Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, tổng sản lượng thuỷ sản 8 tháng ước đạt 4,3 triệu tấn, tăng 3% so với cùng kỳ năm 2014. Trong tháng 8, khai thác thủy sản ước đạt 258 nghìn tấn, đưa sản lượng khai thác thủy sản 8 tháng lên 1.988 nghìn tấn, tăng 4,2% so với cùng kỳ năm 2014.
Về tình hình xuất khẩu, thủy sản ước đạt 554 triệu USD giảm 7,1% so với tháng 7/2015. Tổng 8 tháng, kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt gần 4,13 tỷ USD, giảm 17,5%.
Theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, tháng 8/2015, mặc dù ngành thủy sản đã đạt được kết quả tích cực song vẫn còn một số vấn đề tồn tại như nuôi tôm thẻ chân trắng tiếp tục suy giảm về sản lượng.
Lý giải về tình hình xuất khẩu thủy sản 8 tháng đầu năm 2015 giảm, ông ông Nguyễn Huy Điền – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, nguyên nhân do thời tiết năm nay khắc nghiệt, thời vụ xuống giống tôm chậm 1,5-2 tháng dẫn đến thu hoạch tôm muộn.
Giá trị xuất khẩu từ tôm năm 2014 là 4 tỷ USD, do năm nay sản lượng tôm trắng giảm hơn 17% dẫn tới xuất khẩu thủy sản nói chung giảm.
Về thị phần xuất khẩu tôm sang Mỹ và EU giảm, theo ông Điền, do thông tin sai lệch tại Mỹ cho rằng Việt Nam không sản xuất được nhiều tôm, mà chỉ có thể nhập về rồi xuất khẩu.
"Hiện tại, chúng tôi đã làm việc với các doanh nghiệp nhập khẩu tôm ở Mỹ và khai thông về vấn đề này", ông Điền nói.
Liên quan đến thị trường Trung Quốc ngừng nhập khẩu tôm sú thời gian vừa qua, ông Điền cũng cho hay Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã khai thông được sau khi mời cơ quan thú y Trung Quốc vào kiểm tra và đảm bảo không có dịch bệnh.
“Xuất khẩu tôm thường tăng vào cuối năm do nhu cầu tăng lên phục vụ hộii hè, ngày lễ. Chúng tôi dặt kế hoạch sản lượng đạt 700 nghìn tấn tôm nhưng phấn đấu đạt 640 nghìn tấn như năm trước”, ông Điền kỳ vọng.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản, cho rằng, xuất khẩu thủy sản phải theo nhu cầu, thông thường cuối năm nhu cầu tăng còn khoảng thời gian đầu và giữa năm nhu cầu tiêu dùng ít hơn.
Tháng 7 vừa rồi, Đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp đã sang đàm phán với Liên minh Á – Âu về việc đồng ý mở thêm cho 4 doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu thủy sản vào thị trường này. Tuy nhiên, ông Tiệp nhấn mạnh: "Tiếp cận thị trường về cơ bản là tốt song xuất khẩu được nhiều hay không còn phụ thuộc chính vào nhu cầu của thị trường".
Cũng theo ông Tiệp, thời gian vừa qua, Trung Quốc phá giá nhân dân tệ dẫn đến nhiều nước khác như Thái Lan, Malaisia cũng phá giá đồng tiền. Điều này khiến giá tôm xuất khẩu của Việt Nam đắt đỏ hơn các nước khác dẫn đến đối tác nhập khẩu chuyển sang tìm bạn hàng khác.
“Dù ngân hàng đã nới biên độ nhưng nhiều nước còn phá giá mạnh hơn nên ảnh hưởng tới giá trị xuất khẩu của Việt Nam. Hy vọng nhu cầu tiêu thụ thủy sản trên thị trường thế giới từ tháng 10 sẽ tăng cao, nhất là dịp giáng sinh nên hy vọng sẽ có kim ngạch xuất khẩu gia tăng”, ông Tiệp nhấn mạnh.
Kiều Linh