Theo văn bản, sở dĩ Petrolimex lãi lớn so với cùng kỳ 2014 là do 4 nguyên nhân. Bao gồm:
Thứ nhất, bước sang năm 2015, tốc độ tăng trưởng kinh tế trong nước ước đạt trên 6%, các doanh nghiệp sản xuất đã hoạt động tăng trưởng trở lại, Theo đó, kết quả kinh doanh một số công ty con, công ty liên kết của Tập đoàn kinh doanh trong các ngành nghề, lĩnh vực khác như hoá dầu, bảo hiểm, nhiên liệu bay, dịch vụ…tăng cao so với cùng kỳ năm 2014.
Thứ hai, việc điều hành giá bán xăng dầu trong nước, chi phí kinh doanh định mức và việc trích, sử dụng quỹ bình ổn gái xăng dầu được Bộ Công Thương thực hiện đúng theo Nghị định 83 và Thông tư số 39 của Bộ Tài Chính quy định về phương pháp tính giá cơ sở, cơ chế hình thành, quản lý, sử dụng quỹ bình ổn giá và điều hành xăng dầu có hiệu lực từ tháng 11/2014.
Thứ ba, sản lượng xuất bán xăng dầu quý 2/2015 của Tập đoàn tăng trưởng 12% so với cùng kỳ, trong điều kiện kinh doanh có hiệu quả nên đã làm cho quy mô lợi nhuận tăng so với cùng kỳ 2014.
Thứ tư, riêng đối với kết quả kinh doanh quý 2/2015 của công ty mẹ có biến động giảm so với cùng kỳ chủ yếu ảnh hưởng bởi nguồn thu về cổ tức, lợi nhuận từ các công ty con, công ty liên kết. Từ đó doanh thu công ty mẹ giảm đáng kể so với cùng kỳ 2014.
Trước đó, tập đoàn xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2015 với lãi ròng của cổ đông công ty mẹ 1.029 tỷ đồng, gấp gần 3 lần cùng kỳ năm trước.
Trong quý II/2015, doanh thu thuần và giá vốn hàng bán của Petrolimex cùng giảm, nhưng do giá vốn giảm nhiều hơn so với mức giảm doanh thu, nên lợi nhuận gộp của Petrolimex đạt 3.672 tỷ đồng, gấp rưỡi cùng kỳ năm trước.
Doanh thu tài chính giảm trong khi chi phí tài chính, chi phí bán hàng và chi phí quản lý đều tăng. Lợi nhuận khác trong quý II năm nay giảm mạnh so với cùng kỳ.
Lũy kế 6 tháng, Petrolimex đạt 81.502 tỷ đồng doanh thu thuần, lãi ròng đạt 1.416 tỷ đồng, gấp 2,5 lần kết quả 6 tháng đầu năm 2014. EPS đạt 1.324 đồng.
Kiều Linh