Giá dầu thế giới leo thang do những lo ngại nguồn cung
Vào ngày 02/04 vừa qua, OPEC cùng các đồng minh, bao gồm Nga, đã công bố kế hoạch cắt giảm sản lượng lên tới 1,16 triệu thùng/ngày. Kết hợp với đợt cắt giảm vào tháng 10 trước đó, các thành viên đặt mục tiêu hạ sản lượng lên tới 3,16 triệu thùng/ngày. Lo ngại nguồn cung lập tức quay trở lại thị trường và đưa giá dầu lên mức cao nhất trong vòng một tháng.
Theo số liệu từ Sở Giao dịch Hàng hoá Việt Nam (MXV), giá dầu WTI kỳ hạn tháng 5 trên Sở NYMEX kết phiên ngày 05/03 ở mức 80,6 USD/thùng, và giá dầu Brent kỳ hạn tháng 6 trên Sở ICE EU đóng cửa ở sát mức 85 USD/thùng.
Ông Phạm Quang Anh, Giám đốc Trung tâm Tin tức Hàng hóa Việt Nam cho biết: “Giá cả hai mặt hàng dầu thô đều đã tăng hơn 20% chỉ trong khoảng hai tuần. Điều này phản ánh lo ngại về tình trạng thâm hụt nguồn cung trong ngắn và trung hạn, khi mà nhu cầu được dự kiến sẽ phục hồi từ quý III năm nay”.
Lo ngại về suy thoái kinh tế
Động thái cắt giảm có phần bất ngờ của OPEC khiến cho thị trường đặt dấu hỏi về nguy cơ mất cân bằng cung cầu. Hiện khó có nhà sản xuất lớn nào, kể cả Mỹ có thể bù đắp khoảng trống mà các nhà sản xuất dầu từ Trung Đông và Nga để lại.
Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết, sản lượng dầu thô của Mỹ đang ở mức 12,2 triệu thùng/ngày, và vẫn thấp hơn 800.000 thùng so với thời điểm trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát. Giới chuyên gia dự đoán, mức sản lượng này khó có thể gia tăng một cách nhanh chóng, khi mà các công ty sản xuất dầu đá phiến đều cắt giảm mức chi tiêu cho việc đầu tư vào các giếng khoan mới.
Mặc dù vậy, một trong những nguyên nhân dẫn đến đợt cắt giảm vừa qua của OPEC là bắt nguồn từ những lo ngại về suy thoái sẽ khiến tiêu thụ dầu yếu đi. Chỉ số Quản lý Thu mua (PMI) sản xuất, một trong những thước đo hàng đầu, phản ánh sức khoẻ của một nền kinh tế thông qua các hoạt động sản xuất công nghiệp đã cho thấy sự sụt giảm rõ rệt.
Trong tháng 3, nhiều nền kinh tế lớn chứng kiến sự sụt giảm của chỉ số này, trong đó, Mỹ và Đức thậm chí còn có PMI sản xuất dưới 50 điểm, phản ánh sự thu hẹp của các hoạt động sản xuất. Tại Việt Nam, chỉ số PMI sản xuất cũng giảm từ 51,2 điểm về mức thấp nhất trong vòng ba tháng là 47,7 điểm.
“Nhu cầu tiêu thụ đang bị ảnh hưởng bởi tình hình tăng trưởng chậm của nền kinh tế toàn cầu nói chung. Nên thay vì tăng mạnh nhiều ngày liên tiếp, giá dầu sau một phiên tăng mạnh đã đi ngang”, ông Quang Anh cho biết thêm.
Thách thức cho công cuộc kiểm soát lạm phát tại Việt Nam
Tình trạng lạm phát của nước ta đã hạ nhiệt rõ ràng và có phần tích cực hơn so với nhiều nền kinh tế phát triển khác như Anh, Đức, và Mỹ. Điều này phản ánh qua việc chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã giảm tháng thứ hai liên tiếp.
Theo Tổng cục Thống kê Việt Nam, CPI tháng 3/2023 giảm 0,23% so với tháng trước, tuy nhiên vẫn cao hơn 3,35% so với cùng kỳ năm trước. Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng được sử dụng để tính CPI, nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng mạnh nhất với 0,36%; trong khi đó, ảnh hưởng của đợt điều chỉnh giá trong tháng 3 khiến cho giá xăng, dầu giảm 0,36%, kéo nhóm giao thông giảm 0,16%. Thống kê cũng cho thấy, giá vận tải hành khách bằng đường bộ giảm 0,03% và vận tải đường sắt giảm 24,78%.
Tuy nhiên, từ đà tăng hiện nay của giá dầu, công cuộc hạ nhiệt lạm phát của Việt Nam rất có thể cũng sẽ gặp khó khăn trong giai đoạn tới. Các mặt hàng xăng dầu luôn là nguyên liệu đầu vào thiết yếu của nền kinh tế, và việc giá xăng dầu được điều chỉnh tăng sẽ kéo theo đà tăng của nhiều nhóm hàng hoá và dịch vụ khác, đặc biệt là lĩnh vực giao thông vận tải.
Ở kỳ điều hành mới nhất ngày 03/04, giá xăng dầu tiếp tục được điều chỉnh tăng nhẹ. Hiện tại, giá xăng E5 RON 92 tăng 60 đồng/lít, lên 22.082 đồng/lít; xăng RON 95 tăng 87 đồng/lít, lên 23.125 đồng/lít. Nếu đà tăng của giá dầu thế giới vẫn neo ở mức trên 80 USD/thùng và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt trong một vài tuần tới, giá xăng, dầu trong nước có thể sẽ tiếp tục được điều chỉnh tăng phù hợp với xu hướng trên thế giới.
Mặc dù vậy, diễn biến của giá dầu thô được kỳ vọng sẽ không biến động tăng quá nóng như năm 2022, khi nhu cầu tại nhiều khu vực Bắc Mỹ và châu Âu hạn chế do tăng trưởng yếu hơn, bù đắp cho sự phục hồi tại các nước như Trung Quốc, Ấn Độ. Giá xăng, dầu tại Việt Nam do đó cũng khó có thể tăng nóng như giai đoạn năm ngoái. “Bên cạnh đó, với tính ổn định cao của nền kinh tế; cùng với chính sách điều hành linh hoạt của Ngân hàng Nhà nước và các Bộ, Ban, Ngành, đà tăng của giá dầu thế giới sẽ không còn ảnh hưởng tiêu cực nhiều tới tình hình lạm phát của nước ta so với giai đoạn trước đây”, ông Quang Anh đánh giá.

Nguồn: Tiên Phạm/Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)