Phiên giao dịch cuối tháng 2 đã diễn ra khá tiêu cực, đặc biệt trong phiên chiều khi áp lực bán gia tăng mạnh và lan rộng khiến thị trường giảm sâu, chỉ số VN-Index lao dốc về thẳng mốc 710 điểm, ghi nhận phiên giảm mạnh nhất kể từ đầu năm đến nay.

Theo thống kê chuỗi tăng mạnh từ đầu năm 2017 vừa qua, nhóm cổ phiếu tăng giá chiếm 90% là nhóm thị trường, trong khi những cổ phiếu cơ bản chỉ duy trì mức tăng khiêm tốn. Trong phiên hôm qua (28/2) cũng không ngoại trừ khi ở nhóm cổ phiếu lớn, chỉ có duy nhất ROS tăng giá, còn VNM, GAS, VIC, VCB… đều chịu áp lực chốt lời và quay đầu giảm.

Với diễn biến trên, một số công ty chứng khoán và chuyên gia phân tích đã dự báo dòng tiền sẽ sớm chuyển hướng sang nhóm cổ phiếu cơ bản và kỳ vọng thị trường còn nhiều cơ hội tăng trưởng trong trung và dài hạn.

Bước vào phiên giao dịch sáng 1/3, tâm lý nhà đầu tư thận trọng sau phiên lao dốc mạnh khiến dòng tiền tham gia vào thị trường giảm mạnh, trong khi đó, áp lực bán vẫn khá lớn và tập trung vào nhóm cổ phiếu bluechip khiến VN-Index mở cửa trong sắc đỏ.

Sang đợt khớp lệnh liên tục, các cổ phiếu bluechip vẫn chưa thấy tín hiệu hồi phục trước sức ép từ lượng cung khá lớn nhưng sự hỗ trợ từ một số mã có vốn hóa lớn như ROS, SAB, NVL, BHN và thành viên mới VJC đã giúp thị trường đảo chiều tăng nhẹ.

Đáng chú ý, nhân tố mới của thị trường - VJC tiếp tục có phiên tăng trần thứ 2 với lượng dư mua bán trần hàng triệu đơn vị. Tuy nhiên, giao dịch của VJC đã có phần sôi động hơn so với phiên hôm qua.

Sau hơn 40 phút giao dịch, VJC đã chuyển nhượng thành công 97.100 đơn vị và dư mua trần hơn 2,2 triệu đơn vị; khối ngoại mua vào 261.360 đơn vị và bán ra 191.570 đơn vị.

Trong khi phiên tăng trần hôm qua của VJC chưa được tính vào VN-Index, thì phiên tăng trần hôm nay của mã này đã giúp sức giúp VN-Index có được sắc xanh, dù số mã giảm đang chiếm thế áp đảo so với số mã tăng.

Bên cạnh đó, ROS tiếp tục duy trì đà tăng kể từ đầu năm. Trong  2 tháng rưỡi qua (kể từ ngày 14/12/2016 đến 28/2/2017), cổ phiếu ROS đã tăng 47,72% từ mức giá 100.800 đồng/CP lên mức 148.900 đồng/CP, lọt vào top 10 cổ phiếu có vốn hóa lớn nhất thị trường.

Tại phiên sáng nay, ROS vẫn từng bước nhích, tiếp tục đóng vai trò lực đỡ cho thị trường. Hiện ROS đang tăng 0,2%, tạm đứng tại mức giá 149.200 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh đạt 1,53 triệu đơn vị.

Trong khi các cổ phiếu bluechip tiếp tục đóng vai trò là lực hãm chính của thị trường thì dòng tiền đầu cơ vẫn chảy mạnh giúp các mã này duy trì đà tăng cả về giá và thanh khoản như FLC, HQC, HAG, HKB…

Mặc dù “ông lớn” VNM đã đảo chiều thành công nhưng không tìm thấy tiếng nói chung với các mã bluechip khác khiến đà tăng thị trường. Cộng thêm đó, áp lực bán vẫn không ngừng gia tăng và lan rộng khiến sắc đỏ ngập tràn bảng điện tử, chỉ số VN-Index tiếp tục bị đẩy lùi về dưới mốc tham chiếu và xuyên thủng ngưỡng 710 điểm.

Được đánh giá là ngưỡng hỗ trợ khá tốt, ngay khi rơi xuống dưới mốc 710 điểm, lực cầu bắt đáy trở lại giúp thị trường hồi nhẹ, tuy nhiên, áp lực bán thường trực khiến VN-Index chưa thể lấy lại mốc tham chiếu.

Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 102 mã tăng và 165 mã giảm, chỉ số VN-Index giảm 0,18 điểm (-0,03%) tạm đứng tại mức 710,61 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 118 triệu đơn vị, giá trị 1.899,48 tỷ đồng, trong đó, giao dịch thỏa thuận đạt gần 3,4 triệu đơn vị, giá trị hơn 119 tỷ đồng.

Trên sàn HNX, dù cũng có thời điểm le lói sắc xanh nhưng gánh nặng từ các cổ phiếu bluechip đã lan tỏa toàn thị trường khiến HNX-Index không thoát khỏi phiên giảm điểm. Với 53 mã tăng và 89 mã giảm, chỉ số HNX-Index giảm 0,61 điểm (-0,7%) xuống 86,22 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 30,39 triệu đơn vị, giá trị 263,91 tỷ đồng.

Trong nhóm cổ phiếu ngân hàng, trong khi VCB đã đảo chiều thành công và nhích nhẹ 1 bước giá, thì các mã khác trong nhóm vẫn giảm như BID giảm 0,91%, CTG giảm 1,1%, MBB giảm 0,71%, STB giảm hơn 3%. Trên sàn HNX, cổ phiếu ACB đóng vai trò là lực hãm chính khi giảm 2,18% xuống mức 22.400 đồng/CP.

Bên cạnh đó, nhóm cổ phiếu dầu khí cũng tác động mạnh tới thị trường, điển hình GAS giảm 1,33%; trên sàn HNX có PVS, PGS, PLC, PVI cũng đều giảm điểm.

Nhóm cổ phiếu chứng khoán cũng đồng loạt giảm như HCM, SSI, SGR trên sàn HOSE, hay trên sàn HNX có BVS, VND, APS, APG, ORS, SHS, VIX.

Đáng chú ý, nhiều mã thị trường sau chuỗi tăng ấn tượng đã điều chỉnh trở lại. Điển hình FLC sau 9 phiên tăng liên tiếp đã điều chỉnh giảm gần 0,5%, chốt phiên sáng nay tại mức giá 8.130 đồng/CP và khối lượng khớp lệnh thành công dẫn đầu thị trường, đạt 26,48 triệu đơn vị.

Cổ phiếu FIT cũng chấm dứt chuỗi 7 phiên tăng mạnh liên tiếp và quay đầu giảm 3,1%, chốt phiên tại mức giá 5.270 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh đạt 7,66 triệu đơn vị.

Ngoài ra, các mã khác như HAG, DXG, ITA, OGC, SCR… cũng đều đứng dưới mốc giá tham chiếu.

Tương tự, trên sàn HNX, cổ phiếu đầu cơ KLF giảm 3,3% xuống mức giá 2.900 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh thành công đạt 5,18 triệu đơn vị.

Tại sàn UPCoM

Sắc xanh chỉ cầm cự trong khoảng 1 giờ giao dịch thì áp lực bán gia tăng cũng khiến UPCoM quay đầu và chốt phiên tại sắc đỏ, như 2 sàn niêm yết.

Chốt phiên, UPCoM-Index giảm 0,28 điểm (-0,5%) xuống 56,4 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 2,58 triệu đơn vị, giá trị 39,13 tỷ đồng.

Sau phiên tăng trần vào đầu tuần, HVN đã trở lại trạng thái giảm sâu. Chốt phiên sáng nay, HVN giảm 1.600 đồng (-4,4%) xuống mức 34.700 đồng/CP với khối lượng giao dịch đạt 1,47 triệu đơn vị.

Trái lại, cặp đôi MCH và MSR giao dịch khá tích cực, trong đó, MCH tăng 1% và giao dịch 7.200 đơn vị; còn MSR tăng 6,2% và khối lượng giao dịch đạt 360.400 đơn vị.

Nguồn: tinnhanhchungkhoan.vn