Sáng 23/10, Viện Kinh tế Việt Nam và Báo điện tử Diễn đàn Đầu tư đã phối hợp tổ chức Hội thảo "Định vị hệ thống ngân hàng sau tái cơ cấu".
Phát biểu tại Hội thảo, Tiến Sỹ Trần Du Lịch, Uỷ viên Uỷ ban kinh tế Quốc hội, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia đã cung cấp thông tin về chương trình "Nối kết ngân hàng với doanh nghiệp" tại TPHCM.
Ông Trần Du Lịch cho biết, theo khảo sát trước đây, TPHCM phân ra 3 loại doanh nghiệp, trong đó khoảng 1/3 vẫn làm ăn tốt, đóng thuế đầy đủ, vẫn vay được tiền từ ngân hàng, hoạt động ổn định; 1/3 sống ngoi ngóp, chờ gói tín dụng để phục hồi sản xuất, tự cứu mình nhưng không vay được vì vẫn còn vướng nợ xấu; 1/3 còn lại chết lâm sang, có cho vay cũng mất tiền.
Tiến sỹ Trần Du Lịch cho biết, tập trung của Nhà nước khi đó là loại doanh nghiệp thứ 2, là các doanh nghiệp cần tiền để phục hồi sản xuất nhưng không tiếp cận được nguồn vốn. Nhà nước muốn nuôi nợ để đòi nợ.
Trong bối cảnh ấy, tháng 7/2012, Ngân hàng Nhà nước cùng với TPHCM đề ra sáng kiến chương trình "Nối kết ngân hàng với doanh nghiệp" giữa 4 bên: (1) Ngân hàng Nhà nước; (2) chính quyền địa phương; (3) chính quyền cấp quận, huyện và ngân hàng thương mại; (4) bên đi vay. Ngân hàng Nhà nước muốn bàn việc cho vay từng doanh nghiệp cụ thể.
Sau khi triển khai chương trình, theo báo cáo mới nhất từ tháng 7/2012 đến tháng 9/2015, tổng số doanh nghiệp tại TPHCM được vay theo chương trình "Nối kết doanh nghiệp" là 7.877 doanh nghiệp, tổng số dư nợ 170.000 tỷ. Tiến sỹ Trần Du Lịch cho biết: "Cái hay là các doanh nghiệp này vay dưới chuẩn nhưng không ai lâm vào nợ xấu, là các doanh nghiệp lo làm ăn trả nợ chứ không làm bậy."
Bên cạnh đó, TPHCM có chủ trương chung là cho vay ưu tiên 5 nhóm ngành: Nông nghiệp nông thôn, doanh nghiệp vừa và nhỏ, công nghiệp hỗ trợ, công nghệ cao và xuất khẩu. Từ đó đến nay, đã có 39.000 khách hàng vay theo chương trình ưu tiên trên địa bàn thành phố, tổng dư nợ 137.000 tỷ đồng, và số này cũng không vướng nợ xấu.
Trong số 39.000 khách hàng, có 23.800 khách hàng vay nông nghiệp nông thôn, 12.353 doanh nghiệp vừa và nhỏ, 2.270 doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, riêng lĩnh vực công nghệ cao chỉ có 22 doanh nghiệp, cho thấy công nghệ cao không phát triển được. Lãi suất cho vay bình quân ngắn hạn là 6-7%, lãi suất trung hạn là 9%.
Theo Tiến sỹ Trần Du lịch, con số 39.000 khách hàng vay ưu tiên và 7.877 doanh nghiệp vay dưới chuẩn giải quyết và đóng góp rất quan trọng trong quá trình phục hồi kinh tế của TPHCM, lý giải tại sao TPHCM trong giai đoạn vừa rồi tăng trưởng vẫn cao.
Kiến nghị giảm 2% lãi suất
Ông Trần Du Lịch kiến nghị Ngân hàng Nhà nước, liệu trong bối cảnh hiện nay, đặc biệt từ 2016 có thể giảm lãi suất xuống được không? Theo các doanh nghiệp mà tiến sỹ Trần Du Lịch gặp gỡ, với lạm phát kỳ vọng năm nay là 2% mà lãi suất vay trung hạn là 9% thì không thể tái cơ cấu được. Liệu, lãi suất có thể giảm 2% xuống 7% được hay không? Ông Trần Du Lịch cho rằng, việc lãi suất giảm được hay không tuỳ thuộc sự cạnh tranh giữa ngân sách với thị trường. Khi lãi suất Trái phiếu còn ở mức cao và an toàn thì khó kích thích giảm lãi suất cho vay.
Hiện nay, Quốc hội đang bàn, theo dự kiến kế hoạch 2016 sẽ phát hành 60.000 tỷ trái phiếu còn lại trong số 170.000 tỷ vừa bổ sung, riêng các dự án làm chương trình TPHCM và Tây Nguyên vừa rồi dư được 14.000 tỷ. Vậy, Tiến sỹ Trần Du Lịch đặt vấn đề dư 14.000 tỷ để tiếp tục làm chuyện khác hay bớt phát hành trong số 60.000 tỷ để giảm nợ công?
Quan điểm của ông Trần Du Lịch là giảm vay, để vừa giảm nợ vừa còn dư địa cho thị trường, vì nguồn tín dụng nếu nhà nước sử dụng nhiều quá sẽ khó cho ngân hàng trung ương dùng công cụ để giảm lãi suất. "Vấn đề quan trọng nhất là có giảm được lãi suất hay không", ông Trần Du Lịch nói.
Minh Quân