Với sự hỗ trợ của các mã lớn, VN-Index đã chinh phục được mức đỉnh cũ khi có thời điểm lên 720,68 điểm, nhưng ở mức đỉnh này, "gió to" xuất hiện đã đẩy lùi VN-Index trở lại. Điểm đáng chú ý trong phiên sáng nay vẫn là FLC khi tiếp tục là điểm tìm đến của dòng tiền sau thông tin đầu tư dự án 2 tỷ USD có casino ở Quảng Ninh.

Thị trường đã có những phiên đầu tuần khá khởi sắc. Cùng với sự trở lại tích cực của dòng tiền, các nhóm cổ phiếu lớn đã dẫn dắt VN-Index có những phiên tăng điểm và lấy lại ngưỡng hỗ trợ 715 điểm.

Điểm sáng trong phiên hôm qua chính là các cổ phiếu trong nhóm ngân hàng khi lực cầu hấp thụ tăng mạnh giúp các mã này đua nhau khoe sắc cùng giao dịch sôi động. Tuy nhiên, diễn biến phân hóa với số mã giảm điểm vẫn chiếm ưu thế khiến thị trường thiếu sức bật cao, sàn HOSE đón thêm 1 phiên tăng điểm nhẹ. 

Với diễn biến trên, một số công ty chứng khoán đã nhận định thị trường sẽ tiếp tục tăng điểm trong phiên 22/3 nhưng vẫn chưa thoát khỏi vùng dao động hẹp. Trong đó, IVS đưa ra dự báo những cổ phiếu tăng mạnh sẽ gặp nhiều áp lực trong phiên, đặc biệt là những cổ phiếu có liên quan đến hoạt động đảo danh mục ETF (phiên 17/3) khi chúng về tài khoản.

Mở cửa phiên giao dịch sáng 22/3, áp lực bán vẫn tiếp tục dâng cao trong khi lực cầu tỏ ra thận trọng quan sát đầu phiên khiến chỉ số VN-Index rơi nhẹ xuống dưới mốc tham chiếu.

Tuy nhiên, sự hồi phục của một số trụ cột như VNM, VIC, VCB cùng sắc xanh ở các mã CTG, ROS đã giúp chỉ số này nhanh chóng đảo chiều ngay khi bước sang đợt khớp lệnh liên tục dù đà tăng còn khá hạn chế.

Nhóm cổ phiếu bluechip sau nhịp thăm dò đầu phiên cũng dần trở lại, trong đó, BID đã lấy lại mốc tham chiếu và chuyển nhượng thành công hơn 2,9 triệu đơn vị sau 1 giờ giao dịch; còn lại VCB, CTG, STB, MBB cũng đều tăng nhẹ hoặc đứng giá.

Hiện trụ đỡ chính của thị trường là “ông lớn” VNM. Dù mở cửa không mấy thuận lợi khi điều chỉnh nhẹ nhưng VNM đã nhanh chóng đảo chiều bật tăng mạnh. Tại thời điểm này, VNM tăng 1,3% tạm đứng tại mức giá 137.400 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh đạt 267.270 đơn vị.

Vừa qua, VNM đã công bố báo cáo thường niên năm 2017. Theo đó, VNM đã ghi nhận tổng doanh thu năm 2016 đạt 46.965 tỷ đồng, tăng 16,8% so với năm 2015 và đạt 105% kế hoạch; lợi nhuận sau thuế 9.364 tỷ đồng, vượt 13% kế hoạch cả năm.

Vinamilk còn cho biết, thị phần của tất cả các ngành hàng đều được giữ vững và có sự tăng trưởng đang kể ở 3 ngành hàng chủ lực là sữa nước, sữa chua ăn và sữa chua uống. Trong đó, thị phần sữa nước chiếm 54,5%, thị phần sữa chua ăn chiếm 84,7% và thị phần sữa chua uống chiếm 33,9%.

Đà tăng mạnh của VNM đã lan rộng trong nhóm cổ phiếu bluechip giúp VN-Index leo thẳng lên mốc 720 điểm nhưng cũng như những lần thử thách trước đây, thị trường tiếp tục gặp khó khi chạm ngưỡng kháng cự mạnh này và đã quay ngược đi xuống. Tuy nhiên, dòng tiền chảy mạnh cùng sự hợp lực của các cổ phiếu bluechip và vốn hóa lớn đã giúp VN-Index tiếp tục hướng tới “đỉnh núi” 720 về cuối phiên.

Chốt phiên sáng, VN-Index tăng 2,89 điểm (+0,4%) lên 719,07 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 143,77 triệu đơn vị, giá trị 2.457,16 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đạt 5,96 triệu đơn vị, giá trị 136,26 tỷ đồng. Nhóm VN30 có 13 mã tăng, 10 mã giảm và 7 mã đứng giá, chỉ số VN30-Index tăng 4,61 điểm (+0,68%) lên 684,3 điểm.

VNM vẫn đóng vai trò là trụ cột chính hỗ trợ đà tăng thị trường. Cùng với lực cầu nội, nhà đầu tư nước ngoài cũng mua vào tích cực với khối lượng mua ròng đạt hơn 0,25 triệu đơn vị đã giúp VNM tăng 1,8%, chốt phiên tại mức giá 138.000 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh đạt 0,96 triệu đơn vị.

Bên cạnh VNM, cặp đôi cổ phiếu lớn VIC và MSN cũng tiếp sức cho thị trường với mức tăng tương ứng 2,34% và 1,8%

Nhóm cổ phiếu ngân hàng cũng đồng loạt khởi sắc dù đà tăng còn hạn chế. Trong đó, BID tiếp tục nóng với khối lượng khớp lệnh thành công ở mức cao 6,21 triệu đơn vị và chốt phiên tăng nhẹ 1 bước giá. Còn lại, VCB, CTG, STB, MBB cũng đều tăng giá với thanh khoản đều đạt 1 đến vài triệu đơn vị (STB khớp  3,97 triệu đơn vị).

Cặp đôi anh em ROS và FLC dù mở cửa thiếu tích cực nhưng lực cầu hấp thụ mạnh đã giúp 2 mã này khởi sắc. Trong đó, ROS tăng 0,6% lên mức cao nhất phiên 153.600 đồng/CP và đã chuyển nhượng thành công 2,23 triệu đơn vị; còn FLC tăng 2,3% lên mức 8.430 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh lớn nhất thị trường, đạt 31,67 triệu đơn vị.

Trên sàn HNX, dù có chút rung lắc nhẹ về cuối phiên nhưng sự hỗ trợ của các mã lớn như ACB, VCG, HUT đã giúp chỉ số sàn này hồi phục. Cụ thể, HNX-Index tăng nhẹ 0,07 điểm (+0,08%) lên 90,2 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 35,22 triệu đơn vị, giá trị 380,45 tỷ đồng.

Cổ phiếu ACB sau 5 phiên tăng liên tiếp đã bắt đầu chịu sức ép bán ra và đón nhận những nhịp điều chỉnh trong phiên sáng nay, tuy nhiên, lực cầu hấp thụ khá tốt đã giúp cổ phiếu này vẫn duy trì sắc xanh. Chốt phiên, ACB tăng 0,4% lên mức 25.100 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh đạt 2,69 triệu đơn vị.

Tương tự, cổ phiếu lớn trong nhóm bất động sản – VCG dù rung lắc sau 4 phiên tăng liên tiếp nhưng cũng giữ được sắc xanh khi chốt phiên. Với mức tăng 0,6%, VCG tạm chốt ở mức giá 16.800 đồng/CP và đã chuyển nhượng thành công 2,42 triệu đơn vị.

Đáng chú ý, cổ phiếu HHC sau thông báo cổ đông nhà nước – Vinataba thoái vốn đã liên tiếp khoác áo tím. Với mức tăng 10%, HHC ghi nhận phiên tăng trần thứ 4 liên tiếp trong sáng tại và chốt phiên tại mức giá 52.800 đồng/CP. Tuy nhiên, dường như đây không còn là mức giá hấp dẫn với nhiều nhà đầu tư, nên lượng đặt mua vào giảm rất mạnh so với phiên hôm qua. Tổng khối lượng khớp vẫn lẹt đẹt dưới 30.000 đơn vị, nhưng dư mua trần chỉ còn 1,98 triệu đơn vị, trong khi phiên trước hơn 13 triệu đơn vị.

Trái với 2 sàn chính, sàn UPCoM thiếu sự dẫn dắt của các cổ phiếu lớn khiến chỉ số trên sàn này quay đầu giảm điểm sau gần 1 giờ khởi sắc. Cụ thể, UPCoM-Index giảm 0,2 điểm (-0,35%) xuống 57,87 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 3,22 triệu đơn vị, giá trị 59,1 tỷ đồng.

Trong nhóm cổ phiếu lớn, các mã như GEX, MCH, MSR đều giảm điểm; còn HVN, NCS, FOX đang đứng ở mốc tham chiếu.

Đáng chú ý là cổ phiếu TVB. Đầu tuần qua, TVB đã đón nhận thông tin bị xử phạt vi phạm hành chính với lỗi cho khách hàng nộp, rút tiền mặt tại Công ty và Công ty chưa hoàn thiện việc xây dựng hệ thống quản lý tách bạch tiền gửi của khách hàng theo phương thức khách hàng mở tài khoản trực tiếp tại ngân hàng. Vì vậy, TVB đã chịu mức phạt 200 triệu đồng.

Những tưởng cổ phiếu này tiếp tục ghi nhận phiên giảm điểm thứ 6 liên tiếp khi mở cửa giao dịch dưới mốc tham chiếu, tuy nhiên, dòng tiền tích cực đã giúp TVB đảo chiều ngoạn mục, thậm chí có thời điểm tăng kịch trần. Chốt phiên, TVB tăng 7,8% lên mức 11.000 đồng/CP và khối lượng giao dịch đạt 553.600 đơn vị.

Nguồn: tinnhanhchungkhoan.vn