"Sang tên" hơn 51% cổ phần

Ngày 24/7/2015, hơn 51,4% vốn Vinaconex 3 đã được VCG chuyển nhượng cho 2 cá nhân và một tổ chức thông qua hình thức chuyển quyền sở hữu qua Trung tâm Lưu ký chứng khoán.

Hai cá nhân là ông Nguyễn Hùng Phương (Nguyễn Thanh Phương) và Nguyễn Hoài Anh đã mua vào lần lượt 17,14% và 10,08% vốn điều lệ. Ngoài ra, CTCP Thương mại đầu tư bất động sản An Phát cũng mua tới 1,92 triệu cổ phiếu VC3, qua đó sở hữu 24,2% vốn Vinaconex3 và trở thành cổ đông lớn nhất.

CTCP Thương mại đầu tư bất động sản An Phát chưa niêm yết nhưng tổ chức này vào tháng 4/2015 đã nộp hồ sơ đăng ký niêm yết trên Sở GDCK Tp. HCM (HoSE). Kế hoạch niêm yết cũng đã được các cổ đông công ty này thông qua tại ĐHĐCĐ thường niên 2015.

Theo tìm hiểu thêm, An Phát mới tham gia vào thị trường bất động sản từ năm 2012 và là chủ đầu tư nhiều dự án bất động sản ở Thanh Hóa như Dự án khu Khu thương mại dịch vụ và dân cư B thuộc KĐT mới Đông Hương – Tp. Thanh Hóa, Khu biệt thự cao cấp xã Quảng Cư, thị xã Sầm Sơn, KĐT phía Đông đại lộ Bắc Nam thành phố Thanh Hóa, TTTM Khách sạn Great Dragon Hotel. Sau khi tăng vốn điều lệ vào tháng 3/2015, công ty này hiện có vốn điều lệ 500 tỷ đồng.

Hai nhà đầu tư cá nhân sau khi nhận chuyển nhượng và trở thành cổ đông lớn của công ty đều đã tham gia vào HĐQT. Ông Nguyễn Hùng Phương hiện đảm nhận vị trí Chủ tịch của VC3.

Tổ chức ĐHĐCĐ bất thường "thay máu" HĐQT

Ngay sau khi thương vụ chuyển nhượng giữa Vinaconex và ba nhà đầu tư này được thực hiện, VC3 đã có sự thay thế ở hàng loạt vị trí nhân sự chủ chốt.

Cụ thể, ngày 27/7, hai thành viên HĐQT cũ của VC3 đã từ nhiệm. Thay thế vào đó là ông Nguyễn Hùng Phương, cổ đông lớn thứ 2 sở hữu hơn 17% vốn và ông Nguyễn Ngọc Quỳnh.

Ngày 29/7, thêm hai thành viên HĐQT khác của VC3 từ nhiệm. Ông Nguyễn Hoài Anh (cổ đông lớn thứ ba) và và ông Lê Quang Đức được bầu thay thế. Đồng thời, ông Nguyễn Hùng Phương sau khi vào HĐQT đã đảm nhận vị trí Chủ tịch của công ty này.

VC3 cũng bầu Tổng Giám đốc mới là ông Đinh Tiến Nhượng. Ông Nhượng trước đó là Chủ tịch HĐQT của VC3. Kế toán trưởng của công ty cũng được thay thế.

Sắp tới đây, Vinaconex 3 sẽ tổ chức ĐHĐCĐ bất thường dự kiến từ ngày 31/8 đến 15/9/2015. Nội dung chi tiết về buổi họp Đại hội hiện chưa được công bố.

VCG ước lãi lớn !?

Cùng với việc thay máu cổ đông, giá cổ phiếu VC3 cũng "lột xác" ngoạn mục trong thời gian gần đây. Vinaconex chính thức thông báo nhượng lại toàn bộ vốn góp của VC3 từ tháng 5/2015. Từ đó đến nay, giá cổ phiếu VC3 đã tăng 2,7 lần, đồng thời khối lượng giao dịch cổ phiếu cũng đã "sôi động" hơn so với trước đó.

Do Vinaconex (VCG) thực hiện chuyển nhượng cổ phiếu thông qua Trung tâm Lưu ký Chứng khoán nên giá trị chuyển nhượng không được công bố cụ thể. Tại ngày 24/7, giá cổ phiếu VC3 giao dịch trên sàn là 40.500 đồng/cổ phiếu. Nếu Vinaconex nhượng lại số cổ phần trên với mức giá tương tự trên sàn, ước tính công ty này có thể thu về khoảng 165 tỷ đồng.

Tính đến cuối năm 2014, giá trị sổ sách khoản đầu tư vào VC3 của Vinaconex là 72,3 tỷ đồng, tương đương giá cổ phiếu 17.720 đồng/cổ phiếu. VCG có thể ghi nhận khoản lãi khá lớn từ thương vụ này.

VC3 có gì

Vinaconex 3 hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản và thi công xây lắp. Công ty có một số dự án BĐS lớn tại Trung Văn và Minh Khai, Hà Nội. Các dự án này đều đã được bán gần hết. Tuy nhiên, do các dự án được triển khai vào giai đoạn thị trường BĐS đạt đỉnh nên chi phí đầu tư lớn, biên lợi nhuận không cao.

Việc ghi nhận lợi nhuận sẽ phụ thuộc vào tiến độ bàn giao nhà của Vinaconex 3. Theo ghi nhận của BVSC, trong năm 2015, Vinaconex 3 sẽ hạch toán 50% dự án CT2 Trung Văn và 100% dự án Phan Đình Phùng, Thái Nguyên.


Vinaconex 3 cũng ghi nhận nguồn thu từ mảng xây lắp. Tuy nhiên, lĩnh vực này có biên lợi nhuận thấp, chỉ khoảng 2-3%. Dự án xây lắp lớn nhất của công ty là nhà máy phân phối khí áp thấp của PV Gas với tổng doanh thu 70 tỷ, sẽ được ghi nhận vào năm 2015.
Dự án tại Trung Văn của Vinaconex 3

Theo Khánh Ly

NDH

Nguồn: Khánh Ly