Thị trường đã có đợt tăng mạnh và điều chỉnh nhẹ trong phiên hôm qua (12/1). Trong đó, nhóm cổ phiếu bluechip vẫn là những nhân tố tác động mạnh tới thị trường.

Trong những phiên gần đây, nhóm ngân hàng có diễn biến khá trùng với xu hướng điều chỉnh của các chỉ số. Ở phiên hôm qua, áp lực chốt lời ở các mã bank khiến các cổ phiếu này đua nhau giảm điểm, đẩy VN-Index có thời điểm xuống ngưỡng 685 điểm.

Điểm đáng chú ý trong phiên 12/1 là mặc dù Vn-Index giảm điểm nhẹ nhưng thanh khoản cũng ở mức thấp và diễn biến thị trường có phần tích cực hơn ở phiên ATC, khiến giới đầu tư vẫn kỳ vọng vào nhịp tăng của các chỉ số.

Bước vào phiên giao dịch sáng cuối tuần (13/1), diễn biến không mấy tích cực từ các cổ phiếu bluechip khiến thị trường tiếp tục mở cửa trong sắc đỏ. Tuy nhiên, mốc 685 điểm vẫn được xem là ngưỡng an toàn của thị trường.

Ngay khi Vn-Index lùi về sát mốc 685 điểm, “đứa con tinh thần” – một số cổ phiếu bank đã bật tăng giúp thị trường dần thu hẹp đà giảm điểm và đảo chiều thành công sau hơn 50 phút giao dịch.

Trong đó, VCB đã đảo chiều tăng với biên độ 0,9% lên mức giá 38.250 đồng/CP và chuyển nhượng thành công 272.430 đơn vị; BID cũng le lói sắc xanh nhưng nhanh chóng quay lại mốc tham chiếu; CTG cũng lình xình quanh mốc tham chiếu.

Các mã lớn khác như BVH, VIC, ROS, SAB vẫn duy trì đà tăng, là điểm tựa chính giúp thị trường có động lực khởi sắc.

Mặc dù dầu thô đã có phiên tăng thứ 2 liên tiếp nhưng dường như các cổ phiếu họ P đã khá “độc lập” và vẫn duy trì diễn biến đi ngang. Cổ phiếu lớn GAS tiếp tục đứng ở dưới mốc tham chiếu với mức giảm nhẹ; các mã khác trên sàn HNX như PVC, PVB, PVS… cũng giao dịch nhẹ quanh mốc tham chiếu.

Dòng tiền tham gia khá hạn chế, thị trường đã đi được hơn 1/3 quãng đường trong phiên sáng nhưng vẫn chưa có cổ phiếu nào khớp lệnh thành công 1 triệu đơn vị. Chính do lực cầu suy yếu khiến thị trường thiếu động lực để bứt phá. Chỉ số VN-Index vẫn loay hoay tìm bước tiến tới đỉnh 690.

HAG sau cú lội ngược dòng về cuối phiên chiều qua đã nhanh chóng quay lại sắc đỏ quen thuộc với giao dịch giảm mạnh. Hiện HAG giảm 1,5%, đứng tại mức giá 5.130 đồng/CP và khớp 0,86 triệu đơn vị.

Thị trường không có thêm biến lớn trong nửa cuối phiên sáng. Diễn biến không mấy tích cực từ các mã bluechip khi duy trì trạng thái phân hóa nhẹ khiến VN-Index thiếu điểm tựa vững chắc để bứt phá. Cùng với đó là dòng tiền đổ vào thị trường suy giảm mạnh khiến VN-Index không ổn định và có những nhịp rung lắc nhẹ quanh mốc tham chiếu trước khi đóng cửa trong sắc xanh.

Chốt phiên giao dịch sáng cuối tuần, VN-Index tăng nhẹ 0,56 điểm (+0,08%) lên 687,52 điểm. Trong đó, nhóm VN30 có 11 mã tăng, 17 mã giảm và 2 mã đứng giá, chỉ số VN30-Index tăng 0,41 điểm (+0,06%), chốt phiên tại mốc 642,66 điểm.

Thanh khoản sụt giảm mạnh với tổng khối lượn giao dịch đạt 46,9 triệu đơn vị, tương ứng tổng giá giao dịch đạt 973,28 tỷ đồng. Trong đó, giao dich thỏa thuận 4,35 triệu đơn vị, giá trị 76,29 tỷ đồng.

Trong khi đó, HNX-Index tăng 0,17 điểm (+0,21%) lên 83,46 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 14 triệu đơn vị, giá trị tương ứng đạt 140,15 tỷ đồng. HNX30-Index giảm nhẹ 0,1 điểm (-0,07%) xuống 150,47 điểm với 7 mã tăng, 13 mã giảm và 8 mã đứng giá.

Với gần 700 mã niêm yết trên 2 sàn, không có mã nào chuyển nhượng thành công 2 triệu đơn vị. Trong đó, BID là cổ phiếu dẫn đầu thanh khoản thị trường khi đạt 1,98 triệu đơn vị.

Trên sàn HNX cũng giống các phiên sáng trước đó, cũng chỉ có duy nhất 1 mã có khối lượng khớp lệnh hơn 1 triệu đơn vị, đó là NHP với lượng khớp đạt 1,18 triệu đơn vị.

Những tưởng cổ phiếu ngân hàng sẽ có cú đảo chiều tích cực nhưng đà giảm nhanh chóng quay trở lại. Trong khi BID, CTG, MBB, STB cùng chốt phiên dưới mốc tham chiếu thì VCB cũng thu hẹp đà tăng điểm chỉ nhích nhẹ 5 đồng lên mức giá 37.950 đồng/CP.

Ở các trụ cột chính của thị trường, trong khi VIC vẫn duy trì đà tăng nhẹ, GAS tiếp tục giảm điểm thì cặp đôi VNM và MSN đã lấy lại mốc tham chiếu.

Ở các trụ cột chính của thị trường, trong khi VIC vẫn duy trì đà tăng nhẹ, GAS tiếp tục giảm điểm thì cặp đôi VNM và MSN đã lấy lại mốc tham chiếu.

Trong khi hầu hết các mã bluechip đang diễn biến trong biên độ hẹp thì KDC lại tỏa sáng. Cùng với dòng tiền nghỉ ngơi sắm tết thì KDC – một trong những doanh nghiệp thường có nguồn cung lớn cho thị trường những dịp Tết đến Xuân sang, sẽ có có khoản thu tăng đột biến.

Với kỳ vọng như những năm trước đây, lực cầu đã hấp thụ khá mạnh giúp cổ phiếu KDC khởi sắc. Với mức tăng 4,7%, KDC chốt phiên tại mức 37.700 đồng/CP và khối lượng khớp lệnh tăng mạnh đạt 442.360 đơn vị.

“Tân binh” mới của FPT là FTS đã có màn chào sàn khá thất bại khi giảm hết biên độ. Chốt phiên, FTS giảm 3.600 đồng (-20%) xuống mức giá sàn 14.400 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh đạt 163.700 đơn vị và dư bán sàn 177.530 đơn vị.

Tại sàn UPCoM

Dù mở cửa khá giống 2 sàn niêm yết với sắc xanh hy vọng, nhưng sàn UPCoM đã nhanh chóng quay đầu giảm điểm trước áp lực bán ra. Chốt phiên, UPCoM-Index giảm 0,6 điểm (-1,1%) xuống mức 54,39 điểm với tổng khối lượng giao dịch chỉ đạt 1,53 triệu đơn vị, giá trị gần 26 tỷ đồng.

HVN tiếp tục ghi nhận phiên giảm điểm với mức giảm 1,9%, chốt phiên tại mốc 42.200 đồng/CP và khớp lệnh thành công 99.800 đơn vị. Trái lại, sau 2 phiên giảm liên tiếp, TVB đã quay trở lại xu hướng tăng điểm với mức tăng 2,4%, chốt phiên tại mốc 21.000 đồng/CP.

Bên cạnh đó, bộ đôi họ Masan là MCH và MSR đều chốt phiên trên mốc tham chiếu. Đáng chú ý, sau phiên tăng đầu tiên kể từ ngày chào sàn trong ngày 12/1, MCH đã hạ nhiệt khi chỉ còn tăng 0,7% và chốt phiên tại mốc 83.100 đồng/CP với lượng khớp lệnh chỉ đạt 5.300 đơn vị.

Cũng là công ty thành viên của FPT nhưng FOX đã có ngày chào sàn UPCoM ấn tượng, trái ngược với người anh em FTS ở sàn HOSE. Cụ thể, FOX đã tăng 21.600 đồng (+40%) lên mức giá trần 75.600 đồng/CP nhưng khối lượng khớp lệnh thành công chỉ đạt 600 đơn vị.

Nguồn: tinnhanhchungkhoan.vn