Sau thông tin về doanh thu dự kiến từ mảng mủ cao su, bò thịt và chanh dây trong năm 2017 lên tới hơn 4.500 tỷ đồng được đưa ra trong báo cáo thường niên, HNG đã tăng vọt lên mức trần trong phiên sáng nay. Trong khi đó, dù có lúc gặp rung lắc, nhưng VN-Index giữ vững đà tăng và hướng tới chinh phục mốc 760 điểm.
Trong phiên hôm qua (13/6), dù có chút ngập ngừng trong phiên sáng nhưng với sự hỗ trợ của nhiều mã lớn, đặc biệt là ROS, đã giúp thị trường hồi phục. Đây chính là bàn đạp cho thị trường khi bước vào phiên giao dịch chiều.
Dòng tiền sôi động nhập cuộc với tâm điểm là các cổ phiếu trong nhóm ngân hàng, dầu khí đã dẫn dắt thị trường bật cao trong phiên chiều. VN-Index tăng gần 6 điểm và lập đỉnh mới khi đóng cửa ở mức 756 điểm.
Thông tin về khả năng Dự thảo Nghị quyết về xử lý nợ xấu sẽ được Quốc hội thông qua sẽ là thông tin quan trọng khiến dòng bank tiếp tục bứt phá.
Tuy vậy, vẫn có một số công ty chứng khoán lo ngại về khả năng điều chỉnh của thị trường do tâm lý nhà đầu tư thận trọng trước diễn biến vượt đỉnh của chỉ số.
Theo MSI, trong phiên 14/6, VN-Index sẽ tiếp tục tăng điểm vào đầu phiên và có thể sẽ gặp áp lực bán chốt lời vào cuối phiên.
Bước vào phiên giao dịch sáng 14/6, hầu hết các mã trong nhóm bluechip đều tăng điểm, trong đó cổ phiếu họ bank vẫn là điểm tựa chính giúp thị trường tiếp tục đi lên.
Tuy nhiên, ngay khi tiệm cận ngưỡng 760 điểm, lực bán dần xuất hiện khiến đà tăng thu hẹp, VN-Index lùi về sát mốc tham chiếu khi sang đợt khớp lệnh liên tục.
Dù sắc xanh vẫn chiếm áp đảo trong nhóm VN30 khi có tới 23 mã tăng/5 mã giảm, nhưng biên độ tăng khá hẹp chỉ trên dưới 500 đồng/CP.
Trong khi đó, ROS sau 2 phiên “thăng hoa” nhờ thông tin liên tiếp được các quỹ ETFs thêm mới vào rổ danh mục trong kỳ cơ cấu quý II/2017, đã quay đầu lao dốc trước áp lực bán gia tăng mạnh.
Sau khoảng 40 phút giao dịch, ROS giảm 7% xuống giá sàn 112.100 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh đạt 1,35 triệu đơn vị và dư bán sàn 122.560 đơn vị, đóng vai trò là lực hãm chính của thị trường.
Việc bổ nhiệm Phó tổng giám đốc của FLC Faros giữ chức vụ Tổng giám đốc của AMD cũng không cải thiện được tình trạng tại AMD. Hiện AMD giảm sàn 6,8%, xuống mức 16.450 đồng/CP và đã chuyển nhượng 3,28 triệu đơn vị, dư bán sàn hơn 0,47 triệu đơn vị.
Trên sàn HNX, mặc dù mở cửa trong sắc đỏ nhưng sự hồi phục của một số mã lớn, đặc biệt là ACB đã giúp chỉ số sàn đảo chiều tăng điểm. Tuy nhiên, dòng tiền thận trọng khiến biên độ tăng không mấy bền vững, HNX-Index chỉ tăng nhẹ trên mốc tham chiếu.
Áp lực điều chỉnh từ các mã lớn như ROS, PLX, VJC, NVL… khiến thị trường quay đầu đi xuống. Tuy nhiên, ngay khi lùi nhẹ dưới mốc tham chiếu, lực cầu hấp thụ gia tăng mạnh đã giúp thị trường bật lên. Dòng tiền chưa đủ mạnh, thị trường thiếu thông tin hỗ trợ tích cực tiếp sức để bứt qua khỏi vùng khó. VN-Index đi ngang dưới mốc 760 điểm trong suốt nửa cuối phiên sáng.
Chốt phiên sáng, sàn HOSE khá cân bằng với 120 mã tăng/112 mã giảm, VN-Index tăng 2 điểm (+0,26%) lên 758,89 điểm. Thanh khoản duy trì tích cực với tổng khối lượng giao dịch đạt 120,31 triệu đơn vị, giá trị 2.408,77 tỷ đồng.
Trong đó, giao dịch thỏa thuận đạt hơn 18 triệu đơn vị, giá trị 373,62 tỷ đồng. Đáng kể, KBC thỏa thuận 10,53 triệu đơn vị, giá trị 166,54 tỷ đồng.
Ngoại trừ VIC quay về mốc tham chiếu, các trụ cột như VNM, GAS, MSN đang tăng khá tốt, cụ thể, VNM đảo chiều sau 2 phiên giảm liên tiếp với mức tăng 0,7%; GAS tăng 1,1%; MSN tăng 0,9%.
Bên cạnh đó, nhóm cổ phiếu vua tiếp tục dẫn nhịp tăng khá tốt nhờ dòng tiền chảy mạnh. Chốt phiên, BID tăng 1,28% và khớp 4,54 triệu đơn vị; CTG tăng hơn 2% và khớp 1,88 triệu đơn vị; VCB tăng 1,04% và khớp 1,1 triệu đơn vị; STB tăng 0,72% và khớp 2,46 triệu đơn vị; MBB tăng 2,26% và khớp hơn 1,95 triệu đơn vị.
Mặt khác, ROS sau cú “rơi mạnh” đầu phiên đã thu hẹp đà giảm nhờ lực cầu nội và ngoại gia tăng. Hiện ROS giảm 6,64% xuống mức 112.500 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh 2,71 triệu đơn vị, khối ngoại mua ròng 179.230 đơn vị.
“Người anh em” AMD vẫn xanh mắt mèo, ghi nhận phiên giảm sàn thứ 5 liên tiếp. Hiện AMD giảm 6,8% xuống mức 16.450 đồng/CP và khớp hơn 6,6 triệu đơn vị, dư bán sàn 923.740 đơn vị.
Tâm điểm đáng chú ý là cặp đôi HNG và HAG. Lực cầu gia tăng giúp bộ đôi này cùng bứt phá mạnh về giá cùng thanh khoản cải thiện.
Trong đó, sau báo cáo thường niên 2016 với doanh thu dự kiến trong năm 2017 đối với mủ cao su, bò thịt và trái cây đạt hơn 4.500 tỷ đồng; HNG đã “hấp dẫn” nhà đầu tư trong phiên sáng nay.
Chốt phiên, HNG tăng 6,9% lên mức giá trần 10.100 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh lớn nhất sàn HOSE, đạt 9,56 triệu đơn vị và dư mua trần 1,29 triệu đơn vị.
Còn HAG không giữ được sắc tím nhưng vẫn tăng mạnh, với mức tăng 6,3% và chốt phiên tại 9.090 đồng/CP. Cổ phiếu HAG cũng có giao dịch tích cực khi đứng thứ 2 về thanh khoản, chỉ sau HNG, với lượng khớp 7,37 triệu đơn vị.
Trên sàn HNX, đà tăng cũng ổn định trong nửa cuối phiên. Chốt phiên, HNX-Index tăng 0,37 điểm (+0,38%) lên 97,68 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 27 triệu đơn vị, giá trị 309,47 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận không đáng kể, chưa đạt 1 tỷ đồng.
Diễn biến cặp đôi cổ phiếu ACB-SHB không được tích cực như các mã cùng nhóm trên sàn HOSE. Trong khi SHB vẫn giữ mốc tham chiếu 7.200 đồng/CP và khớp hơn 3 triệu đơn vị, thì ACB nhích nhẹ 0,38% và khớp 1,17 triệu đơn vị.
Đáng chú ý, nhóm cổ phiếu chứng khoán vẫn tăng khá tốt như SHS tăng 3,8%, APG tăng 2,1%, CTS tăng 3,6%, VND và BVS cùng tăng 0,5%...
Bên cạnh đó, cổ phiếu lớn nhóm bất động sản VCG sau 2 phiên đứng giá tham chiếu đã khởi sắc trong phiên sáng nay. Dù có thời điểm bị “đạp” xuống sàn nhưng lực cầu hấp thụ mạnh đã giúp VCG đảo chiều ngoạn mục trong phiên sáng. Chốt phiên, VCG tăng 2,7% lên mức 19.100 đồng/CP với khối lượng khớp hơn 3,2 triệu đơn vị.
Trái với 2 sàn chính, diễn biến trên sàn UPCoM tiếp tục ảm đảm.
Chốt phiên, UPCoM-Index giảm 0,18 điểm (-0,32%), tạm đứng ở mức 56,64 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 3,37 triệu đơn vị, giá trị 45,64 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận đạt 6,25 triệu đơn vị, giá trị hơn 102,9 tỷ đồng. Riêng SGS thỏa thuận 5,29 triệu đơn vị, giá trị 67,71 tỷ đồng.
Cổ phiếu lớn HVN sau 3 phiên giảm liên tiếp đã hồi phục nhẹ trong phiên sáng nay với mức tăng 0,4% lên 26.900 đồng/CP và khối lượng giao dịch đạt 94.700 đơn vị.
Trong khi đó, DVN cũng đã đảo chiều tăng khá tốt sau 6 phiên giảm liên tiếp. Hiện DVN tăng 6,1% lên mức 22.500 đồng/CP với khối lượng giao dịch lớn nhất sàn UPCoM, đạt 519.000 đơn vị.
Trái lại, MSR, VIB, FOX, VOC, VGT đều đứng dưới mốc tham chiếu, đóng vai trò là lực hãm thị trường.
Nguồn: tinnhanhchungkhoan.vn