Sau chuỗi 32 phiên giảm sàn kỷ lục, mất gần 92% giá trị, từ mức 37.200 đồng, xuống còn 3.090 đồng/cổ phiếu (phiên 23/1/2017), cổ phiếu CDO đã có chuỗi 9 phiên tăng trần liên tiếp kể từ 23/1 với mức tăng 82,2%, lên 5.630 đồng trong phiên cuối tuần trước (10/2).

Trong phiên giao dịch sáng nay, CDO tiếp tục lên mức giá trần 6.020 đồng khi mở cửa và nhiều người nghĩ sẽ có phiên tăng trần thứ 10 liên tiếp của mã này. Tuy nhiên, với mức tăng gần 95% từ mức đáy, áp lực chốt lời đã diễn ra mạnh mẽ trong phiên sáng nay, kéo CDO thoái lui, thậm chí có lúc đã quay đầu giảm 6,75%, về 5.250 đồng, sát mức giá sàn 5.240 đồng. Dù vậy, lực cầu đỡ giá tại CDO sau đó chảy mạnh, giúp mã này trở lại đà tăng, hiện đang giao dịch ở mức 5.950 đồng, tăng 5,68% với 3,2 triệu đơn vị được khớp.

Tương tự, cổ phiếu ATG của CTCP An Tường An sau 7 phiên tăng trần liên tiếp, với mức tăng 57,5%, cổ phiếu này tiếp tục lên mức trần 2.690 đồng khi mở cửa phiên sáng nay, nhưng cũng như CDO, áp lực chốt lời đã diễn ra, đẩy ATG thoái lùi. Tuy nhiên, không may mắn như CDO, ATG hiện chỉ giao dịch quanh tham chiếu, chưa thể hồi phục trở lại. Tổng khối lượng giao dịch tính tới thời điểm hiện nay đạt hơn 1,33 triệu đơn vị.

Áp lực chốt lời diễn ra tại CDO và ATG là điều dễ hiểu, bởi các mã này đã có chuỗi hồi phục ấn tượng và những nhà đầu tư mua vào mức đáy và kiên nhẫn nắm giữ đã có khoản lợi nhuận rất lớn.

Tuy nhiên, về cuối phiên, CDO lại nhận lực cầu lớn để tiếp tục duy trì đà tăng trần thứ 10 liên tiếp, lên 4,16 triệu đơn vị được khớp và còn dư mua trần gần 300.000 đơn vị. Tương tự, ATG cũng được kéo tăng trở lại khi đóng cửa ở mức 2.600 đồng, tăng 3,17% với 2,15 triệu đơn vị được khớp.

Ngoài ra, sắc tím vẫn duy trì tại UDC, SGT, POM, cùng một số mã khác như VNH, TAC, CIG, APG, AGR, SC5.

Về diễn biến chung của thị trường, trong phiên sáng nay, dòng tiền vẫn tiếp tục chảy mạnh và sắc xanh chiếm thế áp đảo, giúp VN-Index duy trì đà tăng, vượt qua ngưỡng 705 điểm. Trong nhóm bluechip, nhóm ngân hàng đảo chiều giảm nhẹ, cùng với đó là VNM, VIC, MSN cũng đang có mức giảm nhẹ, gây chút khó khăn, nhưng thị trường lại được sự hỗ trợ lớn từ dầu khí, sắt thép, bia, bảo hiểm và một vài mã bluechip đơn lẻ khác, nên đà tăng vẫn đang duy trì tốt.

Tuy nhiên, về cuối phiên, dù dòng tiền vẫn chảy mạnh và sắc xanh vẫn chiếm thế áp đảo, nhưng việc BHN quay đầu giảm 1,88%, xuống mức thấp nhất phiên 115.100 đồng, MSN và nhóm ngân hàng cũng nới rộng đà giảm khiến VN-Index không thể giữ được ngưỡng 705 điểm.

Chốt phiên sáng, VN-Index tăng 1,17 điểm (+0,17%), lên 704,95 điểm với 139 mã tăng, trong khi chỉ có 89 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 92,67 triệu đơn vị, giá trị 1.582,77 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp không đáng kể, chỉ chưa tới 1 triệu đơn vị, giá trị hơn 47 tỷ đồng.

Nhóm dầu khí cũng chỉ còn tăng nhẹ với GAS tăng 0,34%, lên 39.200 đồng, PVD tăng tốt hơn nhiều, với mức tăng 3,76%, lên 22.100 đồng, tổng khối lượng khớp hơn 2,55 triệu đơn vị.

Nhóm sắt thép duy trì đà tăng tốt với POM giữ mức trần 12.600 đồng, HPG tăng hơn 1%, lên 44.800 đồng với 1,63 triệu đơn vị được khớp, HSG tăng 1,79%, lên 51.100 đồng, SMC tăng 0,75%, lên 27.000 đồng, TLH tăng 2,33%, lên 15.350 đồng, DTA cũng tăng nhẹ 1 bước giá, dù có lúc đã leo lên mức trần 2.980 đồng.

Cố phiếu có thanh khoản nhất trên HOSE sáng nay là FLC với 13,22 triệu đơn vị được khớp, chốt phiên tăng 6,08%, lên 5.930 đồng.

Ngoài FLC, nhóm bất động sản, xây dựng sáng nay cũng tăng tốt, ngoại trừ VIC đứng ở tham chiếu, còn các mã khác như NVL, DXG, NBB, NTL, HDG, ITC, TDH, NVT, NLG, HBC, DIG, VPH, KDH, CTD, THG, BCI, D2D…

Trên HNX, tương tự với CDO và ATG, mã tăng mạnh nhất tuần qua là HKB với mức tăng gần 37%, cũng bị chốt lời trong phiên sáng nay. Tuy nhiên, không may mắn như CDO và ATG, lực cầu tại HKB và NHP không mạnh, khiến HKB giảm về mức sàn 2.400 đồng với 1,63 triệu đơn vị được khớp, NHP cũng giảm 5,7%, về 3.300 đồng, mức thấp nhất phiên. Trong khi KLF lại hồi phục và chốt phiên ở mức cao nhất phiên 2.600 đồng, tăng 4% với gần 2 triệu đơn vị được khớp.

Trong các mã lớn, dù HNX-Index nhận được sự hỗ trợ của nhóm dầu khí với sắc xanh tại PVS (+3,26% với 1,74 triệu đơn vị được khớp), PVC (+4,76%), PVB (+7,84%), cũng như VCG (+3,29% với hơn 1,88 triệu đơn vị được khớp) và VCS (+1,44%), nhưng với việc ACB giảm 2,51%, xuống mức thấp nhất phiên 23.300 đồng, HNX-Index đã đánh mất đà tăng đáng tiếc trong ít phút cuối phiên.

Cụ thể, chốt phiên sáng, HNX-Index giảm 0,08 điểm (-0,09%), xuống 85,96 điểm với 72 mã tăng và 73 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch khớp lệnh đạt 24 triệu đơn vị, giá trị 243,39 tỷ đồng.

Tương tự HNX, chỉ số UPCoM-Index cũng không thể duy trì được sắc xanh khi lực đỡ từ nhóm hàng không (HVN, ACV, SAS, NAS, NCT), cũng một số mã lớn khác như GEX, TIS, FOX, VGG không thể đối trọng lại được với đà giảm tại MSR, MCH, VIB, VOC, VGT.

Cụ thể, HVN tăng 4,56%, ACV tăng 0,79%, NTC tăng 2,64%, GEX tăng 3,02%... Trong khi MCH giảm 2,1%, MSR giảm 0,73%, VIB giảm 2,38%...

Chốt phiên sáng, UPCoM-Index giảm 0,21 điểm (-0,38%), xuống 54,76 điểm với 32 mã tăng và 24 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 2,5 triệu đơn vị, giá trị 40 tỷ đồng.

Trong số các mã đáng chú ý, SGR tiếp tục duy trì đà tăng trần, lên ngưỡng 65.300 đồng. Trong tuần giao dịch trước, SGR của Công ty cổ phần Địa ốc Sài Gòn có mức tăng tới 79,5%, từ 31.700 đồng, lên 56.900 đồng.

Tương tự, SDJ sau khi tăng 63% trong tuần trước, tiếp tục duy trì đà tăng trần, lên 8.900 đồng trong phiên sáng nay.

Nguồn: tinnhanhchungkhoan.vn