“Kẻ ăn không hết người lần chẳng ra”

Hiện tượng lãn công, bỏ việc lác đác xuất hiện từ 14h ngày 28.8, đến 29.8 đã lan rộng sang nhiều bộ phận. Tại hai trục đường dẫn vào cảng là Phan Chu Trinh và Đống Đa, CN tụ tập thành nhiều nhóm nhỏ. Xe tải hạng nặng xếp thành hàng dài, ngổn ngang, chen chúc. Tình hình thậm chí chưa chịu lắng dịu ngay cả khi lãnh đạo cảng quyết định chi trực tiếp khoản tiền thưởng 2.9, thay vì chuyển qua thẻ ATM như thường lệ. Mức thưởng, tùy đối tượng, cho mỗi CN là 2 - 3 triệu đồng. Việc chậm hoặc hoãn thưởng được coi là tác nhân chính gây ra khủng hoảng.

V - CN Xí nghiệp xếp dỡ - cho biết, tâm lý bất mãn tích tụ suốt nhiều năm do thu nhập thực tế giảm sút, lợi ích chính đáng của nhóm lao động trực tiếp bị xâm hại. “Sản lượng tăng, doanh nghiệp (DN) phát triển nhưng lương, thưởng ngày càng teo tóp. Trước bình quân thu nhập hằng tháng của tôi là 11 - 12 triệu đồng, nay chỉ còn 9 triệu đồng. Nhiều người quần quật từ năm này sang năm khác nhưng không có BHXH, BHYT.

Trông chờ vào khoản tiền thưởng quý để tích cóp, dành dụm thì từ ngày 1.6, Cty ra thông báo tạm dừng. Vô lý nhất là sự chênh lệch quá lớn giữa khối văn phòng và đối tượng lao động trực tiếp. Trong khi chúng tôi vắt kiệt mồ hôi duy trì cuộc sống bấp bênh, chật vật thì cán bộ, nhân viên phòng ban cứ đều đều hưởng lương cao ngất ngưởng”.

“Chúng tôi xin lỗi. Anh em hãy nói ra...”

Đó là lời kêu gọi của Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Cty CP cảng Quy Nhơn Nguyễn Quý Hà trong cuộc đối thoại “thông ca” trưa 29.8. “Đây là lần đầu tiên, cảng Quy Nhơn chứng kiến một sự cố nghiêm trọng như thế này. Cho dù vì lý do gì, tôi thành thật xin lỗi anh em và xin chịu trách nhiệm về những gì đang xảy ra. Chúng tôi sẵn sàng tiếp nhận mọi ý kiến đóng góp và cam kết, trong khuôn khổ quy định của luật pháp, sẽ nghiêm túc chỉnh sửa những gì bất hợp lý”.

Ý kiến từ phía CN chủ yếu tập trung vào khoản thưởng quý, thưởng 2.9 mà như mọi năm, đã được nhận trong ngày 25.8. Có ý kiến chỉ trích vai trò mờ nhạt, thiếu sâu sát của ban đại diện người lao động. Một CN gay gắt: “Chúng tôi đình công không phải là chống đối mà để câu chuyện được nói ra. Mọi người đều đã quá mệt mỏi rồi. Đơn giá tiền công thấp, mô hình quản lý lao động 2 ngày 3 ca căng thẳng mà lương bổng phập phù. Tôi mỗi tháng 45 ca, không bỏ ca nào nhưng chỉ được 4,5 - 5 triệu đồng, sao đủ trả tiền nhà, nuôi dưỡng con cái?”. Một CN khác: “Tôi ở kho nhiều năm vẫn không được đóng BHXH, BHYT. Chẳng may gặp rủi ro, biết tính sao đây?”.

Ông Trần Hoài Nam - thành viên HĐQT Cty - giải thích: “Cảng trước kia hoạt động theo mô hình Cty TNHH MTV, chỉ tiêu lợi nhuận chỉ 17 - 20 tỉ đồng/năm trong khi được phép sử dụng tới 40% doanh thu làm quỹ lương, thưởng. Nay với Cty CP, nguồn trích lập trên không còn như xưa”.

Phần phản hồi từ vị Trưởng phòng Tổ chức - tiền lương vấp phải thái độ phản đối từ người lao động khi ông này cho rằng việc không ký hợp đồng dài hạn, không nộp BHXH, BHYT, không cung cấp trang thiết bị bảo hộ, chế độ độc hại... là “lỗi” của đơn vị dịch vụ (Hợp tác xã (HTX) Xếp dỡ Quy Nhơn). “HTX đứng tên ký hợp đồng nhưng sử dụng, điều hành, quản lý lao động không ai khác hơn là cảng!” - CN chất vấn. Đến đây đại diện cảng tự mâu thuẫn với phần biện bạch bên trên: “Các trường hợp ốm đau, tai nạn, Cty đều chăm sóc, hỗ trợ. DN không phủi tay”!

Trao đổi với PV Báo Lao Động, Phó TGĐ thường trực Trình Văn Nhất - đại diện phần vốn nhóm cổ đông chiến lược (38%) thuộc Cty CP đầu tư và khoáng sản Hợp Thành - cho biết: “Cty đang chuyển đổi. Những di sản cũ, bất hợp lý sẽ được chấn chỉnh, chẳng hạn như khoảng cách thu nhập giữa hai khối lao động trực tiếp và gián tiếp. Nhiều chức danh hiện làm việc không tương xứng với mức lương được chi trả. Sơ bộ, chúng tôi “lọc” ra tới 50 trường hợp”.

Ông Nhất cũng thông báo đã chấm dứt sự can dự “nhập nhèm” của HTX Xếp dỡ Quy Nhơn: “Từ ngày 1.8, chúng tôi ký hợp đồng với 81 lao động “của HTX” bên cạnh 70 nhân sự khác. Số CN làm việc từ 4 - 5 năm đều được ký thời hạn dưới 3 tháng như là giải pháp quá độ”.
Theo Xuân Nhàn
Lao động

Nguồn: Lao động