Sau phiên hoảng loạn, thị trường đã trở lại trạng thái cân bằng trong phiên sáng nay. Nhiều nhà đầu đang tỏ ra tiếc nuối vì đã bán tháo trong phiên giao dịch hôm qua.

Diễn biến tiêu cực của thị trường chứng khoán thế giới cùng các tin đồn liên quan đến cựu lãnh đạo 1 ngân hàng trong nước, đã tác động mạnh tới thị trường chứng khoán Việt Nam trong phiên hôm qua.

Cùng đà lao dốc mạnh của nhóm ngân hàng với việc bán tháo khiến cổ phiếu BID giảm sàn và các mã vốn hóa lớn cũng đua nhau giảm sâu khiến VN-Index mất tới gần 18 điểm, mức giảm mạnh nhất trong gần 2 năm qua.

Tuy nhiên, một trong những điểm tích cực trong phiên hôm qua là thanh khoản tăng vọt. Trái với thực tế, khi thị trường hoảng loạn thì khối lượng giao dịch thường co hẹp và người có tiền sẽ thận trọng, nhưng việc tăng mạnh tới hơn 50% trong phiên hôm qua cho thấy lực mua bắt đáy vẫn khá tốt.

Mặc dù theo đánh giá của một số công ty chứng khoán, thị trường về trung và dài hạn vẫn cho thấy các tín hiệu tích cực từ kinh tế vi mô cho đến vĩ mô, nhưng theo nhận định của FPTS, việc khối lượng dư bán ở các cổ phiếu vốn hóa lớn trong phiên 9/8 vẫn còn khá nhiều sau phiên ATC và nguồn cung này có thể sẽ khiến chỉ số VN-Index tiếp tục giảm điểm vào phiên sau.

Bước vào phiên giao dịch sáng 10/8, nhóm cổ phiếu bluechip vẫn giao dịch thiếu tích cực khiến thị trường tiếp tục mở cửa trong sắc đỏ.

Ngay khi thủng thủng ngưỡng kháng cự thấp hơn tại mốc 770 điểm, lực cầu đã gia tăng giúp thị trường bật mạnh trở lại và có thời điểm hồi phục, vươn lên trên ngưỡng 775 điểm. Tuy nhiên, tâm lý nhà đầu tư vẫn chưa ổn định sau phiên hoảng loạn hôm qua, lực cung giá thấp luôn thường trực khiến VN-Index nhanh chóng đảo chiều giảm điểm.

Sau ít phút le lói sắc xanh, đồng loạt các cổ phiếu trong nhóm ngân hàng đều quay đầu giảm điểm, trong đó BID vẫn giảm mạnh nhất hơn 2,2%, còn CTG giảm 0,53%.

Đáng chú ý, ROS sau chuỗi ngày dài với 36 phiên tăng liên tiếp đã đảo chiều giảm khá mạnh trong phiên sáng nay. Tại thời điểm 10h15, ROS giảm 4,9% xuống mức 90.300 đồng/CP với khối lượng khớp 1,23 triệu đơn vị.

Trong khi đó, cặp đôi lớn VNM và SAB khởi sắc với mức tăng tương ứng 1,1% và 3,3%, đang là các má phanh giúp thị trường không trượt dài và đón những nhịp tăng điểm.

Ở nhóm cổ phiếu thị trường, HAI và HAR tiếp tục có phiên giảm sàn thứ 2 với khối lượng dư bán sàn khá lớn, trong khi đó TSC tăng trần vững chắc với lượng dư mua trần hơn 2 triệu đơn vị.

Tâm lý nhà đầu tư đã trấn tĩnh hơn sau phiên hoảng loạn hôm qua giúp thị trường lấy lại cân bằng, VN-Index hồi phục tích cực và đón nhận những nhịp tăng lên mức 775 điểm. Tuy nhiên, áp lực bán gia tăng khiến nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn, đặc biệt là các mã ngân hàng, đã đẩy VN-Index về sát mốc tham chiếu khi chốt phiên sáng.

Cụ thể, sàn HOSE có 116 mã tăng/127 mã giảm, VN-Index tăng nhẹ 0,01 điểm (+0,01%) lên 773,76 điểm với tổng khối lượng giao dịch hơn 112 triệu đơn vị, giá trị hơn 1.877 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận chỉ đóng góp 1,72 triệu đơn vị, giá trị 55,4 tỷ đồng.

Trong khi đó, sàn HNX có 67 mã tăng/64 mã giảm, HNX-Index tăng 0,21 điểm (+0,21%) lên 101,27 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 39,74 triệu đơn vị, giá trị 359,92 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận đạt 113.618 đơn vị, giá trị 9,83 tỷ đồng.

Trong nhóm cổ phiếu bluechip, SBT tiếp tục giao dịch tiêu cực, ghi nhận phiên giảm sàn thứ 3 liên tiếp với mức giảm 8,71% và khối lượng khớp lệnh 1,43 triệu đơn vị; cùng với đó, hầu hết các mã ngân hàng cũng đều chốt phiên trong sắc đỏ.

Sau phiên lao dốc mạnh bởi tin đồn thất thiệt, cổ phiếu BID đã thu hẹp đà giảm đáng kể với biên bộ 2% và khối lượng khớp 2,48 triệu đơn vị. Các mã khác trong nhóm ngân hàng như CTG giảm 0,7%, VCB giảm 0,8%, MBB giảm 0,2%, ACB giảm 0,4%.

Ngoài ra, các mã lớn khác cũng đóng vai trò hãm đà tăng mạnh của thị trường như ROS giảm 4,84%, NVL giảm 1,98%, VIC, PLX, KDC…

Trái lại, 2 mã có vốn hóa lớn nhất thị trường là VNM và SAB vẫn là điểm tựa chính giúp VN-Index hồi phục. Cụ thể, VNM tăng 1,1% lên mức 151.600 đồng/CP với khối lượng khớp 182.690 đơn vị; còn SAB tăng 3,1% lên mức 249.400 đồng/CP và khớp 10.820 đơn vị.

Nhóm cổ phiếu đầu cơ vẫn dẫn đầu thanh khoản, trong đó OGC có khối lượng khớp lệnh lớn nhất đạt 9,42 triệu đơn vị; tiếp đó HAI khớp 8,95 triệu đơn vị, FLC và HQC cùng khớp 6,5 triệu đơn vị…

Trên sàn HNX, KLF cũng đã đảo chiều giảm, thậm chí có thời điểm giảm sàn. Hiện KLF giảm 7,5% xuống mức giá 3.700 đồng/CP với khối lượng khớp hơn 7,6 triệu đơn vị, tiếp tục giữ vị trí dẫn đầu thanh khoản trên sàn.

Đứng ở vị trí thứ 2, SHB có khối lượng khớp lệnh hơn 5 triệu đơn vị. Còn lại các mã VCG, KHB, NVB, APS, CEO, VIX cùng chuyển nhượng thành công hơn 1 triệu đơn vị.

Trái với 2 sàn chính, sàn UPCoM vẫn chưa thoát khỏi sắc đỏ bởi lực bán vẫn tăng mạnh và tập trung vào nhóm cổ phiếu lớn.

Chốt phiên, UPCoM-Index giảm 0,24 điểm (-0,43%) xuống 54,79 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 3,54 triệu đơn vị, giá trị 39,03 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận đạt 1,82 triệu đơn vị, giá trị 67,2 tỷ đồng, trong đó HHA giao dịch thỏa thuận 1,62 triệu đơn vị, giá trị 61,95 tỷ đồng.

Cổ phiếu TOP tiếp tục dẫn đầu thanh khoản trên sàn UPCoM với 1,1 triệu đơn vị được chuyển nhượng thành công, tuy nhiên cổ phiếu này đã đảo chiều giảm điểm sau 6 phiên tăng liên tiếp, với mức giảm 4%.

Ở nhóm cổ phiếu lớn, trong khi GEX và VIB đã lấy lại mốc tham chiếu thì nhiều mã khác vẫn giao dịch trong sắc đỏ như LTG giảm 1,65%, HVN giảm 0,4%, VOC giảm 0,87%, MCH giảm 1,58%...

Nguồn: tinnhanhchungkhoan.vn