Bỏ lộ trình giảm trong năm 2019
Về tỷ lệ tính tiền chậm nộp, một số ý kiến cho rằng, việc giảm mức phạt chậm nộp xuống 0,03%/ngày (tương đương với 10,95%/năm) là thấp và đề nghị tính bằng lãi vay quá hạn của ngân hàng nhằm tránh việc DN cố tình trây ì, không chịu nộp thuế. Mặt khác, nếu quy định mức phạt tiền chậm nộp theo tỷ lệ % của lãi suất năm của năm trước liền kề do Ngân hàng Nhà nước công bố sẽ không đảm bảo minh bạch, cụ thể, khó khăn trong quá trình triển khai, áp dụng. Tiếp thu nội dung này, UBTVQH xin Quốc hội cho phép điều chỉnh quy định mức phạt chậm nộp là 0,04%/ngày thay vì mức 0,03%/ngày như Dự thảo Luật đã trình Quốc hội.
Một vấn đề trong dự thảo Luật được dư luận khá quan tâm là điều chỉnh thuế suất thuế TTĐB đối với ô tô dưới 24 chỗ.
Tại dự thảo trình Quốc hội hồi tháng 11-2015, cơ quan soạn thảo đề xuất phân nhóm đối với dòng xe ưu tiên phát triển (có dung tích xilanh nhỏ, sử dụng ít nhiên liệu, phù hợp với điều kiện cơ sở hạ tầng) nhằm thực hiện Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 và Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
Lộ trình điều chỉnh cụ thể như sau: Từ 1-7-2016, thuế suất đối với loại xe có dung tích xilanh từ 1.500 cm3 trở xuống giảm còn 40%. Từ 1-1-2018, thuế suất đối với loại xe dưới 1.000 cm3 giảm còn 30%; loại từ 1.000 cm3 đến 1.500 cm3 trở xuống còn 35%; loại trên 1.500 cm3 đến 2.000 cm3 giảm 5% còn 40%. Từ 1-1-2019, thuế suất tương ứng sẽ giảm còn 20%; 25%; 30% và mức thuế của loại trên 2.500 cm3 đến 3.000 cm3 tăng lên thành 60%.
Đóng góp vào nội dung này, nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị không chia loại xe có dung tích xilanh từ 1.500 cm3 trở xuống thành các nhóm có dung tích xilanh nhỏ hơn và không giảm thuế suất thuế TTĐB sâu (giảm xuống mức 20% là quá thấp) để tránh khuyến khích xe NK, dẫn đến nhập siêu tiêu dùng, ảnh hưởng nhất định đến sản xuất ô tô trong nước, công ăn việc làm của người lao động trong ngành công nghiệp ô tô.
Thực tế, nguy cơ này là có thể xảy ra khi nhìn vào thống kê sơ bộ 9 tháng đầu năm 2015 của cơ quan Hải quan, Thuế, số lượng xe có dung tích xilanh từ 1.000 cm3 trở xuống NK khoảng 8.650 chiếc, chiếm khoảng 89% tổng lượng xe tiêu thụ trên thị trường. Xe sản xuất trong nước chỉ khoảng 1.100 chiếc, chiếm tỷ trọng 11%.
Vì vậy, để hạn chế rủi ro xe sản xuất lắp ráp trong nước (phổ biến có dung tích xilanh từ trên 1.000 cm3) chịu tác động kép trước xe NK do cắt giảm thuế NK về 0% theo các Hiệp định thương mại tự do, UBTVQH tiếp thu và đề nghị không chia nhỏ dòng xe có dung tích xilanh dưới 2.000 cm3, đồng thời, điều chỉnh giảm thuế suất thuế TTĐB đối với xe ô tô có dung tích xilanh dưới 2.000 cm3 mỗi năm giảm xuống 5% so với thuế suất hiện hành và bỏ lộ trình giảm trong năm 2019, điều chỉnh lại lộ trình tăng thuế suất đối với loại xe có dung tích xi lanh từ 2.000 cm3 đến 3.000 cm3.
Như vậy, mức thuế trong dự thảo mới sẽ là: Loại có dung tích xilanh từ 1.500 cm3 trở xuống áp dụng thuế suất 40% (giảm 5% so với hiện hành) từ 1-7-2016 đến 31-12-2017, xuống 35% từ 1-1-2018; loại có dung tích xilanh trên 1.500 cm3 đến 2.000 cm3 áp dụng thuế suất 40% (giảm 5% so với hiện hành) từ 1-1-2018; loại có dung tích xilanh trên 2.500 cm3 đến 3.000 cm3 áp dụng thuế suất 55% (tăng 5% so với hiện hành) từ 1-7-2016 và tăng lên 60% từ 1-1-2018.
Ông Phạm Đình Thi - Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính cho hay: Việc điều chỉnh thuế TTĐB đối với ô tô sẽ có phạm vi tác động sâu, rộng tới kinh tế - xã hội thông qua việc khuyến khích, thu hút các nhà đầu tư lớn, công nghệ hiện đại đến đầu tư tại Việt Nam, tạo sức lan tỏa cao đối với nền kinh tế; góp phần tạo việc làm, đào tạo và phát triển lao động chất lượng cao.
Việc Chính phủ đề xuất giảm thuế suất thuế TTĐB đối với các dòng xe có dung tích xilanh thấp sẽ tạo điều kiện cho người dân có thu nhập trung bình và trung bình khá có thể tiếp cận với ô tô dễ dàng hơn, từ đó tăng sức mua đối với loại xe này. “Thuế NK giảm kéo theo giá tính thuế TTĐB giảm, từ đó thuế GTGT cũng giảm theo. Điều này sẽ giúp cho giá dòng xe này giảm khoảng 42% so với hiện nay” – ông Thi tính toán.
Nhìn nhận từ phía Nhà nước, giá giảm, dung lượng thị trường tăng, với việc thu hút thêm đầu tư, quy mô ngân sách cũng sẽ tăng. Như vậy, việc điều chỉnh thuế suất cũng như lộ trình thuế TTĐB đối với xe ô tô sẽ có tác động tích cực toàn diện.
Không "thuế trùng thuế" với hàng NK
Trong nội dung sửa Luật Quản lý thuế, UBTVQH tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội và xin Quốc hội bỏ nội dung xóa nợ thuế cho DNNN thuộc danh sách cổ phần hóa, giao bán, sáp nhập, sắp xếp lại trong Dự thảo luật do đây là nội dung mang tính cá biệt, không thể quy định trong Luật. Khi Chính phủ thấy cần thiết xóa nợ sẽ trình Quốc hội xem xét đối với các trường hợp cụ thể, đảm bảo công bằng, minh bạch theo quy định của pháp luật.
Giải trình về quy định giá tính thuế TTĐB đối với hàng NK, UBTVQH cho biết, theo quy định hiện hành, giá tính thuế TTĐB đối với hàng hóa sản xuất trong nước là giá do cơ sở sản xuất bán ra, còn giá tính thuế TTĐB của hàng hoá NK được tính bằng giá NK (giá CIF) cộng với thuế NK (nếu có). Trước đây, khi thuế NK còn khá cao, giá bán ra của hàng NK tương đối ngang bằng với hàng sản xuất trong nước do hàng NK phải chịu thêm thuế NK.
Tuy nhiên, trước bối cảnh hội nhập, thuế NK được cắt giảm mạnh, cơ bản về 0% vào năm 2018 theo các cam kết quốc tế, nếu tiếp tục duy trì giá tính thuế như hiện hành, giá bán hàng hóa NK sẽ thấp hơn nhiều so với hàng hóa sản xuất trong nước. Do vậy, nếu không sửa đổi giá tính thuế TTĐB sẽ tạo ra sự bất bình đẳng giữa hàng hóa NK và hàng hóa sản xuất trong nước.
Mặt khác, mục tiêu của thuế TTĐB là thu vào người tiêu dùng sản phẩm hàng hóa mà Nhà nước không khuyến khích, do đó, việc quy định giá tính thuế TTĐB về nguyên tắc là giá bán lẻ đến người tiêu dùng cuối cùng đối với cả hàng NK và hàng sản xuất trong nước là hợp lý. Tuy nhiên, việc quy định giá tính thuế là giá bán lẻ đến người tiêu dùng cuối cùng là không khả thi và chưa có cơ chế kiếm soát hữu hiệu.
Do đó, việc quy định thống nhất giá tính thuế TTĐB đối với hàng hóa chịu thuế TTĐB là giá do nhà NK, nhà sản xuất bán ra là giá bán buôn của cơ sở NK và cơ sở sản xuất trong nước là phù hợp với thực tế. Để tránh gây hiểu nhầm là hàng hóa NK bị tính thuế TTĐB hai lần tại hai giai đoạn bán ra thông thường của hàng hóa NK (khâu NK và khâu bán ra trong nước), dự thảo mới đã bổ sung thêm quy định về khấu trừ số thuế tại khâu NK.
Thực tế, cuối năm 2015, khi dự thảo Luật còn đang được thảo luận tại Quốc hội, Chính phủ đã chủ động ban hành Nghị định 108/2015/NĐ-CP quy định chi tiết hướng dẫn thi hành Luật thuế TTĐB và Bộ Tài chính cũng ban hành Thông tư số 195/2015/TT-BTC hướng dẫn Nghị định này với các nội dung khá đồng nhất với dự thảo Luật đưa ra. Theo nhận định của cơ quan soạn thảo, nếu dự thảo Luật được thông qua, cùng với 2 văn bản này, thế cân bằng giữa hàng NK và hàng sản xuất trong nước cơ bản được đảm bảo.
Cũng về giá tính thuế TTĐB, một số đại biểu đề nghị quy định cụ thể tỷ lệ % giá tính thuế TTĐB với giá bình quân của các cơ sở kinh doanh thương mại bán ra trong Luật. Về vấn đề này, UBTVQH cho biết: Việc quy định giá tính thuế TTĐB không được thấp hơn tỷ lệ (%) giá bình quân của các cơ sở kinh doanh thương mại bán ra là đảm bảo minh bạch, rõ ràng, cụ thể trong quy định về giá tính thuế.
Do vậy, UBTVQH đã đề nghị quy định ngay trong dự thảo Luật, giá bán đối với hàng hóa NK, hàng hóa sản xuất trong nước bán ra không được thấp hơn 7% so với giá bình quân của cơ sở kinh doanh thương mại bán ra. Trường hợp bán thấp hơn quy định nêu trên tức là các DN đã có dấu hiệu chuyển giá để trốn thuế thì cơ quan Thuế sẽ có thẩm quyền ấn định thuế theo quy định của Luật Quản lý thuế.
Tuy nhiên, do mỗi loại hàng hoá có mức dao động, tính chất khác nhau, để đảm bảo tính khả thi, UBTVQH đề nghị quy định giao Chính phủ căn cứ vào tính chất của hàng hóa, quyết định mức tỷ lệ cụ thể cho phù hợp với thực tiễn.
Nguồn: baohaiquan.vn