Theo số liệu thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan cho thấy tổng kim ngạch xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong nửa đầu tháng 6/2015 (từ 01/6 đến 15/6) đạt 14,47 tỷ USD, tăng 1% so với  nửa cuối tháng 5/2015. Trong đó kim ngạch hàng hoá xuất khẩu của cả nước trong kỳ đạt gần 6,92 tỷ USD, giảm 6,4% so nửa cuối tháng 5/2015, kim ngạch nhập khẩu trong kỳ đạt 7,55 tỷ USD, tăng 8,9% so với nửa cuối tháng 5/2015.
Như vậy, tính đến hết ngày 15/6/2015 tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa cả nước đạt 144,34 tỷ USD, tăng 13,2% (tương ứng tăng 16,8 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2014 trong đó tổng giá trị xuất khẩu của cả nước đạt 70,34 tỷ USD, tăng 8,8% (tương ứng tăng 5,69 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2014; kim ngạch nhập khẩu hàng hóa đạt 74 tỷ USD, tăng 17,7% so với cùng kỳ năm 2014.
Nhập siêu cả nước tính đến 15/6 theo số liệu của Tổng cục Hải Quan là 3,66 tỷ USD trong khi cùng kỳ 2014 xuất siêu 1,75 tỷ USD
Cán cân thương mại hàng hóa trong kỳ 1 tháng 6/2015 thâm hụt 635 triệu USD, đưa cán cân thương mại hàng hóa của cả nước tính đến hết ngày 15/6/2015 thâm hụt 3,66 tỷ USD.

Xuất khẩu dầu thô, điện thoại và linh kiện giảm mạnh

So với nửa cuối tháng 5/2015, kim ngạch xuất khẩu trong kỳ 1 tháng 6/2015 giảm chủ yếu do giảm một số mặt hàng sau: điện thoại các loại và linh kiện (giảm 260 triệu USD); máy móc thiết bị dụng cụ và phụ tùng (giảm 50 triệu USD); hàng thủy sản (giảm 45 triệu USD); dầu thô (giảm 42 triệu USD); gỗ và sản phẩm gỗ (giảm 38 triệu USD), sắt thép các loại (giảm hơn 31 triệu USD)…
Trị giá xuất khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong kỳ này đạt 4,72 tỷ USD, giảm 7,2% so với nửa cuối tháng 5/2015 và chiếm 68,2% tổng trị giá xuất khẩu của cả nước trong kỳ.

Nhập khẩu xăng dầu giảm mạnh, nhập khẩu sản phẩm từ sắt thép tăng 51%

Kim ngạch nhập khẩu 15 ngày đầu tháng 6/2015 tăng so với nửa cuối tháng 5/2015 chủ yếu do tăng ở một số mặt hàng sau: máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác tăng 306 triệu USD; sắt thép các loại tăng 135 triệu USD; chất dẻo nguyên liệu tăng 53 triệu USD; phế liệu sắt thép tăng 32 triệu USD...
Tính chung từ đầu năm, máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác vẫn là mặt hàng nhập khẩu nhiều nhất, trị giá hơn 12,87 tỷ USD (tăng 38% so với cùng kỳ), máy vi tính và sản phẩm điện tử nhập khẩu hơn 10,3 tỷ USD (tăng 37%), nhập khẩu điện thoại và linh kiện hơn 4,7 tỷ USD (tăng 30%),
Riêng mặt hàng xăng dầu, giá trị nhập khẩu tính từ đầu năm giảm 29%, còn gần 2,7 tỷ USD, tuy nhiên nếu so với sản lượng thì lượng xăng dầu các loại tăng 16% so với cùng kỳ năm trước, cụ thể tính đến 15/6 cả nước nhập khẩu 4,7 nghìn tấn xăng dầu các loại, trong đó mặt hàng xăng là 1,3 triệu tấn (tăng 12%) và diesel là 2,35 triệu tấn (tăng hơn 17% cùng kỳ năm trước). Lý do là giá xăng dầu đã giảm rất mạnh so với cùng kỳ do đó giá trị nhập khẩu giảm.
Sản lượng nhập khẩu xăng dầu tính đến 15/6/2015 - Nguồn: TCHQ
Giá trị nhập khẩu xăng dầu tính đến 15/6/2015 - Nguồn: TCHQ
Trị giá nhập khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp FDI trong kỳ 1 tháng 6/2015 đạt 4,34 tỷ USD, tăng 6,9% so với nửa cuối tháng 5/2015 và chiếm 57% tổng trị giá nhập khẩu của cả nước trong kỳ này.