Đó là ý kiến của ông Phạm Anh Tuấn, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy sản đưa ra tại cuộc họp báo thường kỳ tháng 7 của Bộ NN&PTNT diễn ra ngày 5/8.
Ông Tuấn cho rằng, tính đến thời điểm hiện tại Nghị định 36 chưa gây bất kỳ cản trở gì cho doanh nghiệp bởi thời hạn để áp dụng kéo dài cho đến hết năm nay. Tuy nhiên hiện nay doanh nghiệp than khó khăn về quy định tỷ lệ mạ băng 10% và hàm lượng nước không quá 83%.
Theo ông Tuấn, doanh nghiệp chỉ nói đúng một phần. “Doanh nghiệp thường thắc mắc rằng họ có quyền làm những gì mà thị trường chấp nhận. Tuy nhiên, thị trường cuối cùng là người tiêu dùng. Người tiêu dùng không đồng ý chất lượng sản phẩm xấu. Nghị định 36 đưa hàm lượng nước không vượt quá 83% và không quá 10% tỷ lệ mạ băng là hoàn toàn đúng đắn và phù hợp”, ông Tuấn khẳng định.
Ông Tuấn cũng giải thích thêm, tỷ lệ tính này được đưa ra nhằm mục đích thay đổi chất lượng, thay đổi uy tín của nhà xuất khẩu. Bên cạnh đó, tỷ lệ mạ băng để đạt mục tiêu công nghệ thông thường không quá 5%. Do đó, quy định tỷ lệ mạ băng không được vượt quá 10% là phù hợp và đủ linh hoạt cho các doanh nghiệp trong chế biến sản phẩm cá tra phi lê đông lạnh với chất lượng tốt để xuất khẩu và ngăn ngừa gian lận thương mại.
"Đến thời điểm này Nghị định chưa có bất cứ ảnh hưởng gì đến doanh nghiệp. Chúng tôi đã đề xuất Chính phủ và được thống nhất, về cơ bản chỉ tiêu tỷ lệ mạ băng 10% và hàm lượng nước trong cá tra 83% không có gì thay đổi. Tất nhiên, cơ quan quản lý sẽ tạo ra lộ trình để các doanh nghiệp thực hiện", ông Tuấn nói.
Nghị định 36 được áp dụng từ ngày 1/1/2015. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu cá tra cho rằng Nghị định này khiến doanh nghiệp gặp khó khăn. Bởi thực tế, để đảm bảo hàm lượng nước không quá 83% thì sẽ đội giá thành sản xuất lên cao... Và thị trường nhập khẩu không đòi hỏi tỷ lệ mạ băng dưới 10% nên Bộ NN&PTNT không nên áp dụng quy định này.
Kiều Linh