưa được như kỳ vọng.
Ông Phạm Quang Dũng
Đứng ở góc độ doanh nghiệp, ông Phạm Quang Dũng, Phó Chủ tịch Thăng Long Group cho rằng, mục tiêu cổ phần hóa doanh nghiệp nên xét đến giá trị bán ra, chứ không đếm trên đầu doanh nghiệp. Doanh nghiệp bán được 3%, 5% mà cũng tính vào thành tích cổ phần hóa thì không thực tế. Theo ông Dũng, việc cổ phần hoá nên tính giá trị mục tiêu khi IPO trên thị trường là bán bao nhiêu và đạt được bao nhiêu về giá trị.
Ông Dũng cho rằng thời điểm hiện nay là thời điểm thuận lợi nhất đối với nhà đầu tư nước ngoài, vì thị trường chứng khoán đang trong tình trạng èo uột, trong khi kế hoạch cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước lại đang đến thời điểm nước rút. Chính vì thế, trong thời gian tới Chính phủ sẽ mở rộng cửa, tạo mọi điều kiện, thậm chí sửa một số chính sách để thu hút vốn.
Ông Dũng nhìn nhận, nếu nhà đầu tư nghiên cứu doanh nghiệp nào đó mà cần làm nhà đầu tư chiến lược thi sẽ cùng doanh nghiệp làm đơn trình Chính phủ. Khi đó, Chính phủ sẽ xem xét cho phép mua ưu đãi với giá mua bằng mệnh giá.
Vậy, nhà đầu tư nước ngoài nên đầu tư vào doanh nghiệp nào? Theo ông Dũng, nhà đầu tư nước ngoài nên lựa chọn các doanh nghiệp mà Nhà nước không có chủ trương nắm giữ, còn với các doanh nghiệp Nhà nước vẫn nắm cổ phần chi phối thì nhà đầu tư nước ngoài nên nghiên cứu nghiên cứu thêm, nếu vẫn thấy hấp dẫn bởi tính chất độc quyền thì có thể mua.
Phó Chủ tịch Thăng Long Group chia sẻ, khi đầu tư vào Thăng Long đã xin đấu giá 35% vốn. "Tôi đã mặc cả với Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, nếu cổ đông Nhà nước giao tôi làm Chủ tịch thì tôi mới thực hiện quyền mua, còn nếu không cho tôi làm Chủ tịch thì tôi không thực hiện quyền mua này", ông Dũng nói.
Ông Dũng cho biết, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải sau đó đã ra văn bản đồng ý với thoả thuận, điều này cho thấy Nhà nước đang trong tiến trình mở cửa hết cỡ để thu hút dòng vốn.
Minh Quân