Sáng 8/9, tại Hà Nội, Tổng cục Hải quan đã tổ chức lễ công bố chính thức thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia và kết nối kỹ thuật Cơ chế một cửa ASEAN. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Tổng thư ký ASEAN Lê Lương Minh đến dự và ấn nút chính thức kết nối cơ chế một cửa.

Theo đó, thông qua cơ chế một cửa điện tử quốc gia, các doanh nghiệp sẽ không phải làm nhiều hồ sơ gửi các bộ ngành liên quan để làm các thủ tục xuất nhập hàng hóa ở cảng, cửa khẩu,…như trước đây. Thay vào đó, toàn bộ các thủ tục, giấy tờ quy định bảo đảm điều kiện thông quan hàng hóa sẽ được quy về một cơ sở dữ liệu quốc gia được kết nối với các bộ ngành. Theo đó, các doanh nghiệp chỉ cần nộp một bộ hồ sơ điện tử qua cổng một cửa quố gia, các công đoạn sẽ được giám sát trực tuyến, xử lý trên hệ thống chung.

Ông Nguyễn Ngọc Túc, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan cho biết, Cơ chế một cửa quốc gia sẽ đem lại những hiệu quả thiết thực cho doanh nghiệp trên phương diện tạo thuận lợi thương mại. Chẳng hạn như theo công bố của Cục Đăng kiểm Việt Nam, khi áp dụng thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia, doanh nghiệp sẽ rút ngắn được khoảng 4/5 thời gian làm thủ tục. 

Đối với thủ tục hành chính của các Bộ, ngành, khi triển khai thực hiện theo Cơ chế một cửa quốc gia, mặc dù chưa có số liệu đo cụ thể song mục tiêu đề ra là sẽ rút ngắn được khoảng từ 15% - 30% thời gian thực hiện thủ tục hành chính hoặc nhiều hơn. Bên cạnh đó, khi triển khai đầy đủ dịch vụ công trực tuyến trên Cơ chế một cửa quốc gia, ước tính hầu hết bộ hồ sơ do doanh nghiệp phải nộp/xuất trình sẽ được đơn giản hóa và điện tử tử hóa; qua đó giảm thời gian và chi phí cho chuẩn bị chứng từ, hồ sơ thực hiện thủ tục hành chính.

 

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh phát biểu tại buổi lễ. Ảnh: Phương Ngọc

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cho rằng, cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia là một trong những đột phá chiến lược trong công cuộc tái cơ cấu nền kinh tế, gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả của nền kinh tế; đồng thời đây cũng là nhiệm vụ, giải pháp quan trọng nhằm hội nhập khu vực và quốc tế thành công.

Việt Nam đã đề ra nhiều giải pháp đồng bộ nhằm đẩy mạnh cải cách hành chính, rút ngắn quy trình xử lý, giảm thời gian thực hiện, giảm chi phí hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, tổ chức, người dân trong hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh. Trong các giải pháp đó, cơ chế một cửa quốc gia và cơ chế một cửa ASEAN là một giải pháp quan trọng nhằm thực hiện thủ tục hành chính đơn giản, thuận lợi theo thông lệ và chuẩn mực quốc tế, thúc đẩy thương mại, du lịch, đầu tư; đồng thời khẳng định quyết tâm tích cực chủ động của Việt Nam trong thực hiện các cam kết cùng các nước trong khu vực hiện thực hóa việc hình thành Cộng đồng kinh tế ASEAN vào cuối năm 2015.

“Chính phủ Việt Nam luôn quyết tâm thực hiện cải cách hành chính, trước hết là cải cách thủ tục hành chính nhằm hướng tới một nền hành chính chuyên nghiệp, hiện đại, hiệu quả”, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh khẳng định.

Phó Thủ tướng yếu cầu các bộ ngành tiếp tục củng cố, hoàn thiện và mở rộng triển khai Cơ chế một cửa quốc gia đối với tất cả các lĩnh vực, các quốc gia trong ASEAN, nhất là đối với các phương tiện vận tải nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, đạt trình độ ngang tầm với các quốc gia tiên tiến trong khu vực.

Cùng với đó là thời gian hoàn thiện quy trình, quy chế và sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành, tổ chức trong nước và nước ngoài để Cơ chế một cửa quốc gia và Cơ chế một cửa ASEAN mang lại hiệu quả, lợi ích thiết thực cho người dân và doanh nghiệp. Đồng thời trên cơ sở kết quả đạt được, cần có kế hoạch và biện pháp cụ thể để từng bước mở rộng việc kết nối với các quốc gia khác trên thế giới.

 

Tính đến ngày 27/8/2015, có 1.936 doanh nghiệp đã thực hiện khai báo thủ tục cảng biển trên Cổng thông tin một cửa quốc gia (trong đó có 246 hãng vận tải  và đại lý vận tải, 1690 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực logistics và giao nhận) với tổng số 9435 hồ sơ (4989 nhập cảnh, 4426 xuất cảnh, 20 quá cảnh).

Từ 25/5/2015 (ngày bắt đầu kết nối Cục Đăng kiểm Việt Nam thuộc nhóm thủ tục do Bộ Giao thông vận tải quản lý) tới 27/8/2015, đã có 165 bộ hồ sơ đăng ký kiểm tra chất lượng cho mô tô, xe máy, động cơ, xe đạp điện được thực hiện cho 56 doanh nghiệp thông qua Cơ chế một cửa quốc gia.

Tính đến nay có 7 nước thành viên bao gồm Brunei, Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam công bố đã triển khai Cơ chế một cửa quốc gia theo đúng cam kết. 5 nước thành viên bao gồm Indonesia, Malaysia, Singapore, Thái Lan và Việt Nam công bố đã sẵn sàng cho việc kết nối Cơ chế một cửa ASEAN từ tháng 12/2015. 

 

Phương Ngọc