Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước tại Công văn số 5863/UBCK-QLPH ngày 16/9/2015 về việc đăng ký giao dịch trên thị trường UPCoM của CTCP Tài nguyên Ma San (Mã CK: MSR), Sở GDCK Hà Nội thông báo:

Tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài đối với cổ phiếu MSR (giao dịch trên Sở GDCK Hà Nội từ ngày 17/9/2015) là 24,51% cho đến khi có thông báo mới.

Là thành viên thuộc Tập đoàn Masan, CTCP Tài nguyên Ma San (MCK: MSR) có vốn điều lệ trên 7.035 tỷ đồng, hiện đang quản lý và khai thác Mỏ Núi Pháo tại tỉnh Thái Nguyên. Đây là mỏ vonfram trữ lượng lớn mới được đưa vào khai thác trong 15 năm qua. Cùng với vonfram, các sản phẩm khác như florit, đồng và bismut tại mỏ Núi Pháo là các kim loại quý hiếm có ý nghĩa chiến lược đối với nhiều ngành công nghiệp trên thế giới hiện nay.

Bên cạnh đó, MSR còn giành được lợi thế nhất định nhờ điều kiện địa chất thuận lợi khi Mỏ Núi Pháo là mỏ lộ thiên, chi phí khai thác và hệ số bóc đất đá thấp hơn so với khai thác mỏ dưới lòng đất như tại Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Úc.

Masan Resources đã công bố doanh thu đạt 1.201 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2015, tăng 4,9% so với cùng kỳ năm 2014. Giá cả hàng hóa giảm, kế hoạch nhà máy dừng hoạt động để bảo dưỡng trong tháng Tư, cùng với việc đang thực hiện chạy thử nhà máy của Liên doanh Núi Pháo và H.C. Starck là những lý  do chính làm cho tăng trưởng doanh thu chưa cao.

Biên lợi nhuận EBITDA pro forma của Masan Resources đạt 49,0% trong 6 tháng đầu năm 2015 do EBITDA tăng trưởng 59,2% so với cùng kỳ do lượng khoáng sản thu hồi được cải thiện và công suất sử dụng nhà máy cao hơn, kết quả là lợi nhuận ròng pro-forma đạt 95 tỷ đồng.

Tồn kho hợp nhất của Masan Resources là 1.207 tỷ đồng, tăng 167,6% so với 6  tháng đầu năm 2014. Khi các hoạt động được đẩy mạnh, tinh quặng vonfram mà trước đó bán ra thị trường nay được trữ lại làm nguyên liệu đầu vào cho các nhà máy chế biến hóa chất mới của liên doanh.

Minh Quân

Theo HNX