Sau nhịp giảm nhẹ đầu phiên, thị trường đã lấy lại sắc xanh trong phiên sáng nay với số mã tăng chiếm ưu thế. Trong khi đó, nhóm cổ phiếu thị trường tăng nóng thời gian qua tiếp tục bị xả mạnh, đặc biệt nhiều nhà đầu tư đang mắc kẹt tại HAI khi lệnh dư bán gần 20 triệu đơn vị nhưng không ai mua, nên phải hủy lệnh.

Sau phiên lao dốc hôm thứ Tư tuần trước, thị trường đã lấy lại sự cân bằng trong 2 phiên cuối tuần. Tuy nhiên, sự thận trọng của nhà đầu tư sau phiên hoảng loạn trước đó khiến thị trường chưa thể hồi phục trở lại. Trong tuần trước, ngoài phiên tăng điểm đầu tuần, thị trường đã có 4 phiên giảm liên tiếp và ghi nhận tuần giảm mạnh nhất kể từ đầu năm khi mất hơn 2% giá trị.

Bước vào tuần giao dịch mới, thị trường không đón nhận thông tin mới nào đủ mạnh tác động ngoài thời gian nghỉ 2 ngày cuối tuần, cùng các phân tích đánh giá về phiên giảm mạnh hôm thứ Tư giúp tâm lý nhà đầu tư được giải tỏa phần nào.

Đó là lý do giúp thị trường hồi phục trở lại trong phiên sáng nay, dù VN-Index mở cửa còn vương chút sắc đỏ.

Sau khi VN-Index vượt qua ngưỡng 774 điểm, lực cung có gia tăng đôi chút ở một số mã lớn như VNM, NVL và sau đó xuất hiện thêm GAS, SAB, trong khi lực cầu vẫn tỏ ra rất thận trọng, khiến chỉ số này đảo chiều lùi về tham chiếu, trước khi bật trở lại vào nửa cuối phiên và có được sắc xanh khi chốt phiên sáng nhờ sự hỗ trợ đắc lực của nhóm cổ phiếu ngân hàng, dầu khí và một số mã lớn khác như FPT, MWG, BVH, MSN, DPM, HPG, ROS…

Chốt phiên sáng, VN-Index tăng nhẹ 1,82 điểm (+0,24%), lên 773,9 điểm với 153 mã tăng và 94 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 93 triệu đơn vị, giá trị 1.629,45 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 9,3 triệu đơn vị, giá trị 182,4 tỷ đồng.

Nhóm ngân hàng sáng nay đồng loạt có sắc xanh, nhưng đà tăng không mạnh. Trong khi đó, nhóm dầu khí lại có sự phân hóa, lúc nửa đầu phiên, GAS và PLX có sắc xanh, còn PVD giảm giá, nhưng chốt phiên, PLX và PVD có sắc xanh, GAS quay đầu giảm nhẹ.

SAB cũng không duy trì được sắc xanh khi chốt phiên sáng nay, cùng với đó là đà giảm tại VNM, NVL, KDC gây khó khăn cho thị trường. Trong đó, VNM giảm 1,19%, NVL giảm 3,17%, KDC giảm 0,93%.

Tuy nhiên, điểm đáng chú ý là các mã thị trường tăng nóng thời gian qua tiếp tục bị bán tháo và ghi nhận phiên giảm sàn thứ 4 liên tiếp như HAI, HAR, còn TSC là phiên giảm sàn thứ 2 liên tiếp.

Trong đó, HAR được khớp hơn 1,2 triệu đơn vị và còn dư bán sàn hơn 1,5 triệu đơn vị, còn TSC còn dư bán sàn tới 8,5       triệu đơn vị, chỉ được khớp nhỏ giọt. Thậm chí, HAI là dư bán sàn hơn 19 triệu đơn vị, nhưng sau đó một số nhà đầu tư vì quá nản nên hủy lệnh bán, nên chốt phiên sáng mã này còn dư bán sàn hơn 10 triệu đơn vị, trong khi lượng khớp chỉ hơn 25.000 đơn vị.

Trước khi bước vào chuỗi giảm sàn từ phiên thứ Tư tuần trước (9/8), HAI đã có chuỗi 2 tháng tăng giá ấn tượng với mức tăng hơn 481%, từ 3.870 đồng, lên 22.500 đồng trong phiên 8/8. Trong phiên 9/8, trước khi bị chốt lời ồ ạt, HAI lúc đầu đã lên mức trần 24.050 đồng, tức tăng hơn 520% so với phiên 8/6.

Trái ngược với 3 mã trên, OGC và AMD lại tăng trần trong phiên sáng nay, trong đó OGC được khớp tới hơn 12 triệu đơn vị, dẫn đầu về thanh khoản và còn dư mua trần tới 5,76 triệu đơn vị, trong khi AMD được khớp gần 1,28 triệu đơn vị và còn dư mua trần ít. Cũng tăng trần và còn dư mua trần sáng nay còn có ATG.

Các mã có tính thị trường khác chỉ tăng nhẹ như FIT, HQC, FLC, ITA, trong khi cặp đôi HAG, HNG đóng cửa trong sắc đỏ.

Trên HNX, chỉ số HNX-Index tăng điểm ngay từ đầu phiên và nới rộng đà tăng sau đó nhờ sự hỗ trợ của ACB, SHB, PVS, LAS, VCS…

Tuy nhiên, khi vượt qua ngưỡng 101,5 điểm, chỉ số này đã bị đẩy lùi trở lại và chỉ còn mức tăng khiêm tốn khi chốt phiên sáng.

Cụ thể, kết thúc phiên sáng nay, HNX-Index tăng 0,21 điểm (+0,21%), lên 101,07 điểm với 33,35 triệu đơn vị được khớp, giá trị 287,35 tỷ đồng. Giá trị giao dịch thỏa thuận chưa tới 1 triệu đơn vị, giá trị gần 8,3 tỷ đồng.

Trên sàn HNX, VE9 tăng lên mức giá trần 14.600 đồng với 2,28 triệu đơn vị được khớp và còn dư mua giá trần sau thông tin tạm ứng cổ tức tới 60%.

KLF cũng có lúc lên mức giá trần 3.700 đồng, nhưng chốt phiên ở mức 3.600 đồng, tăng 5,88% với 5,3 triệu đơn vị được khớp, cao nhất sàn HNX. Tiếp đến là SHB với 2,58 triệu đơn vị được khớp và đóng cửa tăng 1,28%, lên 7.900 đồng.

Trong khi đó, ACB lùi về mức tham chiếu 25.400 đồng, nhưng điều lạ là mã này còn dư mua giá 25.500 đồng.

Trong khi đó, sàn UPCoM lại vẫn chìm trong sắc đỏ khi đóng cửa giảm 0,24 điểm (-0,43%), xuống 54,46 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 5 triệu đơn vị, giá trị 64,68 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 2,18 triệu đơn vị, giá trị 53 tỷ đồng.

Trong đó, ART tiếp tục gây chú ý với phiên tăng trần tiếp theo, lên mức giá 20.800 đồng với 527.600 đơn vị được chuyển nhượng, đứng sau SBS và DGT. Cả 2 mã trên đều tăng giá, trong đó DGT cũng tăng trần lên 12.300 đồng với 598.200 đơn vị được chuyển nhượng và SBS tăng 11,11%, lên 3.000 đồng với hơn 1 triệu đơn vị được chuyển nhượng, có lúc cũng đã chạm mức trần 3.100 đồng.

Nhóm cổ phiếu lớn có sự phân hóa, trong khi ACV, SEA, WSB… tăng giá, thì các mã khác như SDI, DVN, NTC, VEF… giảm.

Chứng khoán phái sinh sau 2 ngày mở cửa có thanh khoản không tốt lắm. Trong ngày mở cửa, chỉ có 487 hợp đồng được thực hiện, giá trị 36,5 tỷ đồng. Ngày tiếp theo có 615 hợp đồng, giá trị 45,89 tỷ đồng, tăng 26% so với phiên trước.

Trong phiên sáng nay, chứng khoán phái sinh có 444 hợp đồng được giao dịch, giá trị 33 tỷ đồng.

Nguồn: tinnhanhchungkhoan.vn