Bước đột phá
Cuối cùng sau hơn hai năm chờ đợi quy định về nới room (tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài) cho nhà đầu tư nước ngoài cũng đã được ban hành tại Nghị định 60/2015. Với quy định này, nhà đầu tư nước ngoài có thể sở hữu lên đến 100% phần lớn doanh nghiệp đang niêm yết trên sàn chứng khoán.
Hầu hết các chuyên gia đánh giá việc nới room này được xem là một bước đột phá không chỉ trên thị trường chứng khoán mà cả về chính sách vĩ mô. Các chuyên gia nhìn nhận việc nới room cao hơn tỷ lệ dự kiến trước đó cho thấy các nhà làm chính sách Việt Nam đã thay đổi đáng kể trong tư duy về kinh tế và đang rất tích cực trong việc cải cách thể chế. Điều này cũng phù hợp với những tiến bộ trong việc ban hành một số văn bản pháp luật trong thời gian gần đây như Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư...
Việc nới room được xem là một bước quan trọng trong việc khắc phục một trong những mắt xích yếu nhất của nền kinh tế hiện nay là doanh nghiệp nhà nước. Với tỷ lệ sở hữu doanh nghiệp được nới rộng thì việc thoái vốn nhà nước, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước sẽ thuận lợi hơn khi dòng vốn ngoại đổ vào trong nước dồi dào.
Đối với nhà đầu tư chứng khoán, họ kỳ vọng việc nới room này sẽ thu hút được dòng vốn đầu tư nước ngoài lớn đổ vào thị trường. Kỳ vọng này không phải là không có cơ sở khi mà chỉ số giá thị trường trên thu nhập (P/E) của thị trường Việt Nam đang ở mức hấp dẫn so với nhiều nước trong khu vực. Đặc biệt, Việt Nam hiện có nhiều doanh nghiệp tiềm năng nếu được đầu tư và quản trị một cách bài bản. Thực tế, trong ba tháng gần đây, nhà đầu tư nước ngoài liên tục mua ròng. Thống kê cho thấy từ đầu năm 2015 đến nay khối ngoại đã mua ròng 4.423 tỉ đồng trên sàn HSX.
Bẫy nới room?
Thống kê đến cuối ngày giao dịch 6-7-2015 cho thấy tổng giá trị thị trường của cổ phiếu khối ngoại sở hữu trên sàn HSX là 266.449 tỉ đồng, chiếm 23,15% tổng vốn hóa thị trường, trên HNX là 22.346 tỉ đồng, chiếm 15,37%. Trên sàn HSX có 16 cổ phiếu hết room, chiếm tỷ lệ 5,26% còn trên HNX có chỉ có ba doanh nghiệp, chiếm tỷ lệ 0,84% số cổ phiếu niêm yết. Như vậy, với tỷ lệ sở hữu này thì khối ngoại vẫn còn rất nhiều room để tăng tỷ lệ sở hữu của mình chứ chưa cần nới.
Thống kê khác cũng cho thấy hơn 14 tỉ đô la Mỹ vốn của khối ngoại cũng chỉ tập trung vào một số nhóm cổ phiếu nhất định. Cụ thể, trên HSX tổng giá trị vốn hóa của nhóm 10 cổ phiếu khối ngoại đang sở hữu nhiều nhất chiếm 68% giá trị vốn hóa của toàn bộ khối ngoại, còn nhóm 20 cổ phiếu chiếm khoảng 80%. Trên HNX, thì nhóm 10 cổ phiếu mà nhà đầu tư nước ngoài sở hữu chiếm tỷ lệ 78%, nhóm 20 cổ phiếu chiếm tỷ lệ 86% tổng giá trị thị trường của khối ngoại trên sàn này. Trong đó đáng chú ý là chỉ riêng ACB đã chiếm gần 30% tổng giá trị.
Thống kê 40 cổ phiếu hết hoặc gần hết room trên cả hai sàn chứng khoán cho thấy mức tăng trung bình chỉ có 1,23% trong sáu phiên gần đây, thấp hơn nhiều so với mức 7,6% của VN-Index và 4,62% của HNX-Index. Chỉ có một vài cổ phiếu hết room có mức tăng đáng chú ý như BBC, KDH, REE, PVI, ACB. Ngược lại có nhiều cổ phiếu hết room vẫn giảm mạnh như ECI, NVT và HBC.
Tuy nhiên, không thể phủ nhận vai trò của khối ngoại trong đợt sóng vừa qua của thị trường. Nhà đầu tư nước ngoài đã tập trung mua mạnh các mã cổ phiếu có vốn hóa lớn trên thị trường như BVH, VCB, PVD... Những cổ phiếu đã tác động tích cực đến tâm lý thị trường và giúp các chỉ số có sự tăng trưởng ngoạn mục. Tuy nhiên, đây có thể cũng chỉ là những động thái bình thường của khối ngoại như một số lần giao dịch trước đây chứ chưa hẳn do tác động bởi việc nới room.
Hiện nay trên thị trường chứng khoán Việt Nam có khoảng 30 quỹ đầu tư chứng khoán nước ngoài đang hoạt động với tổng giá trị khoảng 4 tỉ đô la Mỹ, bằng một phần ba tổng giá trị vốn hóa của khối ngoại trên thị trường chứng khoán. Chính việc giao dịch của những quỹ đầu tư này, đặc biệt là các quỹ ETF làm cho thị trường chứng khoán sôi động. Tuy nhiên, phần lớn các quỹ này chỉ đầu tư tài chính nên tỷ lệ sở hữu của họ thường dưới 10%. Do vậy, việc nới room dường như không tác động quá lớn đến chiến lược của những quỹ đầu tư này.
Các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào doanh nghiệp với vai trò là đối tác chiến lược chiếm tỷ lệ khá cao. Tuy nhiên, mức độ sở hữu của họ cũng chỉ thường 15-30%. Cá biệt có CFR International SPA sở hữu 46% Domesco (DMC) nhưng CFR vẫn không tham gia sâu vào công tác điều hành tại doanh nghiệp dược phẩm này. Trên thực tế phần lớn các nhà đầu tư gián tiếp nước ngoài thường không thâu tóm doanh nghiệp đang niêm yết. Họ thường chọn những doanh nghiệp có tiềm năng để làm đối tác chiến lược. Do đó, việc nới room chưa hẳn đã tác động ngay đến dòng tiền vào thị trường chứng khoán. Việc nhà đầu tư hưng phấn quá mức bởi thông tin nới room và đẩy giá cổ phiếu lên cao có thể tạo ra một cái bẫy trên thị trường.