Trong phiên giao dịch ngày 7/6/2023, giá lúa mì kỳ hạn tại Chicago tăng cao, được củng cố bởi những lo ngại về nguồn cung từ Biển Đen và sản lượng thấp hơn ở Ausstralia, mặc dù việc thiếu nhu cầu đối với hàng hóa của Mỹ đã giữ giá ở dưới mức cao nhất gần ba tuần.
Trên sàn giao dịch Chicago, giá lúa mì tăng 0,2% lên 6,28-3/4 USD/bushel, mức cao nhất kể từ ngày 17/5/2023.
Giá đậu tương tăng 0,3% lên mức 13,57-1/4 USD/bushel và giá ngô tăng 0,1% lên mức 6,08-3/4 USD/bushel.
Cạnh tranh gay gắt trên thị trường xuất khẩu lúa mì đang đè nặng lên hợp đồng tương lai Chicago.
Các thương nhân cho biết mức giá thấp nhất được đưa ra tại một cuộc đấu thầu mua lúa mì của nhà nước Ai Cập là 229 USD/tấn cho 55.000 tấn lúa mì của Nga trên cơ sở miễn phí vận chuyển. Không có loại lúa mì nào của Mỹ được đưa ra đấu thầu. Tuy nhiên, dự báo về sản lượng thấp hơn ở Australia, nước xuất khẩu lớn thứ hai thế giới, đã hỗ trợ phần nào.
Bộ nông nghiệp Australia cho biết, sản lượng cây trồng vụ đông của nước này sẽ giảm từ mức cao kỷ lục, với sản lượng lúa mì giảm hơn 30%, do các nhà dự báo thời tiết dự đoán tình trạng khô hạn do hình thái thời tiết El Nino.
Sản lượng lúa mì và lúa mạch sẽ giảm lần lượt 34% và 30% xuống 26,2 triệu tấn và 9,9 triệu tấn. Cả hai con số này đều dưới mức trung bình 10 năm.
Bộ Ngoại giao Nga cho biết họ không thấy có triển vọng gia hạn thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc ở Biển Đen, vốn sẽ hết hạn vào giữa tháng 7, các hãng thông tấn Nga đưa tin.
Thời tiết khô hạn ở một số vùng thuộc Trung Tây Mỹ đang hỗ trợ giá đậu tương và ngô.
Các nhà xuất khẩu tư nhân báo cáo đã bán 165.000 tấn đậu tương để vận chuyển sang Tây Ban Nha trong niên vụ 2022/23, Bộ Nông nghiệp Mỹ cho biết.
Ủy ban châu Âu thông báo gia hạn thỏa thuận hạn chế nhập khẩu ngũ cốc Ukraine của 5 nước Bulgaria, Hungary, Ba Lan, Romania và Slovakia.
Liên minh châu Âu (EU) hôm 2/5 cho phép 5 nước thành viên gồm Bulgaria, Hungary, Ba Lan, Romania và Slovakia cấm bán lúa mì, ngô, dầu hạt cải và hạt hướng dương Ukraine trong nước, song cho phép ngũ cốc Ukraine quá cảnh để xuất khẩu đi các nơi khác, kể cả các nước EU.
Ủy ban Châu Âu hôm 5/6 cho biết thỏa thuận này sẽ được gia hạn tới ngày 15/9 và các biện pháp hạn chế nhập khẩu ngũ cốc Ukraine sẽ dần được loại bỏ vào ngày này.
5 quốc gia EU trước đó đã tìm cách gia hạn thỏa thuận hạn chế ngũ cốc Ukraine do loại ngũ cốc giá rẻ hơn này gây khó khăn cho sản phẩm nội địa. Ukraine trong khi đó vận động để các nước EU dỡ lệnh cấm.
Xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine qua Biển Đen bị gián đoạn kể từ khi Nga mở chiến dịch quân sự hồi tháng 2/2022, khiến Kiev càng phụ thuộc vào các tuyến vận chuyển qua Đông Âu. Ngũ cốc Ukraine sau đó được vận chuyển qua EU đến các quốc gia khác, trong đó có châu Phi.
EU hồi tháng 6/2022 bỏ tất cả thuế và hạn ngạch với ngũ cốc Ukraine xuất khẩu sang 27 quốc gia thành viên, nhằm tạo điều kiện hỗ trợ nước này. Tuy nhiên, lượng lớn ngũ cốc Ukraine kẹt lại ở các nước Đông Âu, gây ảnh hưởng nghiêm trọng thị trường nội địa.
Ủy ban châu Âu ước tính nông dân Bulgaria, Hungary, Ba Lan, Romania và Slovakia thiệt hại khoảng 455 triệu USD vì ngũ cốc Ukraine đẩy giá nông sản địa phương xuống thấp. Nhiều cuộc biểu tình phản đối ngũ cốc Ukraine đã bùng phát tại những nước này, dẫn đến việc 5 nước áp lệnh cấm.

Nguồn: VINANET/VITIC/Reuters