Kinh doanh tụt dốc, cổ phiếu rớt thảm
Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, 9 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 4,77 tỷ USD, giảm 16,5% so với cùng kỳ năm 2014. Trong đó, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang các thị trường trọng điểm như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc đều giảm mạnh, lần lượt giảm 27,2%; 16,2%; 11,7%; 12,1%.
Ngoài ra, tỷ giá hối đoái của một số ngoại tệ mạnh như đồng Euro biến động theo hướng không thuận lợi cho các doanh nghiệp xuất khẩu. Trung Quốc trong tháng 8 cũng điều chỉnh tỷ giá đồng Nhân dân tệ nên đã gây tác động tiêu cực.
Đó là nguyên nhân lý giải cho sự sụt giảm mạnh của kết quả kinh doanh các doanh nghiệp thủy sản 9 tháng đầu năm. Tính đến thời điểm hiện tại, tất cả 9 doanh nghiệp niêm yết ngành thủy sản đã công bố Báo cáo tài chính quý III và 9 tháng đầu năm 2015, trong đó có cả Thủy sản Minh Phú (MPC) mới hủy niêm yết cuối tháng 3/2015.
Tính chung trong 9 tháng, tổng doanh thu toàn ngành đạt 32.976,5 tỷ đồng, giảm nhẹ 1% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, lợi nhuận toàn ngành lại giảm mạnh 73%, chỉ đạt 469,16 tỷ đồng.
Trong số đó, lợi nhuận 9 tháng của 7/9 doanh nghiệp đều giảm, 2 doanh nghiệp có tăng trưởng là ACL và FMC với mức tăng lần lượt 126% và 94%.
ACL hoàn thành vượt 33% kế hoạch năm sau 9 tháng. Một số doanh nghiệp có tín hiệu kinh doanh kỳ vọng như VHC (78% KH), ANV (63% KH); còn lại các doanh nghiệp mới chỉ hoàn thành ở mức thấp như AGF (4%), MPC (0,88%), HVG (20%)…
Duy nhất ATA báo lỗ 50,21 tỷ đồng, cùng kỳ năm trước DN này lãi vỏn vẹn 100 triệu đồng. Theo kế hoạch cả năm, công ty lỗ 15 tỷ đồng.
Doanh nghiệp có kết quả kinh doanh ấn tượng nhất trong kỳ là CTCP Thực phẩm Sao Ta (FMC) với lợi nhuận hợp nhất 9 tháng là 76,89 tỷ đồng, tăng 94% so với cùng kỳ năm trước và hoàn thành 84% kế hoạch năm. FMC lý giải nguyên nhân do giá nguyên liệu giảm mạnh trong khi đơn hàng xuất khẩu đã ký ở giá tốt, được bồi thường thiệt hại và hưởng ưu đãi thuế TNDN.
Kết quả kinh doanh ảm đạm đã được phán ánh rõ nét lên giá cổ phiếu của các doanh nghiệp. Ngoại trừ MPC đã chuyển sang giao dịch OTC, trong 8 mã cổ phiếu còn lại, thì có 6 mã giảm giá gồm HVG, AGF, ATA, TS4, ACL, VHC.
Trong đó, HVG giảm mạnh nhất, giảm 62,5% từ giá đỉnh 22.600 đồng xuống thấp nhất 13.900 đồng/đơn vị (phiên 19/11). Giảm nhẹ nhất là cổ phiếu VHC với con số giảm 25% từ mức đỉnh 43.810 đồng xuống 35.000 đồng/đơn vị (phiên 12/11). Giá đóng cửa ngày 20/11 là 35.800 đồng/đơn vị.
Các mã ATA, AGF, TS4, ACL giảm lần lượt 59%, 31%, 27% và 25%.
Đi ngược lại xu thế chung, ANV và FMC lại tăng giá, trong đó FMC tăng tới 56% trong 9 tháng, từ 17.880 đồng/cổ phiếu lên mức đỉnh 27.840 đồng/cổ phiếu.
Xoay xở với những cơ hội mới
Theo thống kê sơ bộ từ Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu thủy sản trong 10 tháng đầu năm là 5,43 tỷ USD, giảm 16,9% so với cùng kỳ năm 2014.
Trong 10 tháng/2015, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang các thị trường chính đều giảm so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, xuất khẩu sang Hoa Kỳ đạt 1,07 tỷ USD, giảm 25,2%; EU: 978 triệu USD, giảm 17,2%; Nhật Bản: 848 triệu USD, giảm 13,3%; Hàn Quốc: 160 triệu USD, giảm 13,6%...
Như vậy, có thể thấy, mục tiêu xuất khẩu thủy sản đạt 8,5 tỷ USD, tăng 10,7% trong năm 2015 do Tổng cục Thủy sản đề ra còn rất xa. Đồng nghĩa với việc, các doanh nghiệp thủy sản nhiều khả năng sẽ có một năm “ảm đạm” và khó khăn với kết quả kinh doanh không như mong đợi.
Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) thì nhận định, mặt hàng thủy sản đang trong vòng xoáy về điều chỉnh giá xuống (do cạnh tranh nguồn cung tăng, giá giảm thấp...). Một số chuyên gia dự báo, diễn biến này không chỉ trong 4 tháng cuối năm mà có thể sẽ tiếp tục kéo dài hết năm 2016, thậm chí đến năm 2017.
Ngoài ra, IMF dự báo giá tôm thế giới sẽ giảm trong dài hạn do nhu cầu tiêu dùng yếu tại các thị trường truyền thống, biến động vĩ mô tại các thị trường mới nổi và dư cung tại các nước sản xuất lớn. Dự báo giá tôm năm 2016 sẽ giảm 4%; năm 2017 giảm 7%; năm 2020 giảm 13% so với năm 2015.
Để đối phó với câu chuyện về giá các mặt hàng thủy sản xuống thấp, ông Lê Văn Quang, Chủ tịch HĐQT Thủy sản Minh Phú trong một lần trao đổi với chúng tôi, cho biết những tháng cuối năm, MPC ngoài việc chú trọng sản xuất hàng giá trị gia tăng và hàng cao cấp, công ty còn nâng công suất chế biến thực hiện các hợp đồng còn nợ, đồng thời đẩy mạnh bán hàng.
Công ty cũng cố gắng phấn đấu năm 2015, số lượng xuất khẩu sẽ tăng 8-10%, giá trị xuất khẩu không giảm quá 10% so với năm 2014. Đặc biệt, để hạ giá thành nuôi, ông Quang tiết lộ Minh Phú đã nghiên cứu giải pháp ứng dụng công nghệ trong nuôi trồng và năm tới sẽ áp dụng, hi vọng đem lại kết quả khả quan.
Trong khi Minh Phú kiên định với lập trường đầu tư đơn ngành, hướng tới giá trị của con tôm thì Hùng Vương hay Vĩnh Hoàn lại tìm đến các hoạt động M&A đầu tư đa ngành hoặc sản xuất thêm các sản phẩm có giá trị gia tăng.
Thủy sản Hùng Vương thực hiện nhiều thương vụ M&A để hoàn thiện chuỗi giá trị của mình gồm các mảng thức ăn chăn nuôi, xuất khẩu thủy sản, chăn nuôi gia súc. Thủy sản Vĩnh Hoàn bên cạnh việc nuôi trồng, xuất khẩu cá tra “phi lê” đông lạnh thì đã nghiên cứu và sản xuất thành công các sản phẩm giá trị gia tăng từ cá như dầu cá tinh luyện, thực phẩm chức năng Collagen…
Theo Khổng Chiêm
Người Đồng Hành