Ngày 24/8, Đại hội cổ đông bất thường của Tổng Công ty Thủy sản Việt Nam – Seaprodex đã thông qua việc thoái vốn đầu tư tại CTCP Việt Pháp sản xuất thức ăn gia súc – Proconco.
Hiện tại, Seaprodex đang nắm giữ 34,94 triệu cổ phiếu, tương đương 17,47% cổ phần của Proconco. Mức giá chuyển nhượng sẽ do Hội đồng quản trị Seaprodex quyết định nhưng không thấp hơn giá trị sổ sách của Proconco tại thời điểm 31/12/2014 là 16.650 đồng/cổ phiếu.
Khoản đầu tư vào Proconco có thể coi là một trong những tài sản giá trị nhất của Seaprodex. Và nếu chuyển nhượng thành công, Seaprodex sẽ thu về ít nhất là 582 tỷ đồng.
Proconco hiện là một trong những doanh nghiệp lớn nhất trong lĩnh vực sản xuất thức ăn chăn nuôi với thương hiệu chính là Cám Con Cò. Năm 2012, Masan đã chi 96 triệu USD để mua lại 40% cổ phần của Proconco từ phía Prudential – tức định giá doanh nghiệp này ở mức 240 triệu USD.
Tạm tính theo mức giá này thì khoản đầu tư của Seaprodex sẽ có trị giá vào khoảng 42 triệu USD ~ hơn 900 tỷ đồng theo tỷ giá ở thời điểm hiện tại.
Chạy đua thoái vốn với Dofico
Tháng 4/2015, Masan Group công bố đã nắm quyền kiểm soát đối với Proconco khi tăng tỷ lệ sở hữu lên 52%.
Không những thế, Masan còn sở hữu 70% cổ phần của CTCP Dinh dưỡng Nông nghiệp Quốc tế (ANCO). Hai công ty này kết hợp lại tạo nên Masan Nutri-Science, công ty lớn thứ 2 trong lĩnh vực sản xuất thức ăn chăn nuôi.
Trả lời tại Đại hội, lãnh đạo Seaprodex cho biết, Sau khi nắm được quyền kiểm soát đối với Proconco, Masan đã thay đổi định hướng chiến lược của Proconco, hướng đến mô hình 3F và đưa ra định hướng sẽ liên kết, sáp nhập với ANCO và dự kiến sẽ không chia cổ tức trong 5 năm tới.
Lãnh đạo Seaprodex cho rằng chủ trương thoái vốn tại Proconco nhằm đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho cổ đông. Proconco hiện đang có vốn điều lệ 2.000 tỷ đồng, với 9 cổ đông. Trong đó nhóm cổ đông lớn là Masan và Kenji đã chiếm tỷ lệ chi phối 53%. Cổ đông lớn thứ 2 là Tổng Công ty Công nghiệp Thực phẩm Đồng Nai – Dofico nắm giữ 24% và Seaprodex là cổ đông lớn thứ 3.
Trong trường hợp Masan mua tiếp số cổ phần mà Dofico nắm giữ thì Masan sẽ nắm giữ trên 70% và sẽ có quyền quyết định mọi định hướng chiến lược của Proconco. Lãnh đạo Seaprodex cho rằng lúc đó giá trị của khoản đầu tư này sẽ giảm đi nhiều so với việc Seaprodex thoái vốn trước Dofico.
Theo thông tin mới nhất thì phía Dofico đã đồng ý chủ trương thoái 17,5% vốn tại Proconco và phía Proconco sẽ dùng thặng dư vốn để mua lại làm cổ phiếu quỹ. Bên cạnh đó, 2 cổ đông khác là Viện Khoa học Kỹ thuật và Viện Chăn nuôi thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng đã có văn bản thoái vốn tại Proconco.
Trước đây Masan cũng từng liên hệ với Seaprodex về việc mua lại khoản đầu tư tại Proconco. Tuy nhiên với diễn biến hiện nay Dofico sẽ thoái 17,5% bên Masan đã tạm dừng quan tâm đến số cổ phiếu của Seaprodex.
Và việc Seaprodex có thoái vốn như thế nào, có thành công hay không và với giá bao nhiêu sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác, khi mà Seaprodex đã không thể tiến hành thoái vốn trước Dofico.
Cổ đông Nguyễn Khái Hưng đã chia sẻ rằng trên thị trường tài chính thường có nhiều thông tin về các hoạt động M&A mà không phải thông tin nào cũng chính xác. Cổ đông này mong muốn Seaprodex đừng vì một số thông tin không chính xác mà bán đi khoản đầu tư tốt.
Đoàn chủ tịch Đại hội cho rằng chủ trương thoái vốn xuất phát từ việc Proconco đã có những thay đổi trong định hướng chiến lược và dự kiến sẽ không chia cổ tức trong 5 năm tới. Nếu Proconco sáp nhập với ANCO thì tỷ lệ sở hữu của Seaprodex sẽ giảm xuống còn một nửa so với mức 17,47% như hiện tại.
Seaprodex đang có đại diện trong Hội đồng quản trị của Proconco nên những thông tin được trình là chính xác và có cơ sở.
Đến phần biểu quyết, phương án thoái vốn đã không nhận được sự đồng ý của 21% số cổ phần có quyền biểu quyết tại đại hội. Tuy nhiên, với tỷ lệ đồng ý hơn 79% thì việc thoái vốn vẫn được được thông qua. Hiện tại, Nhà nước đang sở hữu trên 63% cổ phần của Seaprodex.
Theo Kiến Khang
Trí thức trẻ