Sau chuỗi tăng trước thời điểm nghỉ Tết và phiên đầu tiên năm mới, nhóm cổ phiếu ngân hàng cũng như một số mã vốn hóa lớn như VNM, SAB… đã chịu áp lực bán ra khá mạnh, khiến VN-Index có 2 phiên điều chỉnh liên tiếp. Mặc dù vậy, điểm tích cực là sức cầu được duy trì khá ổn định, dòng tiền luân phiên chảy sang các nhóm cổ phiếu khác, giúp thị trường trở nên cân bằng hơn, đặc biệt là VN-Index vẫn giữ được mốc hỗ trợ quan trọng 700 điểm.

Trong phiên giao dịch sáng nay 7/2, áp lực chốt lời tiếp tục ảnh hưởng lên thị trường, khiến VN-Index chịu sự rung lắc nhẹ, trước khi hồi trở lại khi lực cầu hoạt động khá tích cực.

Không có nhiều thay đổi so với hai phiên liền trước, khi VNM, VIC, BID, CTG, MSN, MWG, REE, CII, SBT… tiếp tục chịu áp lực bán ra, tạo lực cản cho VN-Index. Tuy nhiên, chỉ số vẫn duy trì sắc nhẹ khi các mã lớn khác như VCB, BVH, ROS, SAB, HPG, HSG… đang có được sắc xanh.

Cùng với đó là sự tích cực của lực cầu, giúp giao dịch diễn ra khá sôi động. Cũng như các phiên vừa qua, tâm điểm của dòng tiền vẫn đang tập trung tại HVG và KLF.

Với HVG, biến động lớn trong kết quả kinh doanh đã ảnh hưởng tiêu cực đến thị giá cổ phiếu. Tuy nhiên, với vị thế là một trong những doanh nghiệp đầu ngành thủy sản, nhà đầu tư vẫn kỳ vọng vào sự hồi phục của cổ phiếu này. Có lẽ vì vậy mà cổ phiếu HVG một vài phiên vừa qua được giao dịch mạnh và phiên sáng nay cũng không là ngoại lệ.

Chỉ trong chưa đầy 1 giờ giao dịch, đã có hơn 4,25 triệu cổ phiếu HVG được sang tên, dẫn dầu thanh khoản toàn thị trường. Tuy nhiên, do lượng cung giá thấp là khá lớn nên HVG chưa thoát mức giá sàn 6.750 đồng và hiện còn dư bán hơn 1 triệu đơn vị.

Trong khi đó, KLF đang ngấp nghé sắc tím phiên thứ 3 liên tiếp, thanh khoản chỉ sau HVG đôi chút với 4,16 triệu đơn vị được khớp và còn dư bán giá trần 2.600 đồng/CP là 1,145 triệu đơn vị.

Ngoài 2 mã này, khá nhiều mã trên 2 sàn đang có được thanh khoản tốt như HPG, FLC, OGC, ROS, VCG …

Sau hơn 1 giờ giao dịch, áp lực đã gia tăng mạnh hơn, tập trung tại nhóm VN30. Việc sắc đỏ trong nhóm VN30 chiếm thế chủ động khiến VN-Index quay đầu giảm điểm, trong khi HNX-Index tiếp tục duy trì được sắc xanh khi rổ HNX30 có sự ổn định hơn.

Dần về cuối phiên, sức cầu thị trường càng được cải thiện, nhất lại các cổ phiếu cơ bản đầu ngành, qua đó giúp VN-Index bật tăng trở lại, thanh khoản gia tăng mạnh mẽ. Không có được sự thăng hoa về thanh khoản như VN-Index, song HNX-Index lại có được mức tăng tốt hơn hẳn khi các mã chủ chốt như ACB, VCS, VCG, DBC hay nhóm dầu khí có sự đồng thuận cao.

Kết thúc phiên giao dịch sáng 7/2, với 123 mã tăng và 116 mã giảm, VN-Index tăng 3,08 điểm (+0,44%) lên 703,12 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 93,77 triệu đơn vị, giá trị hơn 1.951 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp khiêm tốn 2,66 triệu đơn vị, giá trị 270,46 tỷ đồng, chủ yếu đến từ thỏa thuận của 1 triệu cổ phiếu SAB, giá trị 215 tỷ đồng.

Còn với 61 mã tăng và 72 mã giảm, HNX-Index tăng 0,72 điểm (+0,85%) lên 85,69 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 20 triệu đơn vị, giá trị 274,53 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp rất khiêm tốn, hơn 24 tỷ đồng.

Đóng góp đáng kể nhất vào đà tăng của VN-Index là VNM, khi cổ phiếu này quay đầu tăng 0,5% lên 133.800 đồng/CP. GAS cũng tăng nhẹ trở lại.

Cùng với đó là sự hồi phục của nhóm cổ phiếu ngân hàng, khi chỉ còn STB giảm điểm nhẹ, BID đã về được tham chiếu, còn lại đều tăng điểm. BID khớp 2,7 triệu đơn vị, CTG khớp 2,2 triệu, STB khớp 1,17 triệu đơn vị. VCB khớp lệnh khá cao hơn 0,89 triệu đơn vị và là mã ngân hàng duy nhất tăng từ đầu phiên.

Đồng thời còn phải kể đến sự tích cực của ROS, SAB, HPG, HSG, SSI… SAB tăng mạnh trở lại sau 3 phiên điều chỉnh, đạt 2,3% lên 220.000 đồng/CP. Mã đầu ngành thép HPG giao dịch hết sức tích cực với 5,65 triệu đơn vị được khớp, đứng thứ 3 sàn HOSE và tăng 1,5% lên 44.750 đồng/CP. ROS, SSI, HSG đều tăng điểm và khớp lệnh trên 1 triệu đơn vị.

Dù tiếp tục được khớp lệnh mạnh, dẫn đầu thanh khoản HOSE với 7,03 triệu đơn vị được khớp, nhưng HVG vẫn chưa thể thoát mức giá sàn. HVG đã bị đưa vào danh sách không được giao dịch ký quỹ do lãi sau thuế của Công ty mẹ bị âm.

Sự tích cực dòng tiền thể hiện rõ nhất tại nhóm cổ phiếu thị trường, khi hàng chục mã có thanh khoản cao, tiêu biểu như FLC (6,14 triệu), OGC (4,46 triệu), HQC và HAG (cùng trên 3 triệu), ITA, KSA, SCR và LCG (cùng trên 2 triệu)… Hầu hết các mã có thanh khoản tốt đều tăng điểm.

Mã CDO kéo dài chuỗi tăng trần lên con số 6 ở mức 4.610 đồng/CP, khớp lệnh 0,36 triệu đơn vị và còn dư mua trần 1,12 triệu đơn vị.

Trên sàn HNX, mã KLF tiếp tục tỏa sáng với sắc tím phiên thứ 3 liên tiếp, khớp lệnh 7,63 triệu đơn vị, cao nhất toàn thị trường, trong khi còn dư mua giá xanh gần 1,9 triệu đơn vị.

VCG cũng là điểm sáng của HNX với mức tăng mạnh 5,6% lên 15.000 đồng/CP và khớp tới 3,7 triệu đơn vị, đứng thứ 2 của sàn. VCG vừa công bố mức lãi kỷ lục từ khi niêm yết, đạt trên 617 tỷ đồng năm 2016.

Khớp trên 1 đơn vị  trên HNX còn có HUT, PVS và SHB, trong đó PVS và HUT tăng khá tốt.

Trái với sàn chính, trên UPCoM lại giữ sắc đỏ khi khá nhiều mã lớn như HVN, QNS, VOC, MSR, MCH… chìm trong sắc đỏ. Kết phiên, UPCoM-Index giảm 0,17 điểm (-0,31%) xuống 54,69 điểm. Tổng khối lượng giao dịch chỉ đạt 1,87 triệu đơn vị, giá trị 33,86 tỷ đồng.

Trong đó, TIS là mã có thanh khoản tốt nhất với 407.700 đơn vị được chuyển nhượng và tăng nhẹ lên 9.300 đồng/CP.

ACV tiếp tục nằm trong số 7 mã có thanh khoản tốt nhất UPCoM (trên 100.000 đơn vị khớp lệnh), đồng thời được khối ngoại “chăm sóc” kỹ lưỡng với lượng mua vào 817.500 đơn vị và bán ra 770.300 đơn vị.

Nguồn: tinnhanhchungkhoan.vn