Chưa cần thiết đầu tư thêm sản xuất thép
Theo thanhnien.vn, nhiều sản phẩm thép trong nước đã dư thừa nên phải thận trọng xem xét cấp phép đầu tư các dự án mới.
Sản phẩm dư thừa không chỉ khiến các DN trong nước có nguy cơ phá sản mà điều đó cũng đưa lại hậu quả chung cho nền kinh tế. Tương tự như việc sản phẩm Trung Quốc mượn xuất xứ VN sẽ đưa đến nguy cơ ngành hàng của VN cũng bị áp thuế phòng vệ thương mại.
Theo VSA, đặc điểm nổi bật của ngành thép toàn cầu, trong đó có VN là dư thừa nguồn cung thép trên thế giới luôn gây ra sự bất ổn của thị trường thép. Các biện pháp phòng vệ thương mại như tự vệ thương mại, chống bán phá giá, chống lẩn tránh thuế... đã được áp dụng đồng loạt ở các quốc gia đối với các sản phẩm thép có xuất xứ Trung Quốc.
Những năm gần đây, Trung Quốc đã thực hiện tái cấu trúc ngành công nghiệp thép trong nước và chuyển dần năng lực dư thừa bằng hàng loạt dự án đầu tư ra ngoài nước, trong đó có khu vực ASEAN và VN.
Trên thực tế, tại VN hầu hết các sản phẩm thép khác đều đáp ứng được nhu cầu, hoặc cung đã vượt cầu.
Báo cáo của VSA kiến nghị các cơ quan nhà nước không phê duyệt các dự án đầu tư đối với các sản phẩm trong nước đã dư thừa đáp ứng nhu cầu tiêu thụ. Bên cạnh đó, chưa cần thiết phải đầu tư thêm trong giai đoạn hiện nay các sản phẩm thép như thép cuộn cán nóng, thép xây dựng, thép cuộn cán nguội, thép không gỉ cán nguội, ống thép hàn, thép tôn mạ và sơn phủ màu. Chỉ khuyến khích DN đầu tư vào các sản phẩm thép hợp kim chất lượng cao phục vụ sản xuất cơ khí chế tạo, đóng tàu,
Cấp đông thịt heo giữa tâm "bão" dịch
Theo nld.com.vn, giá thịt heo đang rất thấp và khó bán. Ngành chức năng lo ngại sắp tới sẽ thiếu nguồn cung, không có thịt để bán
Ngày 30-5, Bộ Công Thương phối hợp với Bộ NN-PTNT tổ chức cuộc họp bàn về việc thu mua, giết mổ và cấp đông thịt heo nhằm ổn định cung cầu thị trường mặt hàng này trước bối cảnh dịch tả heo châu Phi đang diễn biến phức tạp.
Đến nay, dịch tả heo châu Phi đã xảy ra tại 43 tỉnh, thành. Tổng số heo mắc bệnh và tiêu hủy tính đến ngày 24-5 là trên 1,7 triệu con (chiếm khoảng 5% tổng đàn heo cả nước).
Việc thu mua, giết mổ, cấp trữ đông cũng như giữ ổn định giá thịt heo, không để sốt giá được xem là biện pháp cấp bách trong tình hình hiện nay.
Ông Đỗ Thắng Hải lo ngại thời gian tới không có thịt heo để bán. Bảo đảm cung cầu thị trường thịt heo hiện không phải việc riêng của Bộ NN-PTNT hay Bộ Công Thương mà là trách nhiệm chung.
Về phía Bộ NN-PTNT, đánh giá giải pháp hiệu quả nhất hiện nay là thu mua heo sạch, cấp đông để những tháng sau, khi nguồn cung giảm đi, sẽ cung cấp lại thị trường. Ông đề xuất triển khai giải pháp này càng sớm càng tốt.
Ông Nguyễn Xuân Dương, Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT), cho biết việc giết mổ và cấp đông để đưa thịt sạch, an toàn đến người dùng dù có một số ý kiến hoài nghi nhưng đây là giải pháp cần thiết hiện nay. Phương pháp này sẽ giảm thiệt hại cho nông dân, giảm ngân sách nhà nước, giảm ô nhiễm môi trường.
Xuất khẩu sang Mỹ tăng vọt, xuất sang Trung Quốc giảm
Vietnambiz.vn đưa tin, trong bối cảnh thương chiến Mỹ - Trung Quốc ngày càng căng thẳng, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ trong 5 tháng đầu năm nay tăng vọt, trong khi hàng xuất vào Trung Quốc giảm.
Tổng cục Thống kê cho biết 5 tháng đầu năm 2019, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam ước tính đạt 100,74 tỉ USD, tăng 6,7% so với cùng kì năm 2018.
Có 19 mặt hàng đạt giá trị xuất khẩu trên 1 tỉ USD, chiếm 84,4% tổng kim ngạch xuất khẩu như điện thoại và linh kiện, đạt 19,9 tỉ USD (chiếm 19,7% tổng kim ngạch hàng hóa xuất khẩu); thứ 2 là điện tử, máy tính và linh kiện; tiếp đến là hàng dệt may, giày dép...
Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu một số mặt hàng nông sản 5 tháng năm nay giảm so với cùng kỳ năm trước. Tiêu biểu như cà phê đạt 1,3 tỉ USD, giảm 23%; hạt điều đạt 1,2 tỉ USD, giảm 14,1%; gạo đạt 1,2 tỉ USD, giảm 20%. Trong các sản phẩm nông sản chỉ rau quả và cao su tăng nhẹ.
Đáng chú ý, Mỹ đứng đầu danh sách các thị trường xuất khẩu của Việt Nam với kim ngạch đạt 22,6 tỉ USD, tăng 28% so với cùng kì năm trước. Trong đó, điện thoại và linh kiện tăng rất mạnh, tới 109,2%; điện tử, máy tính và linh kiện tăng 58,4%; hàng dệt may tăng 9,8%. Trong khi đó, Trung Quốc đạt 13,4 tỉ USD, giảm 2,6%. Các mặt hàng giảm đáng kể như thủy sản giảm 11,8%; điện thoại và linh kiện giảm 56,6%; gạo giảm 78,7%
Trong 5 tháng đầu năm, cả nước nhập siêu từ Trung Quốc 16,2 tỉ USD và xuất siêu sang Mỹ giá trị 16,8 tỉ USD.
Nông dân ồ ạt nuôi bò, đà điểu... trước 'bão' dịch tả heo châu Phi
Theo vietnambiz.vn, để đảm bảo kế sinh nhai cho người dân và nguồn cung thịt trong nước, Chính phủ Việt Nam đã kêu gọi người dân đa dạng nguồn cung thịt sang gà, vịt và bò.
Hơn 1,7 triệu con heo đã bị tiêu hủy kể từ khi dịch được ghi nhận lần đầu tiên ở hai tỉnh phía bắc hồi đầu tháng 2. Con số này thậm chí còn lớn hơn Trung Quốc, nhà sản xuất thịt heo lớn nhất thế giới với qui mô sản lượng gấp 20 lần Việt Nam, sau gần 10 tháng gánh chịu dịch tả heo châu Phi.
Tại Đồng Nai, thủ phủ heo của Việt Nam, đàn heo đã giảm 20% xuống còn hai triệu con cho đến nay. Nhiều nông dân đang chuyển sang nuôi vịt và gà. Và đà điểu, lần đầu tiên được giới thiệu tại Việt Nam vào năm 1995, hiện có giá gấp ba lần thịt heo.
Số gia cầm của Việt Nam được dự đoán sẽ tăng 7,1% trong tháng 5 này so với một năm trước, trong khi đàn bò nhiều khả năng tăng 2,9%. Tại Đồng Nai, số lượng vịt dự kiến tăng gấp đôi trong năm nay, Bloomberg dẫn các nguồn tin cho hay.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã kêu gọi đất nước giúp cân bằng ngành chăn nuôi, theo đó nói rằng ngành chăn nuôi phải thực hiện các biện pháp cụ thể để phát triển các loại thịt khác nhằm đảm bảo sinh kế cho nông dân và nguồn cung lương thực cho người dân.
Hà Nội có kế hoạch tăng gấp ba lần số lượng bò mà thành phố đang nuôi vào năm 2025. Nếu chính phủ không tăng tiêu thụ thịt bò, gà và vịt, Việt Nam có thể sẽ thiếu thịt heo vào cuối năm nay, theo Hiệp hội Chăn nuôi Hà Nội.
Mặc dù kế hoạch đa dạng hóa nguồn thịt đang được tiến hành, chính phủ cũng yêu cầu các doanh nghiệp dự trữ thịt heo khỏe mạnh và đông lạnh để tránh tình trạng tăng giá.
Nhà nước cũng có thể hướng dẫn thương nhân nhập khẩu thịt heo từ các nước không bị ảnh hưởng bởi dịch ASF như Mỹ, Australia, Hàn Quốc và Ấn Độ, Bộ Công thương cho hay.
Thực hư về hàng chục tấn tôm hùm đất đông lạnh tuồn vào Việt Nam
Nld.com.vn thông tin, theo Tổng cục Hải quan, chưa có dữ liệu nhập khẩu mặt hàng “tôm hùm càng đỏ” xuất xứ từ Trung Quốc vào Việt Nam mà chỉ có thông tin nhập khẩu “tôm hùm đất” và “tôm hùm đông lạnh”
Liên quan đến mặt hàng tôm hùm càng đỏ, qua khai thác dữ liệu trong cơ sở dữ liệu điện tử lưu trữ tại Tổng cục Hải quan theo mô tả hàng hóa do doanh nghiệp khai báo, năm 2018, Việt Nam nhập từ Trung Quốc gần 46,2 tấn gồm: tôm hùm đông lạnh (Frozen whole cooked crawfish, tên khoa học Procambarus clarkii) khối lượng gần 36,2 tấn và tôm hùm đất luộc sơ đông lạnh 10 tấn (không có thông tin về tên khoa học).
Năm 2019 (từ ngày 1-1 đến 15-5), các doanh nghiệp đã nhập gần 7,4 tấn tôm hùm đông lạnh (Frozen whole cooked crawfish, tên khoa học Procambarus clarkii) và 23 tấn tôm hùm đất hấp còn vỏ đông lạnh (không có thông tin về tên khoa học). Các lô hàng trên đều làm thủ tục nhập khẩu qua cảng Cát Lái (quận 2, TP HCM).
Trong khi đó, thông tin từ Chi cục Hải quan Cửa khẩu Càng Sài Gòn Khu vực 1 (Cục Hải quan TP HCM) cho biết từ đầu năm đến nay, chỉ có 2 lô hàng nhập khẩu tôm đông lạnh, loại tôm càng đỏ (crawfish). Loại này là tôm đông lạnh đã chết, không làm ảnh hưởng đến môi trường. Trong đó có 1 lô nhập từ Trung Quốc, số lượng trên 8,1 tấn, trị giá tính thuế nhập khẩu 1,153 tỉ đồng. Lô còn lại nhập từ Mỹ nặng chỉ 31,5 kg, trị giá tính thuế trên 7,2 triệu đồng, lô này nhập chung với các loại thực phẩm khác như cá hồi, cá thu, phô mai… Các lô hàng trên đều phải trải qua kiểm dịch động vật trước khi thông quan.
Như vậy, loài tôm hùm đông lạnh nhập khẩu từ Trung Quốc theo thống kê của hải quan có thể không phải là loài mà báo chí và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề cập gần đây.
Nguồn: VTIC tổng hợp

Nguồn: Vinanet