Với sự hỗ trợ của một số bluechip, VN-Index tiếp tục leo dốc và nhắm tới mốc 780 điểm trong phiên giao dịch đầu tuần mới. Trong khi đó, bức tranh đối nghịch vẫn tiếp diễn với cặp đôi OGC - QCG.
Trong tuần trước, cả 2 chỉ số chính tiếp tục duy trì đà tăng và thiết lập các mức đỉnh cao mới trong 10 năm (đối với VN-Index). Tuy nhiên, dòng tiền lại có chiều hướng sụt giảm và phân hóa khá rõ nét giữa các nhóm ngành, thậm chí là trong cùng nhóm ngành.
Lý giải về việc thanh khoản thị trường sụt giảm tuần qua, ông Nguyễn Thế Minh, Phó giám đốc kiêm Trưởng nhóm Phân tích thị trường vốn, Khối khách hàng cá nhân SSI cho biết, do việc kiểm soát tỷ lệ an toàn vốn ở các công ty chứng khoán vào cuối quý đã khiến dòng tiền margin chững lại trong tuần giao dịch vừa qua.
Trong khi đó, ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc tư vấn đầu tư, CTCK Maybank-KimEng cho rằng, thanh khoản giảm cũng không quá đáng ngại, nếu quan sát kỹ thanh khoản giảm so với những tháng trước đó nhưng lại có xu hướng tăng dần đều trở lại là một điều tích cực. Bên cạnh đó, nhà đầu tư nước ngoài vẫn đang mua ròng với tốc độ ngày càng mạnh hơn. Điều này cho thấy dòng tiền vẫn duy trì ổn định trên TTCK.
Các chuyên gia cũng giữ quan điểm lạc quan về xu hướng thị trường trong tuần mới, cũng như trong tháng 7 này với hướng đến của VN-Index là 790 điểm.
Đúng như dự đoán, VN-Index tiếp tục duy trì đà tăng khi mở cửa phiên giao dịch đầu tuần mới và nhắm tới mốc 780 điểm. Tuy nhiên, dòng tiền vẫn chưa được cải thiện khi tổng khối lượng giao dịch trên HOSE trong phiên sáng nay chưa tới 2.000 tỷ đồng.
Sự thận trọng của dòng tiền khiến độ rộng của thị trường sáng nay không quá chênh lệch với ưu thế thuộc về các mã giảm giá. Tuy nhiên, với sự hỗ trợ của nhóm cổ phiếu ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, dầu khí và một số mã lớn khác như SAB, ROS, MWG, VN-Index vẫn duy trì được đà tăng, dù bị đẩy lùi chút ít khi tiến sát ngưỡng 780 điểm do đà giảm tại VNM, VIC, VJC, MSN…
Chốt phiên sáng, VN-Index tăng 1,43 điểm (+0,18%), lên 777,9 điểm với 123 mã tăng và 134 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 106 triệu đơn vị, giá trị 1.990 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 2,82 triệu đơn vị, giá trị 89 tỷ đồng.
Trong khi đó, với sự dẫn dắt của nhóm ngân hàng, dầu khí với đa số mã nằm trong top vốn hóa lớn, HNX-Index đã nhảy vọt chinh phục thanh công mốc 100 điểm – mốc điểm khai sinh của chỉ số này.
Cụ thể, HNX-Index tăng 1,18 điểm (+1,19%), lên 100,32 điểm với 73 mã tăng và 80 mã giảm. Tổng khối lượng khớp lệnh 45,68 triệu đơn vị, giá trị 496,59 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 2,55 triệu đơn vị, giá trị 39,23 tỷ đồng.
Như đã đề cập, trong phiên sáng nay, đa số các mã tài chính đều tăng giá, như BID tăng 1,96%, VCB tăng 0,52%, CTG tăng 1%, MBB tăng 0,22%, STB ở tham chiếu 13.800 đồng, còn EIB giảm nhẹ 0,39%. BVH tăng 1,04%, SSI tăng 1,27%, HCM tăng 2,35%...
Nhóm dầu khí cũng đồng loạt tăng mạnh sau khi giá dầu thô có chuỗi tăng giá 7 phiên liên tiếp, nhất là trong phiên tăng mạnh cuối tuần trước.
Trong nhóm cổ phiếu nhỏ, OCG tiếp tục tăng trần lên 2.260 đồng với 8 triệu cổ phiếu được khớp và còn dư mua giá trần hơn 7 triệu đơn vị. Đây là phiên tăng trần thứ 7 liên tiếp, với mức tăng 58%.
Cũng theo chân OGC nổi sóng sáng nay còn có HAI khi tăng lên mức giá trần 4.350 đồng với 5,17 triệu đơn vị được khớp và không còn dư mua giá trần.
Trong khi đó, trái ngược với sự thăng hoa của OGC và HAI, QCG lại tiếp tục bị bán tháo sau thông tin về việc chưa bán dự án Phước Kiển đưa ra tại ĐHCĐ thường niên cuối tuần qua. Hiện QCG xuống mức sàn 25.150 đồng với gần 1 triệu đơn vị được khớp và còn dư bán sàn gần 1,4 triệu đơn vị.
Trên HNX, SHB tăng 5,26% lên 8.000 đồng với hơn 20,7 triệu đơn vị được khớp, ACB tăng 1,9%, lên 26.400 đồng với 2,4 triệu đơn vị được khớp, NVB tăng trần lên 7.900 đồng.
Nhóm chứng khoán thì SHS, VND, MBS, IVS… đồng loạt có sắc xanh.
Trái ngược với 2 sàn niêm yết, sàn UPCoM lại đóng cửa trong sắc đỏ khi giảm 0,1 điểm (-0,17%), xuống 57,47 điểm. Khối lượng giao dịch đạt 3,87 triệu đơn vị, giá trị 35,96 tỷ đồng.
Trên sàn này sáng nay chứng kiến sự khởi sắc của những mã tý hon như PXL, TOP, PFL, VPC, nhưng một số mã lớn như DVN, SSN, ACV, MCH, TIS… giả giá gây sức ép lên chỉ số chung.